Bên cạnh các kỳ kiểm tra giữa và cuối kỳ, các em còn học tăng buổi, tăng tiết để ôn thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là giai đoạn diễn ra hàng loạt kỳ thi quan trọng với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học.
Cụ thể, đợt đầu tiên của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024 sẽ diễn ra vào 2 ngày 23 và 24/3; tiếp đến là 5 đợt: 6 - 7/4, 20 - 21/4, 11 - 12/5, 25 - 26/5, 1 - 2/6 (thí sinh được đăng ký tối đa 2 lượt thi mỗi năm). Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được tổ chức 2 đợt vào đầu tháng 4 và tháng 6. Với kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, từ nay đến tháng 6 còn 4 đợt thi: 9 - 10/3, 27 - 28/4, 8 - 9/6 và 15 - 16/6.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức một đợt thi đánh giá năng lực năm 2024, dự kiến vào ngày 11/5. Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức 1 đợt thi đánh giá năng lực vào tháng 3 và 2 đợt vào tháng 5 tới. Từ tháng 3 - 5, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức 4 đợt thi đánh giá đầu vào trên máy tính…
Có thể thấy, trong vòng 4 tháng nhưng số lượng các kỳ thi diễn ra dày đặc và nếu không tỉnh táo lựa chọn, muốn tận dụng các cơ hội để đỗ vào đại học thí sinh sẽ gánh trên vai áp lực rất lớn. Dù kiến thức thi bám sát chương trình, sách giáo khoa phổ thông, nhưng mỗi kỳ thi có những điểm riêng về cách ra đề, câu hỏi, dạng bài… Nên để làm quen và vì lo lắng, thí sinh thường “cày” đề minh họa, bài thi mẫu, tìm các tài liệu ôn tập dành riêng cho mỗi kỳ thi…
Do đó, bên cạnh tập trung vào nhiệm vụ quan trọng là học nghiêm túc trên lớp, điều đặc biệt quan trọng với thí sinh giai đoạn này là lựa chọn phù hợp. Tham gia kỳ thi nào phụ thuộc vào ngành, trường mình đã cân nhắc lựa chọn. Đừng quá ôm đồm, dàn trải thời gian, tâm sức, chỉ gia tăng áp lực mà hiệu quả mang lại không như mong muốn; đồng thời ảnh hưởng đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Làm được điều này, các em rất cần sự đồng hành, định hướng, tư vấn, hỗ trợ từ gia đình, thầy cô, nhà trường.
Việc luyện thi cũng hết sức cân nhắc. Một số đại học tổ chức kỳ thi riêng không khuyến khích học sinh tham gia các lớp luyện thi bên ngoài. Thậm chí, ông Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội nhiều lần nhấn mạnh, với kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh ôn luyện tại các trung tâm, lớp luyện thi không mang lại nhiều lợi ích mà chỉ giải quyết vấn đề “tâm lý”.
Cách chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi, theo ý kiến của giáo viên và chuyên gia, chính là học nghiêm túc, khoa học, học đến đâu chắc đến đó kiến thức trên lớp; không học tủ, học mẹo mà không hiểu bản chất. Tài liệu quan trọng nhất là chương trình, sách giáo khoa. Nếu ôn tập, học một cách máy móc thì khó có thể đạt kết quả như mong đợi.
Bên cạnh đó, đề thi tốt nghiệp THPT và các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy có những câu hỏi mở, đòi hỏi vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Do đó, thí sinh cần rèn luyện khả năng tổng hợp, suy luận, mở rộng các vấn đề để áp dụng tốt nhất vào bài thi.
Tác giả bài viết: Thảo Đan
Ý kiến bạn đọc