Cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo tại Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận xét, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập đến việc xây dựng Luật Nhà giáo từ lâu và có quá trình chuẩn bị, trước khi đề xuất Chính phủ Tờ trình dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo.
Chính phủ cũng nhất trí với Bộ Giáo dục và Đào tạo trên quan điểm là: phải xây dựng dự án Luật để trình Quốc hội xem xét. Có thể khẳng định, dự án Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng trong thời điểm này đã có quá trình chuẩn bị và sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội, giáo viên và Chính phủ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện các nhóm chính sách vẫn được quy định lẻ tẻ ở các văn bản khác nhau. Bên cạnh đó cũng thiếu hành lang pháp lý bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà giáo.
Vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách khoa theo Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời điểm này là cần thiết và có sức thuyết phục. Tuy nhiên, việc xây dựng Luật Nhà giáo để điều chỉnh số lượng lớn nhà giáo chiếm 70% số lượng biên chế viên chức trên cả nước là việc làm không hề dễ dàng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kỳ vọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Nhà giáo, từ nhu cầu thực tiễn của ngành để xây dựng nhóm chính sách phù hợp với thực tế, với các quy định pháp luật khác.
Tránh tình trạng xây dựng luật quá chung chung, khi ban hành cũng không khác so với chưa có luật. Vì vậy, các cơ quan phải có sự rà soát, đánh giá tác động của chính sách. Ngoài việc xin ý kiến cơ quan liên quan, cần xin ý kiến đối tượng chịu sự tác động của luật là đội ngũ giáo viên.
Dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Dự thảo Luật Nhà giáo vào kỳ họp Quốc hội thứ 8 (cuối tháng 10/2024). Thời gian từ nay tới kỳ họp Quốc hội thứ 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có khối lượng công việc tương đối lớn khi vừa xây dựng dự án Luật Nhà giáo, vừa phải kiểm tra đánh giá tác động và xin ý kiến của những đối tượng liên quan.
Dù từ nay tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội mới xem xét dự án Luật Nhà giáo nhưng thực tế, các luật của Chính phủ trình Quốc hội phải gửi trước thời điểm khai mạc. Điều này nhằm để các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra và họp. Tiếp đó, Hội nghị đại biểu chuyên trách sẽ họp trước khi họp toàn thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kỳ vọng, khi luật được ban hành phải giải quyết, tháo gỡ được các vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành Giáo dục. Từ đó, “thổi” được sức sống mới cho ngành như: Cần có nhóm chế độ chính sách mới, đem lại vị thế mới cho nhà giáo.
Ngoài ra, Luật Nhà giáo không phải thông qua theo quy trình một kỳ họp, bởi nó cũng không mang tính chất quá cấp bách như các quy định khác. Vì vậy, đề nghị có thể xem xét thông qua hai, ba kỳ họp để các ĐBQH đóng góp ý kiến một cách đầy đủ trên tinh thần trách nhiệm cao.
Trong dự án Luật Nhà giáo có đưa ra 5 chính sách gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Việc xây dựng nhóm chính sách về nhà giáo cần phù hợp với thực tế, với các quy định pháp luật khác. Vì vậy, các cơ quan phải có sự rà soát, đánh giá tác động của chính sách...
Liên quan đến đề xuất xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Chính phủ cũng đã có Tờ trình số 435/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong công tác giáo dục nói chung, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc