Những lớp học… treo

Chủ nhật - 07/11/2021 04:48 315 0
GD&TĐ - “Lớp treo” là từ khóa nhiều giáo viên tiểu học ở một số địa phương sử dụng để chỉ những lớp thiếu giáo viên chủ nhiệm.
Những lớp học… treo

Trong bối cảnh ấy, nhiều cơ sở giáo dục buộc phải sử dụng biện pháp tình thế: Phân công một giáo viên chủ nhiệm 2 lớp.

Thiếu thầy, trò phải dồn lớp

Vừa dạy xong lớp buổi sáng, thầy Lê Ngọc Tuấn – Trường Tiểu học Hải Hà, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) lại tất tả chuẩn bị bài vở, giáo án cho ca dạy buổi chiều. Thầy Tuấn đang đảm nhiệm một “lớp treo” nên phải dạy học cả ngày. Diễn giải về lớp học này, thầy Tuấn chia sẻ: “Lớp treo” là từ để chỉ những lớp thiếu giáo viên chủ nhiệm. Với lớp như vậy, nhà trường phải phân công tạm thời: Một giáo viên chủ nhiệm 2 lớp - một lớp sáng và một lớp chiều.

“Tôi đang chủ nhiệm 2 lớp 5. Buổi sáng là lớp 5D, buổi chiều là lớp 5B, mỗi lớp hơn 40 học sinh. Thời điểm này, nhà trường có chủ trương tận dụng tối đa thời gian vàng để thầy – trò được dạy - học trực tiếp, nên chúng tôi dạy cả thứ 7. Vì thế, tôi được nghỉ duy nhất một ngày Chủ nhật. Nói là nghỉ nhưng tôi chấm bài cho học sinh, chuẩn bị giáo án, kịch bản dạy học cho tuần tới. Dù có vất vả, áp lực nhưng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ” – thầy Tuấn cho biết.

Theo thầy Tuấn, do thiếu giáo viên nên nhà trường phải áp dụng giải pháp tình thế này. “Là nam giới, tổ phó chuyên môn nên tôi tình nguyện đảm nhiệm “lớp treo”. Qua đó, chung tay chia sẻ với nhà trường trong giai đoạn khó khăn này” – thầy Tuấn bộc bạch, đồng thời cho hay: Những “lớp treo” ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì thế, rất mong các cấp, ngành quan tâm, bổ sung giáo viên để sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Hiện, Trường Tiểu học Hải Hà có 4 “lớp treo”. Cô Hiệu trưởng Phan Thị Hải Yến cho biết: Tới đây một giáo viên xin chuyển trường nên tình trạng thiếu giáo viên càng trầm trọng. Điều này đồng nghĩa với số “lớp treo” sẽ tăng lên.

“Năm học 2021 - 2022, nhà trường thiếu ít nhất 3 giáo viên văn hóa (giáo viên cơ bản). Chúng tôi đã đề xuất tuyển dụng bổ sung giáo viên nhưng vẫn đang chờ cấp trên giải quyết. Khổ nỗi, hợp đồng giáo viên cũng khó, phần vì thiếu nguồn nhân lực, thứ nữa thu nhập thấp nên một số người từ chối. Vì thế, nhà trường phải “ứng biến” bằng cách: Phân công một số giáo viên chủ nhiệm hai lớp” – cô Yến phân trần.

Trường Tiểu học Hải Hà có hơn 900 học sinh. Theo quy định, với số lượng học sinh này sẽ được chia thành 29 - 30 lớp. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên, nhà trường đã dồn xuống còn 22 lớp. Trung bình mỗi lớp hơn 40 học sinh; có lớp gần 50 em trong phòng học rộng hơn 30m2. Cũng do tình trạng thiếu giáo viên, ban giám hiệu phải luân phiên đứng lớp, kiêm công tác chủ nhiệm là chuyện bình thường. “Đầu tháng 10, có giáo viên bị ốm, phải nhập viện, ban giám hiệu phải luân phiên dạy thay giáo viên đó để thầy cô yên tâm chữa bệnh” – cô Yến chia sẻ.

Những lớp học… treo - Ảnh minh hoạ 2
Một lớp học của Trường Tiểu học Hải Hà. Ảnh: NTCC

Thầy cô tăng tiết, ban giám hiệu… tăng ca

Không riêng gì Trường Tiểu học Hải Hà, nhiều trường trên địa bàn thị xã Nghi Sơn cũng trong trình trạng thiếu giáo viên nên vẫn còn “lớp treo”, buộc các trường phải áp dụng nhiều giải pháp tình thế. Bà Vũ Thị Thanh Vân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã - cho hay: Địa phương có khoảng 65 “lớp treo”. Đây là những lớp chưa có giáo viên chủ nhiệm nên các trường phải áp dụng giải pháp tạm thời: Cử 1 giáo viên chủ nhiệm 2 lớp. “Dù có cố gắng tối đa thì chất lượng giáo dục của những lớp học này ít nhiều cũng bị ảnh hưởng; thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trường học” – bà Vân trăn trở.

Cũng theo bà Vân, phòng GD&ĐT đã thống nhất với các cơ sở giáo dục áp dụng hình thức hợp đồng giáo viên, nhưng vẫn không đủ vì thiếu nguồn nhân lực. Thực tế, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra trong nhiều năm nay. Cách đây 5 - 6 năm, địa phương thiếu trầm trọng giáo viên mầm non; sau đó đến thiếu giáo viên tiểu học và nay là THCS. Riêng năm học 2021 – 2022, địa phương thiếu khoảng 328 giáo viên ở tất cả cấp học. Thị xã hiện có 102 cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến THCS. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên do nhiều năm nay, định biên cho sự nghiệp giáo dục không thay đổi; trong khi quy mô dân số tăng, số học sinh tăng lên rất nhiều.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức, toàn tỉnh thiếu khoảng 3.000 giáo viên mầm non và tiểu học. Khắc phục tình trạng này, ngoài việc tuyển bổ sung số giáo viên còn thiếu, trước mắt, các cơ sở giáo dục nên khuyến khích giáo viên có năng lực dạy tăng thêm giờ. Ngoài ra, tái ký hợp đồng với giáo viên đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có giải pháp căn cơ. Sở đang tham mưu cho tỉnh và phối hợp các địa phương để có chính sách khuyến khích học sinh thi, xét tuyển vào trường sư phạm theo dự báo thiếu của từng cấp học, môn học và từng địa phương để có nguồn tuyển ổn định.

Từng là một trong những trường thiếu giáo viên trầm trọng, sau nhiều lần kiến nghị, mới đây, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) được bổ sung thêm 5 giáo viên văn hóa. Thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Long cho biết: Giáo viên văn hóa cơ bản đã đủ, nhưng nhà trường vẫn chưa có giáo viên bộ môn Tin học, Tiếng Anh.

“Nói là đủ giáo viên, nhưng thực chất mới là tạm đủ theo định biên; còn thực tế, nhà trường vẫn phải bố trí giáo viên dạy lớp ghép 2 trình độ ở các điểm lẻ. Có thời điểm, giáo viên bị ốm đau, hoặc gia đình có việc phải xin nghỉ, khi đó rất khó để nhà trường bố trí giáo viên dạy thế. Có những lúc phải cắt cử ban giám hiệu đứng lớp. Có hôm cả hiệu trưởng, hiệu phó đều đứng trên bục giảng” – thầy Long chia sẻ, đồng thời mong muốn: Năm học tới, nhà trường được bổ sung giáo viên các bộ môn chuyên biệt, để triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 3 và các khối lớp còn lại.

Những lớp học… treo - Ảnh minh hoạ 3
Cô trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Xín Cái. Ảnh: NTCC

Thiếu giáo viên đến bao giờ?

Hiện, nhiều khu vực khác của tỉnh Hà Giang cũng trong tình trạng thiếu giáo viên. Theo báo cáo, toàn tỉnh có 820 cơ sở giáo dục; trong đó có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, 180 trường phổ thông dân tộc bán trú, với hơn 18.000 cán bộ, giáo viên. Hiện, tỉnh này thiếu khoảng 1.700 giáo viên, phần lớn ở bậc mầm non và tiểu học. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học ở nhiều nơi thiếu thốn và xuống cấp.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết: Toàn tỉnh thiếu 670 giáo viên tiểu học. Tỷ lệ các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày còn thấp (khoảng 22,7%); một số huyện thiếu giáo viên nên chưa tổ chức học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh lớp 1. Ở một số địa phương, việc phân bổ giáo viên giữa các vùng chưa cân đối, còn 6/223 trường chưa đạt tỷ lệ 1 giáo viên tiểu học/lớp, không đảm bảo tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình còn thiếu 111 giáo viên THPT và 355 giáo viên THCS; trong đó có giáo viên các môn: Khoa học tự nhiên, Toán, Ngữ văn, Tin học, Tiếng Anh…

Nghệ An hiện có hơn 870.000 học sinh các cấp, với trên 1.500 cơ sở giáo dục. Theo ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh thiếu gần 8.000 giáo viên để đảm bảo dạy học theo chương trình mới. Tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, xem xét bảo đảm biên chế để thực hiện nhiệm vụ dạy học. Đây là vấn đề mà các địa phương rất vướng.

Theo báo cáo của tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh thiếu hơn 1.600 giáo viên, đặc biệt là giáo viên về tiếng Anh, Tin học để triển khai cho năm học 2022 - 2023. Bà Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - thông tin: Tỉnh đã thực hiện các giải pháp sáp nhập điểm trường lẻ; tuy nhiên địa phương có tới 80% là đồi núi nên việc sáp nhập cũng khó khăn. Để nâng cao chất lượng dạy - học, tỉnh Kon Tum kiến nghị bổ sung chỉ tiêu cho tỉnh trong năm học tới. Tỉnh này cũng đề nghị với Chính phủ nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo.

Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp; số lượng giáo viên còn thiếu của các cấp học mầm non, phổ thông là 94.700. Dự báo đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả khối lớp, sẽ phải bổ sung hơn 24.000 giáo viên ở 3 môn học mới gồm: Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ cấp tiểu học; môn Nghệ thuật cấp THPT. Cụ thể: Môn Ngoại ngữ cấp tiểu học cần bổ sung hơn 11.300; môn Tin học cấp tiểu học cần bổ sung gần 7.300 và môn Nghệ thuật cấp THPT cần trên 5.300 giáo viên.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021 - 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian trao đổi về vấn đề thừa – thiếu giáo viên. Đây là nội dung được nhiều địa phương đề cập tại Hội nghị. Thủ tướng đề nghị, lãnh đạo các địa phương cần hết sức linh hoạt, đánh giá thực chất tình hình, chịu khó suy nghĩ, tìm ra cách giải quyết. Thiếu ở đâu, thiếu bao nhiêu, thiếu thế nào phải phân tích rất cụ thể, không thể chỉ nói chung chung, thống kê một cách cơ học.

Nhấn mạnh yêu cầu tổ chức lại các nhà trường, các điểm trường, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, đội ngũ phục vụ, Thủ tướng gợi ý: Các địa phương có thể đào tạo lại giáo viên trung học, tiểu học, bổ túc kiến thức cần thiết để chuyển sang dạy khối mầm non, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thừa giáo viên ở khối khác, trong khi tổng biên chế giáo viên không đổi. 

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các cơ sở giáo dục phải thực hiện dồn lớp, nâng sĩ số/lớp học để có thể giảm tối đa số lớp học. Cùng với đó, phân công giáo viên dạy tối đa theo giờ quy định. Ngoài ra, tiến hành hợp đồng tạm thời để có giáo giáo viên đứng lớp; động viên giáo viên trong biên chế dạy tăng giờ, tăng tiết và phân công giáo viên đứng “lớp treo” ở cấp tiểu học. - Bà Vũ Thị Thanh Vân (Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập727
  • Hôm nay36,764
  • Tháng hiện tại314,894
  • Tổng lượt truy cập51,670,853
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944