Nền tảng chính sách: Khơi nguồn đổi mới, tạo động lực cho đội ngũ

Thứ năm - 18/02/2021 17:54 241 0
GD&TĐ - Thời gian qua, Bộ GD&ĐT chủ động, tích cực trong việc hoàn thiện các chính sách về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng các yêu cầu mới.
Nền tảng chính sách: Khơi nguồn đổi mới, tạo động lực cho đội ngũ

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết như trên và nhận định rằng những chính sách này tác động, ảnh hưởng tích cực tới đội ngũ nhà giáo, thông qua đó giúp các cơ sở giáo dục, địa phương nâng cao chất lượng giáo dục.

Hàng loạt chính sách tạo động lực

- Trong năm học đặc biệt 2020, có những chính sách đáng chú ý nào với nhà giáo thưa ông?

- Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu của các luật liên quan cũng như tháo gỡ những bất cập trong thực tế công tác phát triển đội ngũ của các địa phương luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ  GD&ĐT và Bộ trưởng ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện. Chính vì vậy, mặc dù năm 2020 đầy khó khăn nhưng Bộ GD&ĐT vẫn hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng hệ thống quy định chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo. Có thể kể đến một số chính sách mới về nhà giáo được ban hành năm 2020:

Nền tảng chính sách: Khơi nguồn đổi mới, tạo động lực cho đội ngũ - Ảnh minh hoạ 2
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Thứ nhất, quy định chế độ trợ cấp với nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu (Nghị định 14/2020/NĐ-CP). Theo đó, từ ngày 15/3/2020, một số nhóm chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu từ 1/1/1994 - 31/5/2011 được hưởng mức trợ cấp một lần bằng tiền, tính bằng (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách chính sách phát triển giáo dục mầm non (Nghị định 105/2020/NĐ-CP); chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116/2020/NĐ-CP). Những chính sách này là sự cụ thể hóa các quy định trong Luật Giáo dục năm 2019 mà Bộ GD&ĐT đã chủ động rà soát, hoàn thiện để bảo đảm sự hỗ trợ tối đa đối với đội ngũ nhà giáo.

Thứ ba, quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Ngay sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP với lộ trình cụ thể và những hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan, đơn vị liên quan. Nhờ đó, việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên sẽ tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực mới để ngành Giáo dục khẳng định thêm quyết tâm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng chuẩn hóa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng ban hành quy định về việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo do Bộ GD&ĐT ban hành nhằm hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục có cơ sở để sử dụng đội ngũ phù hợp với lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo.

Thứ tư, trong năm 2020, Bộ GD&ĐT sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên các cấp học từ mầm non, phổ thông cho đến cao đẳng sư phạm và đại học. Trong đó, cầu thị tiếp thu tinh thần góp ý của các đại biểu Quốc hội, cử tri, giáo viên và xã hội, Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Nội vụ bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để giảm áp lực cho giáo viên và những tiêu cực nảy sinh trong thực tế ở một số nơi. Tuy nhiên, yêu cầu về ngoại ngữ, tin học với giáo viên, giảng viên được đưa vào quy định  chương trình đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.

Thứ năm, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT chủ động, tích cực trong chuẩn bị đội ngũ nhà giáo để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đến năm 2020, cùng với Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ phối hợp với các địa phương từng bước thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán đồng thời hỗ trợ trực tiếp, thường xuyên, liên tục cho đại trà giáo viên về nội dung, lộ trình và các kỹ năng cần thiết phục vụ thực hiện Chương trình mới.

- Những chính sách này có tác động như thế nào với đội ngũ nhà giáo?

- Có thể nói, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chủ động, tích cực trong việc hoàn thiện các chính sách về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu mới. Các chính sách được ban hành kịp thời để bảo đảm thực hiện chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 nhằm chuẩn bị tốt hơn về đội ngũ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Chính vì vậy, ngay khi các chính sách nêu trên được ban hành, Bộ GD&ĐT nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và toàn thể xã hội. Có những chính sách ngay lập tức hỗ trợ cho đội ngũ về vật chất hoặc giảm các áp lực cho giáo viên. Do đó, những giáo viên là đối tượng thụ hưởng chính sách vô cùng phấn khởi, góp phần tạo động lực cho đội ngũ.

Như vậy, theo con đường gián tiếp hoặc trực tiếp, các chính sách nêu trên đều có những tác động, ảnh hưởng tích cực tới đội ngũ nhà giáo, thông qua đó giúp các cơ sở giáo dục, địa phương nâng cao chất lượng giáo dục.

Nền tảng chính sách: Khơi nguồn đổi mới, tạo động lực cho đội ngũ - Ảnh minh hoạ 3
Lễ tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu năm 2020. Ảnh: Thế Đại

Hành động quyết liệt và tư duy đổi mới

- Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngành Giáo dục trong năm 2021 thực hiện phương châm: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển. Theo ông, đội ngũ nhà giáo có vai trò như thế nào? Thầy cô cần xác định tâm thế gì trước nhiệm vụ này?

- Thực hiện phương châm hành động mà Chính phủ đã xác định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, ngành Giáo dục đề ra định hướng hành động bám sát 3 trục quan trọng. Đó là tập trung thực hiện tốt, hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; chỉ đạo thực hiện tự chủ đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và bảo đảm an toàn trường học. Trong đó, yếu tố cốt lõi bảo đảm sự thành công của các chiến lược hành động này chính là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, phương châm hành động của Chính phủ, của ngành đã cụ thể và rõ ràng nhưng không có đội ngũ tâm huyết, trách nhiệm không thể có các kết quả tốt đẹp được.

Với nhiệm vụ và trọng trách vừa nặng nề nhưng rất vẻ vang ấy, trong năm học này cũng như các năm học tới, thầy cô giáo ở tất cả các cấp học cần có tư duy đổi mới và hành động quyết liệt để vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Trước mắt, các thầy cô cần tiếp tục khắc phục những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, chuẩn bị đầy đủ tâm thế, năng lực để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Bên cạnh nỗ lực tự thân, đội ngũ cần được hỗ trợ như thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình?

- Về việc này, Bộ GD&ĐT đã chủ động nghiên cứu, tính toán đồng thời với việc triển khai xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 732/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; Quyết định 33/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương, cơ sở đào tạo giáo viên từng bước bồi dưỡng cho đội ngũ những năng lực thiết yếu và chuẩn bị các điều kiện cơ bản để phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT.

Cho đến năm học 2019 - 2020, các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ phục vụ đổi mới chương trình được ban hành với các lộ trình cụ thể, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Điều cần làm tiếp theo là sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương bằng các chính sách cụ thể (ngoài các chính sách của Nhà nước được quy định chung) nhằm hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp cho đội ngũ. Muốn làm được điều đó, các địa phương cần xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 là nền tảng quan trọng để triển khai các chính sách hỗ trợ đội ngũ.

- Xin cảm ơn ông!

Các thầy cô cần đổi mới cách nghĩ, cách làm và không ngừng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của công cuộc hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Tư duy đổi mới sẽ giúp các thầy cô nghĩ khác, làm mới hơn với nhiệm vụ của mình đáp ứng những yêu cầu mới. Sự đổi mới ấy cần được thể hiện thông qua những hành động cụ thể và quyết liệt - là sự không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng vượt qua thách thức, trở ngại, áp lực để đổi mới, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, nâng tầm chất lượng công việc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập844
  • Hôm nay55,278
  • Tháng hiện tại333,408
  • Tổng lượt truy cập51,689,367
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944