Những người thầy “mở trường” sau giải phóng

Thứ sáu - 30/04/2021 19:38 257 0
GD&TĐ - Sau mốc son 30/4/1975, việc chi viện nhân lực cho miền Nam được ưu tiên hàng đầu. Nhiều giảng viên của các trường ĐH miền Bắc đã tình nguyện trở lại quê hương để “mở trường, dựng lớp”.
Những người thầy “mở trường” sau giải phóng

Xin xác ô tô, trực thăng về “mổ” cho SV học

Cuối tháng 4/1975, thầy Lý Ngọc Sáng, Trần Ngọc Chương và Nguyễn Đức Cán (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cùng Ban Thống nhất Trung ương triệu tập cùng với đoàn cán bộ đi tiếp quản các trường ĐH phía Nam sau giải phóng.

Sau một lớp học chính trị ngắn ngày, đoàn tiếp quản lên dường bằng xe tải quân sự, ngày nghỉ đêm đi, theo đúng chế độ đi B như hồi còn chiến tranh. Đoàn phải chờ ở binh trạm giới tuyến 2 ngày và làm thủ tục điểm danh từng người để qua cầu Hiền Lương vượt giới tuyến.

Sau này, PGS.TS Nguyễn Đức Cán kể lại: “Khi đi qua cầu Mỹ Chánh, nơi tôi sinh ra và cũng đã xa cách 35 năm, xe chỉ thoáng chạy qua khoảng 10 phút. Tôi xúc động, lệ nhòa, mở to mắt nhìn mà không thấy được gì”.

Thời điểm đó, Đà Nẵng chưa có trường ĐH nào. Chỉ có đề án của chính quyền cũ định thành lập một trường ĐH cộng đồng theo mô hình của Mỹ. Chưa có trụ sở, giáo chức, nhân viên cũng như sinh viên mà chỉ mới có một số ít điều hành lâm thời nhưng cũng đã di tản.

Cùng với thầy Nguyễn Phiên từ chiến khu về, thầy Sáng, thầy Chương và thầy Cán tạo thành “bộ tứ” thành lập, tổ chức, gấp rút xây dựng trường. Trường được xây dựng theo mô hình hoàn toàn mới ở miền Trung với đa ngành công nghệ và kinh tế. Lễ khai giảng Khóa I (29/3/1976) diễn ra đúng dịp kỷ niệm 1 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng với 329 SV trúng tuyển. Trường có 3 khoa chuyên ngành là Cơ khí, Điện và Kinh tế. Trước đó 4 tháng, hệ dự bị đã nhập học với 300 HS.

Tháng 11/1975, giảng viên trẻ Nguyễn Ngọc Diệp được tổ chức phân công vào giảng dạy tại Viện ĐH Đà Nẵng. Đây là trường ĐH đầu tiên của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập sau giải phóng. Ông là một trong những giảng viên khóa đầu tiên của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, tăng cường từ Hà Nội vào.

Thầy Diệp nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi đã giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được 7 năm và vừa mới lập gia đình. 21 năm xa quê hương, cầm quyết định trên tay mà lòng bồi hồi xúc động. Khi quê hương còn chiến tranh, khói lửa, tôi được gửi ra miền Bắc học tập. Nay hòa bình, thống nhất đất nước, con em miền Nam chúng tôi mong sớm được trở về làm việc và cống hiến”.

Theo lời kể của thầy Diệp, trường mới thành lập chỉ có một giảng đường 4 tầng, 2 nhà xưởng gần như trống trơn. Xung quanh trường là mênh mông cát trắng. Dây thép gai chằng chịt. Thỉnh thoảng lại có bộ đội đến dọn mìn. “Chúng tôi phải sang Quân khu V xin xe ô tô, xác máy bay của chế độ cũ để lại rồi về “mổ” ra từng bộ phận để dạy SV. Có lần, chúng tôi vào tận sân bay Chu Lai chở máy bay trực thăng về làm dụng cụ thực tập cho SV. Đoàn giảng viên phải thức gần trắng đêm tìm cách tháo cánh quạt của trực thăng vì không cách nào lọt qua cổng sân bay”.

Là SV khóa 1 của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, GS.TS Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhớ lại: “Chuyện các thầy đi nhặt, xin linh kiện nằm trong cơ phận của phương tiện, khí tài chiến tranh ở các vựa phế liệu, sau đó về lắp ráp nên những modun, mô hình thí nghiệm đầu tiên, giúp SV có điều kiện thực hành, mãi mãi thật đáng trân trọng”.

Phần lớn SV khóa 1 của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng được gửi ra trường ĐH Bách khoa Hà Nội gần 4 tháng để thực tập cuối khóa và làm đồ án tốt nghiệp. Những SV khóa 1 đã chia sẻ các khó khăn với trường, ở nhà vòm bằng tôn dã chiến, phải sống trong KTX là khu gia binh ở Hòa Khánh. Khi ra Hà Nội lại phải ở tạm trong các nhà tranh tre nứa lá không che chắn nổi gió bấc mưa phùn lạnh lẽo của Hà Nội.

Những người thầy “mở trường” sau giải phóng - Ảnh minh hoạ 2
Giảng đường khu A của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng những ngày đầu mới đi vào hoạt động; xung quanh trường là mênh mông cát trắng và dây kẽm gai, bom mìn. 

Hội “Không khóa”

“Hội Không khóa” là danh xưng gồm các thầy cô, những SV đã tốt nghiệp ở nước ngoài và từ các trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh… về giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng giai đoạn 1975 – 1980. Họ gắn bó với trường từ những ngày mới thành lập, nhưng không phải là SV của trường.

Là một trong 6 SV khóa 16 tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm giảng viên, tháng 5/1977, thầy Nguyễn Văn Yến được phân công vào dạy tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Thầy Yến kể: “Ngày đó, việc chi viện cho miền Nam được ưu tiên hàng đầu. Trong số SV tốt nghiệp đủ tiêu chuẩn để trở thành cán bộ giảng dạy, các trường miền Nam được lựa chọn cán bộ trước. Những người đi miền Nam được cấp bằng tốt nghiệp ĐH ngay, được cấp tiền và vé máy bay đi B. SV khi ấy ít lắm, tổng cộng chưa được 10 lớp, mỗi lớp không đến 40 người. Đa số SV chỉ kém tôi 4 - 5 tuổi, có một số bằng hoặc nhiều tuổi hơn tôi”.

Con em miền Nam chọn trở lại quê hương để phục vụ và cống hiến. Nhưng có rất nhiều SV ưu tú, thời điểm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã chọn miền Nam làm nơi công tác. Tháng 2/1978, từ Liên Xô về, chàng trai Đinh Minh Diệm được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp bố trí công tác tại Nhà máy cơ khí ô tô, máy kéo ở Thái Nguyên để làm phiên dịch. “Thế nhưng, khi tiếp xúc với đại diện Phòng tổ chức của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng thì mình đổi ý. Miền Nam lúc bấy giờ có một hấp lực đặc biệt với những người trẻ để được cống hiến, được thử thách”.

“Lớp cán bộ trẻ này đầy năng lượng, nghiêm túc trong công tác chuyên môn, hăng hái tham gia vào phong trào tuổi trẻ đang rất sôi nổi của những ngày quê hương vừa mới có cuộc sống hòa bình” – NGƯT Nguyễn Ngọc Diệp nhớ lại. Hội “Không khóa” là những hạt nhân trẻ, giàu năng lực, trí tuệ, đầy nhiệt huyết. Cùng với những thầy, cô từ các trường ĐH ở miền Bắc chuyển về đặt nền móng, xây dựng và góp phần vào sự lớn mạnh của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng như Trường ĐH Kinh tế cùng Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế Quốc dân như ngày nay.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập376
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại290,611
  • Tổng lượt truy cập51,646,570
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944