Đó là những tín hiệu vui với thầy, trò và phụ huynh.
Tại Hà Nội, ngành GD-ĐT Thủ đô dự kiến khoảng đầu tháng 11, 100% học sinh các cấp sẽ quay lại trường. Tuy nhiên, trong kịch bản đang được dự thảo đặt ra các phương án khác nhau về việc đưa dần học sinh trở lại trường sớm hơn mốc thời gian trên.
Ở Đà Nẵng, UBND TP đã ban hành kế hoạch cho phép cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và người hỗ trợ (đi cùng) không ở trong vùng dịch được trở về để chuẩn bị cho hoạt động dạy học trực tiếp. Ngành GD-ĐT Cần Thơ, Kiên Giang cũng dự kiến cho học sinh ở vùng thực hiện Chỉ thị 15 học tập trung trở lại vào ngày 4/10.
TPHCM, nơi dịch bệnh phức tạp nhất cả nước, Chỉ thị mới nhất của UBND TP đã từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy học trực tiếp. Theo đó, các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vắc-xin, có thể dạy học trực tiếp nếu bảo đảm các tiêu chí an toàn theo quy định. Đáng chú ý, một trường THCS - THPT ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã chủ động đề xuất đón học sinh trở lại trường từ đầu tháng 10.
Song song với kế hoạch mở cửa trường trở lại, hầu hết các địa phương đều sẵn sàng nhiều phương án tổ chức dạy học theo hướng chủ động, linh hoạt, tránh việc chỉ có một phương án đồng phục cho tất cả. Tùy theo diễn biến của dịch bệnh ở từng khu vực mà tổ chức học trực tiếp 100%, trực tiếp kết hợp trực tuyến hay 100% trực tuyến.
Thậm chí, có lúc trong một quận, huyện còn áp dụng kịch bản dạy học ở mỗi phường khác nhau, nơi trực tuyến, nơi trực tiếp; hoặc trong cùng trường sẽ có khối lớp đi học tại trường, khối lớp ở nhà học từ xa. Việc xây dựng kịch bản, các trường cũng xác định rõ không thể tính theo năm học hay học kỳ mà có khi từng tháng, từng quý.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chủ động nắm bắt tình hình, đa dạng kịch bản dạy học là cần thiết để các cơ sở giáo dục bảo đảm kế hoạch năm học cũng như chất lượng dạy học. Trong đó, việc các địa phương và ngành Giáo dục sớm tranh thủ thời gian vàng dịch bệnh được kiểm soát để khởi động dạy học trực tiếp là rất đáng mừng, để thầy trò ôn lại kiến thức dạy học trực tuyến, giải quyết những phần kiến thức mà dạy học online khó chuyển tải.
Tuy vậy, trong niềm vui háo hức trở lại trường của đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh vẫn còn không ít tâm lý ngại ngùng. Nguyên do vẫn còn các ca bệnh trong cộng đồng, nhiều khu vực đô thị không có phòng học để giãn cách, đặc biệt là học sinh chưa được tiêm vắc-xin…
Thực tế cho thấy, chúng ta không thể theo đuổi “zero F0” mãi. Thế nhưng tinh thần “phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại”, “mở cửa trường học phải an toàn, an toàn thì mới mở cửa”… luôn được nhấn mạnh. Mặc dù, chúng ta đã có bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học để làm quy chuẩn khi mở cửa trường nhưng dường như chưa đủ.
Tổng kết của UNICEF cho thấy ở các nước có tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, cuộc sống đang trên đà chuyển sang “bình thường mới” thì trường học yên tâm mở cửa. Vắc-xin đã và đang được các nước trên thế giới coi là “chìa khóa” để giúp trường học an toàn.
Chủ động bám sát tình hình, đa dạng, linh hoạt kịch bản dạy học là giải pháp cần thiết trong tình hình hiện nay. Nhưng để học đường sớm trở lại trạng thái bình thường mới, tiêm phủ vắc-xin cho học sinh vẫn được xem là yếu tố quyết định. Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM đã đề nghị tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho khoảng gần 650.000 học sinh trong độ tuổi 12 - 18, sẵn sàng cho học kỳ II học trực tiếp. Thế nhưng bao giờ có vắc-xin cho học sinh, vẫn còn là bài toán khó…