Những người cầm phấn làm du lịch trên “đảo ngọc”

Thứ năm - 20/05/2021 20:30 300 0
GD&TĐ - Nhiều thầy cô giáo ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã tình nguyện, xung phong đi “nghĩa vụ” ngoài xã đảo Quan Lạn.
Những người cầm phấn làm du lịch trên “đảo ngọc”

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, họ không chỉ làm tròn trách nhiệm “người mẹ hiền”, mà còn “xắn tay” quảng bá du lịch địa phương đến với du khách gần xa. 

Truyền tình yêu quê hương cho trò

Quan Lạn là một xã đông dân nhất trong 5 xã đảo của huyện Vân Đồn. Trước đây, người dân chủ yếu làm ngư nghiệp. Với khí hậu trong lành, bờ biển cát trắng dài thoai thoải, cùng những địa danh, di tích lịch sử nổi tiếng, Quan Lạn dần được khách du lịch biết đến. Vì thế, các loại hình dịch vụ, du lịch tuyến đảo Quan Lạn bắt đầu phát triển khoảng chục năm trở lại đây. Đóng góp chung vào sự phát triển du lịch của địa phương có công sức không nhỏ của các thầy cô giáo đã và đang công tác trên đảo ngọc Quan Lạn.

20 năm làm nghề “gõ đầu trẻ” trên đảo, anh Nguyễn Văn Hà - SN 1979 (Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Quan Lạn) hiểu và thuộc về mảnh đất Quan Lạn trong lòng bàn tay. Anh Hà kể, ngày anh ra đảo, cảnh vật còn hoang sơ, tiêu điều. Biển đẹp, cát trắng, rừng xanh nhưng hệ thống hạ tầng còn nghèo nàn. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Những người cầm phấn làm du lịch trên “đảo ngọc” - Ảnh minh hoạ 2
Anh Hà (thứ 2 từ trái qua phải) trong chuyến trải nghiệm cùng khách.

Vì yêu nghề mà anh nguyện ở lại đảo. Cuộc sống dân đảo khó khăn, đời sống của giáo viên cũng không lấy làm khá giả. Sau mỗi giờ lên lớp, các thầy cô giáo thường cùng nhau ra biển kiếm cái ăn. Không ít lần anh Hà cùng người dân đi bắt cá, câu mực ngoài biển. Gắn bó với Quan Lạn lâu năm, anh hiểu hơn ai hết mảnh đất và con người nơi đây.

Anh Hà chia sẻ, đảo Quan Lạn được đánh giá là vùng đất có tiềm năng du lịch trải nghiệm, văn hóa – lịch sử, sinh thái chất lượng cao. Quan Lạn hoang sơ, nước biển trong vắt, bờ cát trắng mịn trải dài. Nơi đây có rừng thông, rừng trâm bạt ngàn. Bên cạnh đó là quần thể di tích mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất từng là thương cảng “bậc nhất trời Nam”. Nổi bật là đình Quan Lạn - một trong hai ngôi đình cổ nhất của tỉnh Quảng Ninh…

Ở Quan Lạn, du khách có thể tham quan các làng chài và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân. Cùng dân đảo đi bắt Sá Sùng trên những bãi bồi và lặn biển mò cầu gai. Điều ấn tượng với mỗi đoàn khách thăm là hình ảnh một hướng dẫn viên du lịch không chuyên - thầy giáo Hà.

Những người cầm phấn làm du lịch trên “đảo ngọc” - Ảnh minh hoạ 3

Anh Hà bắt đầu làm du lịch từ năm 2016. Tận dụng những ngày nghỉ, anh cùng một số thầy cô giáo hướng dẫn du khách một ngày làm ngư dân, tìm hiểu lịch sử đảo Quan Lạn, câu mực đêm…

Hàng năm, khi mùa hè tới, cũng là vào mùa cao điểm du lịch, tạm gác chuyện “phấn trắng với bảng đen”, anh Hà lại tất bật với các hoạt động dẫn đoàn. Ban đầu là những khách quen sau nhiều năm lượng khách của anh Hà đông dần lên. Một số nhà nghỉ, khách sạn biết tiếng cũng nhờ anh dẫn khách.

“Mỗi lần dẫn khách đi thực tế, đều mang đến cho mình những điều thú vị và ấn tượng khó quên. Có lần khách tặng mình 50 nghìn đồng khi họ câu được con mực”, anh Hà kể.

Qua trải nghiệm, thầy Hà có những kiến thức thực tế để truyền cho học trò và thổi niềm đam mê du lịch, định hướng nghề nghiệp tương lai cho học trò. Năm 2019, Trường THPT Quan Lạn đã tổ chức thành công hội thi thuyết minh viên du lịch với chủ đề “Biển đảo quê em”. Chương trình giúp các em hiểu thêm về mảnh đất chôn rau cắt rốn và biết cách tự mình làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.

Những người cầm phấn làm du lịch trên “đảo ngọc” - Ảnh minh hoạ 4

Nữ giáo viên có biệt tài nấu ăn

Trong số những giáo viên làm du lịch tại đảo Quan Lạn phải kể đến chị Phạm Thị Tuyền (SN 1984) - giáo viên Trường Mầm non Quan Lạn. Chị Tuyền được nhiều người biết đến với tư cách là một bà chủ khách sạn cùng những tour du lịch hấp dẫn phục vụ khách tham quan. Chị Tuyền có tài nấu ăn hút hồn du khách.

Anh Hoàng Ngọc Hưng, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ, hè năm trước anh cùng gia đình ra đảo Quan Lạn tham quan. Qua người quen giới thiệu anh đến khách sạn Ann nghỉ. Khi được thưởng thức món canh xiếp chua, cầu gai, cơ trai khiến anh nhớ mãi. Hỏi ra mới biết, món ăn do chính tay chị Tuyền, chủ khách sạn làm. Anh thực sự ấn tượng với những món ăn do chị chế biến đậm vị miền biển.

Chị Tuyền sinh ra tại đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn. Năm 2004, sau khi học Trung cấp Sư phạm Mầm non, chị về công tác tại Trường Mầm non Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Do điều kiện cuộc sống, năm 2009, chị nghỉ việc cùng chồng vào Châu Đốc, An Giang lập nghiệp. Thời gian xa quê, chị tích lũy được kinh nghiệm quản lý nhà hàng và cách làm du lịch. Năm 2012, chị cùng gia đình khăn gói về quê chồng xã Quan Lạn. Được sự giúp đỡ của gia đình, chị xây khách sạn và đón khách tham quan.

Những người cầm phấn làm du lịch trên “đảo ngọc” - Ảnh minh hoạ 5
Các tour du lịch do anh Hà thiết kế và hướng dẫn khách.

Do đặc trưng du lịch xã đảo chỉ theo mùa, vì thế để thuê người làm vào những dịp cao điểm rất khó. Vốn tính cần cù, chịu khó, chị Tuyền một tay quán xuyến các việc. Đam mê nấu ăn, chị hay tìm tòi cách chế biến món ăn của người miền biển để hài hòa với nhu cầu của khách.

Mong muốn mang đến cho khách tham quan những kỷ niệm ngọt ngào, khó quên với Quan Lạn, ngoài các tour tham quan, chị Tuyền còn thiết kế nhiều tour trải nghiệm hấp dẫn. Khách có thể tham gia câu mực đêm trên thuyền, cào xiếp ở bãi biển, đi bắt Sá Sùng… chính những sản phẩm khách bắt được sẽ có trong thực đơn cuối buổi để khách được thưởng thức.

Dần dà, khách sạn cùng chuỗi dịch vụ nhà chị Tuyền được nhiều người biến đến. Lượng khách đặt phòng vào mùa hè rất đông, lúc cao điểm không còn phòng để phục vụ.

Sau khi công việc phát triển du lịch của gia đình đi vào ổn định. Năm 2016, chị Tuyền đã nới dần các hoạt động và xin đi dạy trở lại. Đến nay, chị là một giáo viên giỏi, có nhiều thành tích, cống hiến với nghề và vẫn làm du lịch rất tốt.

“Cả đảo này người dân đều biết chị đi dạy không vì đồng lương. Cũng bởi chị sinh ra ở xã đảo, thấm cảnh con trẻ thiệt thòi nên thương chúng. Khi công việc gia đình đi vào ổn định, chị muốn được làm nghề mình yêu thích và đem yêu thương đến với học trò”, chị Tuyền cho hay.

Đảo Quan Lạn bao gồm hai xã đảo là xã Quan Lạn và xã Minh châu. Hai xã đảo này nằm trên cùng một hòn đảo cát với địa hình tương đối bằng phẳng, chiều dài của đảo khoảng 20 km bề rộng hẹp, chỗ hẹp nhất tại bãi biển Cồn Trụi chỉ khoảng 100m. Khoảng cách từ trung tâm xã Quan Lạn đến xã Minh Châu khoảng 12 km.
 
Trên đảo có 6 bãi tắm, ở xã Quan Lạn là bãi Quan Lạn và bãi Sơn Hào còn ở xã Minh Châu là bãi Chương Nẹp (khách du lịch thường gọi là bãi Minh Châu), bãi Bê Thính (hay bãi Robinson), bãi nhánh Rìa và bãi Cồn Trụi. Trong đó bãi Minh Châu và bãi Sơn Hào là hai bãi tắm đẹp nhất.
 
Bãi tắm Sơn Hào cách trung tâm xã Quan Lạn 6km. Đây là một bãi tắm có cát trải dài, bãi biển thoai thoải và cấu tạo kiểu eo biển nên trông rất đẹp. Nước biển ở đây rất trong và tại đây cũng có khu nghỉ dưỡng Vân Hải rất tiện cho việc tắm biển và nghỉ dưỡng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập985
  • Hôm nay33,229
  • Tháng hiện tại311,359
  • Tổng lượt truy cập51,667,318
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944