Nghiên cứu khoa học với nhóm nghiên cứu mạnh: Kỳ vọng chính sách đột phá

Chủ nhật - 28/04/2019 19:21 430 0

Nghiên cứu khoa học với nhóm nghiên cứu mạnh: Kỳ vọng chính sách đột phá

GD&TĐ - Xây dựng cơ chế chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu (NNC) là vấn đề sống còn của nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay. GS Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) - nhấn mạnh điều này khi chia sẻ xung quanh dự thảo Thông tư quy định hướng dẫn phát triển NNC mạnh trong các cơ sở giáo dục ĐH đang được Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi."

Nhu cầu đã rất cấp thiết

- Xây dựng, phát triển những NNC mạnh trong các trường ĐH cấp thiết như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa giáo sư (GS)?

- NCKH cùng với công tác đào tạo là 2 nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu nhất của các trường ĐH. Trong NCKH, cần phải tiếp cận theo hướng NNC. Do vậy, muốn đẩy mạnh công tác NCKH trong các trường ĐH, nhất định phải đẩy mạnh hình thành, phát triển các NNC.

Các NNC thường không có cơ chế chính sách thì vẫn tự hình thành như một lẽ tất yếu của NCKH. Không có một nghiên cứu nào thành công mà chỉ dành cho một người; bởi vậy, việc xây dựng cơ chế chính sách để phát triển các NNC trong các lĩnh vực khác nhau của khoa học công nghệ (KHCN) là vấn đề sống còn của NCKH trong các trường ĐH.

Từ trước đến nay, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách cho KHCN. Cũng đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề cập để NNC, NNC mạnh, NNC xuất sắc. Tuy nhiên, cơ chế chính sách dành cho phát triển các NNC trong trường ĐH thì vẫn còn thiếu và yếu, chưa trở thành động lực cho các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ của mình.

Do vậy, Bộ GD&ĐT chủ trương, giai đoạn phát triển KHCN trong các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay, phải chú trọng xây dựng cơ chế chính sách, phát triển các NNC, trong đó tập trung mạnh hình thành, phát triển các NNC mạnh để giải quyết vấn đề mang tầm quốc gia, đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH của đất nước.

- Việc ra đời của NNC mạnh là vấn đề mới của khoa học Việt Nam nên dường như hành lang pháp lý còn thiếu. Nhận định của GS như thế nào?

- Đã có một số văn bản quy phạm pháp luật nhắc tới NNC mạnh. Nghị định số 99/2014/NĐ-CP quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH-CN trong các cơ sở giáo dục ĐH có nhắc đến việc xây dựng, phát triển NNC mạnh; nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể. Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Quỹ Nafosted) tài trợ cũng đã xây dựng các NNC mạnh trong khuôn khổ của Quỹ Nafosted.

Bộ GD&ĐT đang được giao làm đầu mối xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH; trong đó đề cập đến việc xây dựng, phát triển các NNC mạnh trong các trường ĐH.

Như vậy, về cơ sở pháp lý để Bộ GD&ĐT xây dựng thông tư hướng dẫn phát triển NNC mạnh trong các cơ sở giáo dục ĐH đã có đủ.

NNC mạnh, theo chủ trương của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, có những tiêu chí, tiêu chuẩn khác với NNC mạnh thực hiện trong khuôn khổ Quỹ Nafosted. Nếu Quỹ Nafosted chủ yếu xây dựng NNC mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, sản phẩm chính là các bài báo quốc tế trong danh mục ISI, thì NNC mạnh trong các cơ sở giáo dục ĐH mà Bộ GD&ĐT đang kỳ vọng sẽ mang tính dẫn dắt để phát triển các lĩnh vực, ngành khoa học, từ kĩ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, đến khoa học xã hội và nhân văn. Mục tiêu xa hơn, các NNC mạnh này sẽ phải hướng đến các NNC xuất sắc mang tầm quốc tế. Xa hơn nữa, trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.

Nghiên cứu khoa học với nhóm nghiên cứu mạnh: Kỳ vọng chính sách đột phá - Ảnh minh hoạ 2
  • “Trong quá trình xây dựng tiêu chí phát triển NNC mạnh, Bộ GD&ĐT đã làm việc với nhiều nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các cơ sở giáo dục ĐH lớn trong cả nước và nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao về chủ trương xây dựng NNC mạnh; vì hiện nay hành lang pháp lý chưa có, chế độ đãi ngộ cũng như quyền lợi và trách nhiệm chưa rõ ràng.
  • Bộ GD&ĐT cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn về dự thảo Thông tư quy định hướng dẫn phát triển NNC mạnh trong các cơ sở giáo dục ĐH. Ban soạn thảo đang tiếp thu ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau để hoàn thiện dự thảo. Làm sao khi Thông tư chính thức ban hành sẽ được các nhà khoa học, cơ sở giáo dục ĐH ủng hộ; đồng thời vẫn bảo đảm hình thành được mô hình các NNC tinh hoa trong từng lĩnh vực để giải quyết những vấn đề mang tầm quốc gia, quốc tế”.
  • GS Tạ Ngọc Đôn

Yêu cầu cao và đãi ngộ tương xứng

- Theo GS, muốn xây dựng một NNC mạnh, đủ khả năng hội nhập quốc tế, chúng ta cần chú ý đến những yếu tố nào?

- Một NNC mạnh theo kỳ vọng của Bộ GD&ĐT hiện nay phải đáp ứng nhiều tiêu chí và tiêu chuẩn tương đối toàn diện.

Ví dụ, trưởng nhóm NNC phải là hạt nhân khoa học thực sự, có thể dẫn dắt, theo đuổi hướng nghiên cứu của NNC mạnh ít nhất 10 - 15 năm; như vậy, cần phải có quỹ thời gian đủ dài. Thứ 2, phải có hợp tác quốc tế rất tốt. Thứ 3, phải có đầy đủ kinh nghiệm mang tầm quốc gia, quốc tế.

Chẳng hạn, trưởng nhóm từng chủ trì thành công các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp Bộ và tương đương trở lên; từng tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; từng có những hợp tác trong nghiên cứu với các cá nhân, tổ chức nước ngoài, được giới khoa học thừa nhận bằng các sản phẩm khoa học của chính họ. Chẳng hạn: Những công bố quốc tế có giá trị, có các bài báo ISI trong các danh mục Q1, Q2; có các giải pháp hữu ích, phát minh, sáng chế; có các giải thưởng về khoa học, công nghệ; có các bảo hộ về quyền tác giả; từng viết sách chuyên khảo hoặc chủ trì những cuốn sách chuyên khảo; hay đã là tác giả của các chương sách thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu được xuất bản bởi các nhà xuất bản uy tín thế giới.

Như vậy, nói về NNC mạnh, điều quan trọng đầu tiên là phải tìm chọn được trưởng nhóm có đủ các điều kiện cần về uy tín khoa học, khả năng tập hợp các nhà khoa học trong nước và quốc tế; theo đuổi mục tiêu nghiên cứu trong thời gian đủ dài để giải quyết các bài toán lớn về KHCN của quốc gia và thậm chí mang tầm quốc tế.

Bên cạnh trưởng nhóm NNC mạnh, Bộ GD&ĐT cũng rất quan tâm đến hai thành viên chủ chốt. Hai thành viên chủ chốt này cũng những tiêu chí tương đối mạnh, cùng hướng nghiên cứu với trưởng NNC và có thành tích khoa học nhất định được giới khoa học thừa nhận. Hai thành viên chủ chốt không quy định tuổi tác, không quy định người Việt Nam hay nước ngoài, miễn là cùng chung mục tiêu phát triển hướng nghiên cứu với trưởng NNC.

Bên cạnh tiêu chuẩn “cứng” còn có những tiêu chuẩn “mềm”. Ví dụ, các thành viên còn lại không quy định số lượng, tuổi tác, học hàm học vị, miễn là tham gia cùng với trưởng nhóm và 2 thành viên chủ chốt để thực hiện thành công định hướng nghiên cứu của mình; lẽ đương nhiên, có gắn với đào tạo tiến sĩ…

Ngoài về nhân lực, một trong những tiêu chuẩn để có thể công nhận một NNC mạnh là: NNC đó phải đề xuất được một đề án hay chương trình nghiên cứu tương đối dài hơi, trong khoảng từ 5 - 10 năm. Chương trình nghiên cứu này phải nằm trong các nội dung mang tầm quốc gia và quốc tế; có tính khả thi, có khả năng mang lại giá trị tri thức khoa học cao. Đặc biệt, có thể chuyển giao tri thức vào thực tiễn, làm gia tăng các sản phẩm KHCN cho đất nước.

Việc xây dựng các NNC mạnh không giới hạn trong cơ sở nào mà khuyến khích có sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều cơ sở giáo dục ĐH, viện nghiên cứu trong nước, quốc tế.

Nghiên cứu khoa học với nhóm nghiên cứu mạnh: Kỳ vọng chính sách đột phá - Ảnh minh hoạ 3
  • Nhóm nghiên cứu mạnh phải là hạt nhận trong phát triển hệ thống GDĐH. Ảnh: Quý Trung

- Với những yêu cầu chặt chẽ và đòi hỏi khá cao như vậy, chắc chắn các chính sách cho NNC mạnh cũng phải tương xứng?

Một NNC mạnh khi được công nhận mặc nhiên đã được thừa nhận hướng nghiên cứu mà họ đề xuất. Bộ GD&ĐT đang cố gắng xây dựng hành lang pháp lý để có chế độ khuyến khích, đãi ngộ, đặt hàng nghiên cứu cho các NNC mạnh này.

Chẳng hạn, hàng năm có thể cấp một khoản kinh phí nhất định để các NNC mạnh có thể trao đổi học thuật trong nước và quốc tế, nghiên cứu hỗn hợp với các đối tác quốc tế; đặt hàng chương trình nghiên cứu để cấp kinh phí thực hiện các chương trình nghiên cứu này nhưng gắn chặt với sản phẩm đầu ra.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ cân nhắc lồng ghép những hỗ trợ khác, như giảm giờ đứng lớp cho các thành viên chủ chốt của NNC để dành tối đa thời gian cho nghiên cứu; xem xét cấp học bổng đào tạo tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh trong NNC; ưu tiên các nhiệm vụ mang tầm quốc gia, mang tầm chiến lược của đất nước phù hợp với hướng nghiên cứu của từng NNC mạnh. Định kỳ hàng năm sẽ rà soát kết quả đạt được của từng NNC mạnh để xem xét, cấp tiếp kinh phí cho năm sau.

- Từ thực tế Việt Nam, theo GS, việc hình thành, phát triển các NNC mạnh trong các trường ĐH có thuận lợi, khó khăn như thế nào? Giải pháp ra sao?

- Đến nay, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, việc nhanh chóng hoàn thiện để ban hành các nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật này là rất cần thiết.

Mô hình NNC, NNC mạnh, NNC xuất sắc tự thân nó đã có trong các trường ĐH từ rất lâu. Theo thống kê, cả nước hiện có 945 NNC. Tuy nhiên, chưa có chế tài khuyến khích hỗ trợ và phát triển các NNC này.

Một số cơ sở giáo dục ĐH đã có quyết định thành lập các NNC mạnh theo tiêu chí riêng của mình, chẳng hạn như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội…

Để các NNC mạnh phát triển bền vững thì Nhà nước phải có chế độ ưu đãi thực sự. Chẳng hạn, hằng năm phải cấp kinh phí cho các nhóm này hoạt động thông qua hỗ trợ kinh phí tham gia các hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế. Hằng năm có kinh phí cho các nhà khoa học trong nhóm ra nước ngoài làm nghiên cứu với đối tác quốc tế. Đặt hàng các NNC mạnh thực hiện nhiệm vụ KHCN thông qua các chương trình nghiên cứu với việc xác định rõ mục tiêu, sản phẩm đầu ra…

Như vậy, Nhà nước phải có cơ chế đãi ngộ, khuyến khích, đặt hàng các NNC mạnh này. Đồng thời, cho phép các NNC mạnh thực hiện nhiệm vụ với cơ chế tài chính đặc thù. Ví dụ, việc thanh quyết toán được thực hiện khoán đến sản phẩm cuối cùng.

Tuy nhiên, không phải NNC được cấp kinh phí là muốn làm gì thì làm, mà vẫn phải có chế tài kiểm soát để bảo đảm việc chi tiêu thực hiện đúng mục đích và có gắn trách nhiệm của cơ quan chủ trì các NNC mạnh này, nơi trưởng NNC là cán bộ cơ hữu.

Để giải quyết các vấn đề mang tầm quốc gia, quốc tế, NNC mạnh được thành lập phải mang tính liên ngành, có nhiều thành phần tham gia gồm các nhà khoa học cũng như các tổ chức doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập752
  • Hôm nay31,129
  • Tháng hiện tại309,259
  • Tổng lượt truy cập51,665,218
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944