Nhìn lại 3 ngày thi THPT quốc gia 2018: Nghiêm túc, khách quan, an toàn

Thứ tư - 27/06/2018 06:29 621 0
GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã được tổ chức thành công, đáp ứng các mục tiêu đề ra, đảm bảo phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Nhìn lại 3 ngày thi THPT quốc gia 2018: Nghiêm túc, khách quan, an toàn

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT - cho biết như vậy trong họp báo sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tổ chức chiều nay (27/6). Chủ trì họp báo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Chánh văn phòng Nguyễn Việt Lộc, cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia.

Nhìn lại 3 ngày thi THPT quốc gia 2018: Nghiêm túc, khách quan, an toàn - Ảnh minh hoạ 2
 Quang cảnh họp báo 

Kỷ cương kỳ thi được tăng cường

Nhìn lại 3 ngày thi, có thể thấy kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại các điểm thi trên cả nước. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của Kỳ thi tại các địa phương, nhất là công tác chuẩn bị thi và coi thi, kịp thời phát hiện và xử lý các hạn chế, bất cập; hỗ trợ các Hội đồng thi tổ chức thi nghiêm túc, an toàn; thành lập 05 đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ thường trực chỉ đạo công tác tổ chức thi tại 05 vùng trên cả nước nhằm chỉ đạo kịp thời các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức thi; huy động hơn 4000 cán bộ thanh tra cắm chốt ở 2144 Điểm thi trên toàn quốc; Thanh tra Bộ đã thành lập 11 đoàn Thanh tra thi lưu động nhằm tăng cường giám sát công tác tổ chức thi tại các Hội đồng thi.

Một kỳ thi vì thí sinh

Để thống nhất chỉ đạo trong toàn hệ thống và tạo thuận lợi cho thí sinh, ngoài việc cung cấp đầy đủ các Quy chế, văn bản hướng dẫn và thông tin tuyển sinh của các trường để thí sinh tham khảo trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ (thituyensinh.vn), Bộ GD&ĐT đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp tới các giám đốc sở GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ; đồng thời thành lập Tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi – tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức Kỳ thi.

Trung tâm Truyền thông của Bộ phối hợp chặt chẽ với các báo, đài để kịp thời giải đáp những băn khoăn và thắc mắc của thí sinh và người dân.

Nhờ hỗ trợ của các cơ quan truyền thông với lực lượng đông đảo các phóng viên, nhà báo đồng hành cùng Ngành Giáo dục trước và trong Kỳ thi nên các chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh,… đã được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và học sinh; các băn khoăn thắc mắc đã được giải đáp kịp thời; những điểm sáng trong cộng đồng đã được đăng tải kịp thời, tạo được sự đồng thuận của xã hội và ổn định tâm lý thí sinh tham dự Kỳ thi.

Nhìn lại 3 ngày thi THPT quốc gia 2018: Nghiêm túc, khách quan, an toàn - Ảnh minh hoạ 3
 Thí sinh trao đổi kết quả làm bài thi

Thời tiết ở phần lớn các tỉnh, thành phố nhìn chung thuận lợi, giao thông bảo đảm an toàn giúp các thí sinh đến dự thi đầy đủ, đúng giờ. Tuy nhiên, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc có mưa lớn, lũ quét, gây sạt lở ách tắc giao thông tại một số tuyến đường.

Do đã có sẵn các phương án ứng phó với thời tiết và các tình huống bất thường này, các sở, ban, ngành của các địa phương đã chủ động huy động các phương tiện chuyên dụng của Quân đội, Công an để kịp thời hỗ trợ hầu hết các thí sinh đến Điểm thi đúng giờ.

Tuy nhiên, ở hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang, mặc dù địa phương đã cố gắng khắc phục tối đa nhưng vẫn còn một số thí sinh không đến được Điểm thi để dự thi. Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia đã chỉ đạo Hội đồng thi các địa phương thống kê, báo cáo cụ thể, đồng thời đề xuất phương án để kịp thời quyết định phương án xử lí phù hợp vừa đúng Quy chế vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương đã tích cực hoạt động chương trình “Tiếp sức mùa thi” với các nội dung: công tác tuyên truyền; công tác tư vấn, hỗ trợ; công tác đảm bảo an ninh, an toàn; hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh về tư vấn mùa thi; giới thiệu nhà trọ miễn phí và giá rẻ; hỗ trợ đi lại bằng xe ôm miễn phí hoặc giá rẻ; hướng dẫn làm thủ tục cho thí sinh,…

Các tổ chức đoàn thể đã hỗ trợ vật chất cho thí sinh là người dân tộc, thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn được ăn ở, lưu trú gần địa điểm thi; nhiều hình thức hỗ trợ kịp thời thí sinh trong các tình huống bất thường. Tất cả đã tạo nên tình cảm ấm áp, môi trường thân thiện giúp thí sinh làm bài tốt hơn.

Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được các Hội đồng thi tạo điều kiện để có thể tham dự Kỳ thi. Các Hội đồng thi đều hỗ trợ tối đa; đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.

Nhìn lại 3 ngày thi THPT quốc gia 2018: Nghiêm túc, khách quan, an toàn - Ảnh minh hoạ 4Thí sinh được hỗ trợ tối đa trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Đánh giá ban đầu tích cực về đề thi

Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời và đảm bảo tính bảo mật cao. Các Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi tại địa phương, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các Điểm thi của Hội đồng thi.

Đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 phù hợp với hình thức thi đã công bố, tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đồng thời tăng cường phân hoá kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC.

Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài Ngành Giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa cao, đáp ứng được hai mục đích của Kỳ thi là xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển ĐH, CĐ, TC.

Ủy ban nhân dân các tỉnh và các bộ, ngành liên quan đã chủ động vào cuộc cùng với Ngành Giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai Kỳ thi. Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh/thành phố (nhiều địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện) với sự tham gia của lãnh đạo các cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, các lãnh đạo trường ĐH, CĐ đã chủ động chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi. Trong suốt Kỳ thi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, việc cấp điện, nước được duy trì tại các Điểm thi...

Kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn

Đánh giá của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức đúng kế hoạch, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, an toàn đúng quy chế; thể hiện trên các mặt chính sau đây:

Phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm đổi mới thi/tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, nhất là tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ  của các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ, sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan truyền thông.

Các Điểm thi trường/liên trường phổ thông đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, “đi thi như đi học” nên tạo được tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài đạt kết quả cao nhất, đồng thời không gây áp lực nào lên cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại ở các thành phố lớn.

Sự phối hợp nhịp nhàng, ngày càng hiệu quả giữa Sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ đã đảm bảo tính khách quan, trung thực của Kỳ thi, tạo được niềm tin của xã hội về tính công bằng của kết quả thi để các trường ĐH, CĐ, TC có thể sử dụng trong tuyển sinh.

Kỳ thi có 925.753  thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.144 Điểm thi với 39.689 phòng thi; huy động gần 45.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện; trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi.

 

Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74,3% (năm 2017 là gần 75%). So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%.

 

Tỷ lệ thí sinh tới dự thi, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,55%; Toán 99,52%; Vật lí: 99,34%; Hóa học: 99,22%; Sinh học: 99,35%; Ngoại Ngữ: 99,63%; Lịch sử: 99,35%; Địa lí: 99,44%; GDCD: 99,56%).

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập583
  • Hôm nay18,302
  • Tháng hiện tại296,432
  • Tổng lượt truy cập51,652,391
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944