Những thầy cô đón Xuân xa quê

Thứ ba - 13/02/2024 19:56 104 0
Tuy xa quê, nhưng ngày Tết ở quê hương thứ hai vẫn đong đầy bởi tình cảm của đồng nghiệp và học trò. Đến và ở lại… Vợ chồng thầy Phạm Văn Đông và cô Nguyễn Thị Phượng - giáo viên Trường THPT Lương Tâm (Long Mỹ, Hậu Giang) quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Chọn Hậu Giang là quê hương thứ hai, nhiều năm thầy...
Những thầy cô đón Xuân xa quê

Tuy xa quê, nhưng ngày Tết ở quê hương thứ hai vẫn đong đầy bởi tình cảm của đồng nghiệp và học trò.

Đến và ở lại…

Vợ chồng thầy Phạm Văn Đông và cô Nguyễn Thị Phượng - giáo viên Trường THPT Lương Tâm (Long Mỹ, Hậu Giang) quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Chọn Hậu Giang là quê hương thứ hai, nhiều năm thầy cô gắn bó với giáo dục vùng khó, tận tâm trong công tác dạy học. Theo thầy Đông, cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục là niềm hạnh phúc, dẫu xa quê nhưng vợ chồng thầy sẵn sàng gắn bó lâu dài. Do điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn, đã mấy năm thầy cô chưa về thăm quê. Xa nhà, thầy cô không quên gửi gắm ít quà về gia đình vui xuân, đón Tết.

Nhiều năm gắn bó với học trò vùng khó, thầy Đông, cô Phượng luôn tâm huyết với nghề, yêu thương học trò. Cảm nhận được tình yêu thương đó, các thế hệ học sinh dành tình cảm quý mến cho thầy cô. Đón Tết xa quê nhưng gia đình thầy cô vẫn vui vẻ, rộn rã tiếng cười bởi luôn có sự đồng hành của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh tại địa phương. Mỗi năm, cuộc gặp gỡ ngày xuân tại nhà thầy cô được nhiều thế hệ học trò nhớ đến.

Đón Tết xa quê nhưng sự quý trọng, yêu thương từ học trò làm thầy cô ấm lòng. “Từ khi vào nhận công tác, vợ chồng tôi được nhà trường, lãnh đạo ngành Giáo dục và địa phương quan tâm. Đặc biệt học sinh, nhiều em thành đạt cũng trở về chúc Tết. Đó là niềm hạnh phúc, động viên lớn lao để vợ chồng tôi cống hiến cho giáo dục địa phương”, thầy Đông chia sẻ.

Gắn bó với ngành Giáo dục đất mũi Cà Mau hơn 20 năm, cô Lê Thị Chiên - giáo viên Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân (thị trấn Đầm Dơi, Đầm Dơi, Cà Mau) dành cả thanh xuân với giáo dục vùng khó. Cô Chiên sinh năm 1980 tại Ninh Bình, năm 1998 cô về Cà Mau học tập và đỗ ngành Sư phạm Văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau. Năm 2000, cô bắt đầu sự nghiệp trồng người tại đất mũi Cà Mau.

Nhiều năm chưa về thăm quê, mỗi độ xuân về, trong lòng cô có chút nỗi niềm thương nhớ nhưng sự yêu thương, hỗ trợ từ đồng nghiệp, gia đình và học trò làm cô nguôi ngoai. Cô Chiên chia sẻ: “Đón Tết ở quê hương thứ hai, dù không có nhiều người thân, họ hàng như ở quê hương Ninh Bình nhưng tình cảm vẫn ấm áp bởi có gia đình, đồng nghiệp và học sinh bên cạnh.

Biết gia đình tôi từ xa vào lập nghiệp nên lãnh đạo, đồng nghiệp và phụ huynh, học sinh luôn quan tâm, yêu thương. Ngày Tết tôi không về quê nên thường xuyên điện thoại, gọi Zalo, Facebook thăm hỏi người thân, họ hàng. Nhờ có thiết bị công nghệ, việc gặp gỡ thuận tiện hơn trước rất nhiều”.

Điều khiến nữ nhà giáo ấm lòng là nhiều thế hệ học trò quý mến, trở lại thăm cô ngày Tết. Gặp lại học trò cũ, nhiều em thành đạt khiến cô hạnh phúc. “Gắn bó với học trò, trường lớp nơi còn lắm khó khăn, bản thân và nhiều đồng nghiệp càng phải nỗ lực vì thương và mong các em vượt khó thành công để theo đuổi con đường học tập. Với môn Văn, tôi luôn quan niệm dạy Văn là dạy làm người, nên chăm chút từng bài giảng và dạy học trò bằng cả tâm huyết”, cô Chiên chia sẻ.

Cô Lê Thị Chiên - giáo viên Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân (huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Ảnh: NVCC

Cô Lê Thị Chiên - giáo viên Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân (huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Ảnh: NVCC

Bén rễ, xanh cây…

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, thầy cô giáo vùng xuôi lên Lai Châu công tác lại trăn trở nỗi lo về quê hay ở lại. Có người vì gia đình, người vì nhiệm vụ mà thêm cái Tết lỡ hẹn với người thân, quê hương.

Năm nay là năm thứ 4 thầy Bùi Văn Chiến - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà (Nậm Nhùn, Lai Châu) ở lại trường đón Tết Nguyên đán. Vợ thầy Chiến cũng là giáo viên, công tác ở Trường Mầm non Nậm Chà. Có năm vì dịch Covid-19, năm lại vướng bận chuyện cá nhân nên 2 vợ chồng thầy “lỡ hẹn” với Tết ở vùng quê Hoà Bình. Thầy Chiến chia sẻ: “Năm nay, vì đường xa, con nhỏ nên vợ chồng tôi quyết định ở lại Nậm Chà. Có chút buồn vì phải ăn Tết xa quê nhưng đành chịu, đợi nghỉ hè cả nhà sẽ về”.

Đón Tết xa quê nhưng vợ chồng thầy Chiến lại có được niềm vui từ phía bà con dân bản, học sinh. Những chiếc bánh chưng do phụ huynh gói và tặng là “nguồn động viên” tinh thần rất lớn với vợ chồng thầy mỗi dịp Tết đến. “Tôi lên đây công tác từ năm 2011, được bà con quý mến, gắn bó lâu năm nên coi như người nhà.

Tết đến, bà con dân bản, học sinh lên trường mời gia đình xuống ăn Tết. Tôi xuống bản giao lưu, bà con cũng lên nhà chơi nên những ngày Tết trôi đi vèo vèo, nỗi buồn vơi đi đáng kể. Vui Tết cùng bà con, phụ huynh nhưng tôi cũng không quên nhắc nhở học sinh việc tựu trường sau Tết”, thầy Chiến tâm sự.

TS Phan Lê Minh Tú (bìa trái) làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC
TS Phan Lê Minh Tú (bìa trái) làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Công tác tại huyện Nậm Nhùn từ năm 2015, cô Hà Thị Thuỳ - giáo viên Trường PTDTBT THCS Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) chưa lần nào về quê ở Thái Nguyên ăn Tết. Năm nay, cô Thuỳ cũng không về.

“Để so sánh với Tết quê thì trên này buồn hơn. Lên vùng cao công tác nên mỗi dịp Tết đến, người ta sum vầy, thì mình chỉ biết điện thoại cho bố, mẹ và anh em gửi lời chúc năm mới. Ăn Tết mãi với bà con cũng thành quen. Ngày Tết ở bản tuy thiếu thốn vật chất, nhưng tình cảm, gần gũi, có quà bánh gì bà con cũng đều nhớ đến cô giáo. Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, giờ có thêm gia đình riêng ở đây, nên từ lâu tôi đã coi như quê hương thứ hai của mình”, cô Thuỳ chia sẻ.

Năm nay, thầy Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Sìn Hồ (Lai Châu) ở lại trường đón Tết. “Lên Sìn Hồ công tác từ 2005, cứ đôi ba năm tôi lại về quê ăn Tết cùng với gia đình. Hiện Ban giám hiệu chỉ có 2 người do đó chúng tôi thay phiên nhau trực Tết. Năm nay đến phiên tôi ở lại trực nên đã thông báo tới gia đình kế hoạch ăn Tết tại Sìn Hồ”, thầy Tuấn chia sẻ.

Hiện ngành GD-ĐT huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có gần 2 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Xuân này hàng trăm thầy, cô giáo bỏ lại nỗi nhớ nhà để ở lại bản ăn Tết với đồng bào. Ngoài giáo viên được giao nhiệm vụ ở lại trực, làm công tác vận động học sinh tới trường sau Tết, còn có không ít giáo viên bám bản vì nặng tình với bà con.

“Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, giáo viên trên địa bàn hết sức cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có được kết quả đó là nhờ sự cống hiến, nỗ lực của đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên miền xuôi lên công tác”, ông Phạm Văn Phôi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ cho biết.

Thầy Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Sìn Hồ (Lào Cai). Ảnh: NVCC

Thầy Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Sìn Hồ (Lào Cai). Ảnh: NVCC

Đón Tết ở phòng thí nghiệm

TS Phan Lê Minh Tú (Khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng) xếp lịch nghiên cứu để đúng thời khắc giao thừa có thể gọi điện về Việt Nam chúc Tết gia đình. Giảng viên trẻ Minh Tú hiện làm nghiên cứu sau tiến sĩ trong thời gian một năm tại đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) với công trình khoa học Phát triển phương pháp chẩn đoán và liệu pháp miễn dịch điều trị HIV bằng DNA origami.

Từng có 6 năm không đón Tết, xa Tổ quốc khi làm tiến sĩ tại Hàn Quốc, TS Phan Lê Minh Tú cũng dần quen. Khi người người sum họp bên gia đình, người thân, Tú vẫn bận rộn, nhiều hôm thức trắng đêm trong phòng thí nghiệm và tự an ủi mình sẽ sớm trở về nhà.

“Nhưng những ngày cuối năm, mỗi lần gọi điện thoại về cho gia đình, thấy những bận rộn quen thuộc từ dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, mua sắm tất bật để đón Tết đoàn viên, cũng không tránh khỏi nỗi buồn. Thật khó miêu tả cảm giác khi thiếu vắng không khí tất bật, náo nức của những ngày cận Tết, vốn được coi là sợi dây gắn kết giữa các thế hệ”, Tú kể.

Trên chặng đường nghiên cứu khoa học của mình, TS Phan Lê Minh Tú đã có 26 bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, 3 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học trong nước; Giải thưởng Poster nghiên cứu xuất sắc tại Hội thảo Quốc tế về công nghệ và ứng dụng thiết bị cảm biến Sensordevices tổ chức ở Rome (Ý) do IARIA, Hoa Kỳ trao tặng, 1 poster xuất sắc tại hội thảo quốc tế. Những con số chính là kết quả của một hành trình gian lao với chuỗi ngày “ăn, ngủ” bên phòng thí nghiệm, xa Tết quê hương của Tú.

Công trình nghiên cứu, bài báo khoa học “Xét nghiệm miễn dịch điểm chấm dùng nano vàng - đồng để phát hiện kháng nguyên CFP-10 đặc hiệu của bệnh lao bằng mắt thường” của TS Phan Lê Minh Tú nhận được đánh giá cao từ Hội đồng xét chọn Quả cầu Vàng năm 2022. Đây là nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực xét nghiệm y học, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

13 năm dạy học ở Trường THPT An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang), cô giáo Phạm Thị Bích Duyến chỉ về quê Quảng Bình đón Tết hai lần. “Phần vì điều kiện kinh tế eo hẹp, phần do mỗi lần về phải di chuyển qua mấy chặng bay nên tôi chỉ về quê vào dịp hè, khi quỹ thời gian nghỉ được dài hơn”, cô Duyến kể.

Những năm đầu khi đón Tết một mình trong dãy tập thể của trường, cô giáo trẻ không tránh được nỗi nhớ nhà và khóc thầm. Biết cô giáo đón Tết xa nhà, nhiều học sinh đến chơi, mời cô đến thăm gia đình. Những món ăn ngày Tết đậm vị quê hương như mứt gừng, tôm chua… cũng được cô Duyến đặt mua online để gợi nhớ về những ngày Tết quê nhà, khi cha mẹ còn đủ đầy…

Cô Duyến so sánh: “Dạy học ở vùng biển đảo nhưng Phú Quốc phát triển mạnh về du lịch, thế nên, dù đón Tết xa quê nhưng không khí xuân vẫn rộn ràng hơn so với nhiều đồng nghiệp ở những miền biên viễn”.

Tác giả bài viết: Quốc Ngữ - Hà Thuận - Hà Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập528
  • Hôm nay42,063
  • Tháng hiện tại320,193
  • Tổng lượt truy cập51,676,152
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944