Cô nuôi trong khu cách ly
Vài tuần nay, cô Trần Thị Ánh – GV Trường Tiểu học Tư Mại (Yên Dũng) đều đặn có mặt trong khu cách ly tập trung là Trường Mầm non An Lạc (thị trấn Neo) để tham gia vào đội hậu cần, phục vụ bữa ăn cho những người thuộc diện F1.
Cô Ánh chia sẻ: Khi Trường Mầm non An Lạc được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, tôi và một số giáo viên khác trên địa bàn huyện đã tình nguyện tham gia vào đội hậu cần, hỗ trợ bà con nhân dân, đồng nghiệp và học trò của mình trong khu cách ly. Đều đặn hàng ngày, sáng từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 45 phút và chiều từ 2 giờ đến 5 giờ, cô Ánh có mặt tại nhà bếp để cùng các thành viên tình nguyện khác nấu nướng, chia cơm cho mọi người.
Khu cách ly có hơn 100 F1, trong đó có cả người già và trẻ nhỏ, thậm chí có những bé vẫn phải ăn cháo, bột. “Nhìn những em nhỏ thơ ngây, miệng còn hơi sữa trong khu cách ly, ai cũng xúc động. Các em còn quá bé, chưa thể cảm nhận hết được những gì đang xảy ra trên quê hương mình. Ấy vậy mà em nào, em nấy đều ngoan ngoãn, nghe lời hướng dẫn của người lớn và các y bác sĩ. Điều đó càng khiến chúng tôi thêm trắc ẩn. Không ai bảo ai, tự đáy lòng, mọi người đều tâm niệm: Làm những gì có thể để hỗ trợ tiền tuyến, đồng bào, quê hương sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này và nhanh chóng đẩy lùi Covid-19” – cô Ánh bộc bạch và cho biết: Ngoài nấu cơm phục vụ trong khu cách ly, cô còn tham gia làm 1.000 tấm chắn giọt bắn và hàng trăm móc tai giả (dùng để đeo khẩu trang, không bị hằn và đau tai) để hỗ trợ các y, bác sĩ.
Nhập liệu hàng nghìn mẫu bệnh phẩm
Hơn 6 giờ sáng, thầy Nguyễn Văn Thắng – GV Trường THCS thị trấn Nham Biền số 1 (Bắc Giang) lặng lẽ dắt xe máy ra khỏi nhà để tham gia vào đội tình nguyện nhập liệu mẫu bệnh phẩm. Công việc này bắt đầu từ ngày 24/5 đến nay.
Đội tình nguyện của thầy có hơn 50 giáo viên tham gia. Công việc chính là nhập liệu mẫu bệnh phẩm tại các địa phương mà đoàn y tế đến xét nghiệm. Trung bình, mỗi ngày đội tình nguyện của thầy nhập hàng nghìn mẫu bệnh phẩm. Mẫu bệnh nhiều nên có hôm phải làm thâu đêm mới xong. Hôm nào về sớm cũng phải 8 - 9 giờ tối. “Nhiều hôm, khi các con còn chưa ngủ dậy tôi đã dắt xe đi làm, khi về thì vợ con đã ngủ say” – thầy Thắng chia sẻ.
Tham gia đội tình nguyện, thầy Thắng và các đồng nghiệp phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân giống như các y bác sĩ và lực lượng phòng chống dịch bệnh. “Ngày đầu tiên trải nghiệm với bộ đồ này trong tiết trời nắng nóng như đổ lửa chỉ một lúc, tôi đã cảm nhận được sự khó chịu. Ban đầu là nóng chân tay, rồi lan ra khắp lưng và toàn thân, mồ hôi chảy ngang, chảy dọc ướt hết áo quần…”, thầy Thắng cho biết.
Theo thầy Thắng, có đến mới hay, có gặp mới biết sự hy sinh, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Họ ăn nằm, ngủ nghỉ với bộ đồ bảo hộ, thậm chí nước không kịp uống. Ai nấy đều dồn hết tâm sức để chống dịch.
“Càng nghĩ đến hình ảnh các y, bác sĩ, nghĩ đến quê hương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, chúng tôi thêm quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc công việc. Những gì chúng tôi trải qua, không thấm vào đâu so với công việc mà các y, bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu với đại dịch”, thầy Thắng chia sẻ.
“Tiếp nước” cho tiền tuyến
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và Bắc Giang trở thành “tâm dịch”, cô Hoàng Thị Yên – GV Trường Mầm non thị trấn Nham Biền số 2 (huyện Yên Dũng) đã tình nguyện làm tấm chắn giọt bắn để gửi đến ngành Y tế của địa phương.
Hiện cô làm được gần 3.000 tấm chắn và tiếp tục làm thêm khoảng 500 tấm. “Nhiều đội tình nguyện mang nguyên vật liệu đến, vợ chồng tôi nhận làm ngay. Mỗi người có cách hỗ trợ khác nhau, gia đình nguyện góp công, góp sức, cùng chung tay đẩy lùi Covid-19”, cô Yên bày tỏ.
Mới đây, cô Yên còn nhận làm thiết bị “tiếp nước uống” cho cán bộ y tế. Theo đó, các y, bác sĩ sẽ đeo hoặc khoác chai nước lên người (như đeo bình tông quân đội), có một dây dẫn nước từ chai/bình lên đến miệng để hút khi khát. “Cách tiếp nước” này rất tiện dụng và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua đồ vật trung gian.
“Sản phẩm mẫu được gửi đến cơ quan y tế để kiểm duyệt. Nếu bảo đảm độ an toàn, tiện lợi sẽ được nhân rộng để gửi đến cho đội ngũ y, bác sĩ tham gia phòng chống Covid-19. Khi đó, tôi mong nhận được sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, nhà hảo tâm về nguyên vật liệu, vợ chồng tôi sẽ góp công, góp sức để làm thiết bị đó và gửi đến tiền tuyến – nơi các thầy thuốc đang ngày đêm chống dịch như chống giặc”, cô Yên bày tỏ.