100% giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên
Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010, Ninh Thuận triển khai việc dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số chỉ giới hạn trong việc dạy và học tiếng Chăm cho học sinh cấp tiểu học vùng có đông đồng bào Chăm sinh sống và cán bộ, công chức công tác vùng đồng bào dân tộc Chăm.
Tiếng Chăm được tổ chức dạy học ở cấp tiểu học theo hình thức tự chọn được thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Ban hành chương trình tiếng Chăm cấp tiểu học.
Giáo viên (GV) được giao biên chế 53 GV theo vị trí việc làm, 100% GV có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, 100% có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn tiếng Chăm. So với 10 năm trước, tăng 11 GV.
Đối với cơ sở vật chất phòng học và các trang thiết bị tối thiểu như sách giáo khoa, vở tập viết... dành cho học sinh cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, các loại thiết bị dạy học dành cho GV còn nhiều thiếu thốn, chủ yếu là GV tự làm đồ dùng dạy học theo đặc trưng của môn học, vì đây là thiết bị đặc thù.
Nội dung dạy học tiếng tiếng Chăm được thực hiện theo Quyết định Bộ GD&ĐT về Ban hành chương trình tiếng Chăm cấp tiểu học, bao gồm những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, các nội dung phản ánh về cuộc sống, văn hoá của dân tộc thiểu số có tiếng nói và chữ viết được dạy học.
Nguồn tư liệu sử dụng trong sách giáo khoa, tài liệu được lấy từ kho tàng văn học dân gian, văn học thành văn phản ánh cuộc sống văn hoá vật chất, tinh thần của dân tộc có tiếng nói, chữ viết được học và của các dân tộc khác;
Phương pháp dạy học, sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh cấp tiểu học, trong đó chú trọng tăng cường phương pháp thực hành ngôn ngữ, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, các kỹ năng đọc và kỹ năng viết rất được quan tâm.
Sách giáo khoa tiếng Chăm được thẩm định và đã qua 3 lần chỉnh lý. Bộ sách giáo khoa tiếng Chăm được biên soạn theo bộ chữ truyền thống "Akhar Thrah" của dân tộc Chămo. Sách được in đẹp, chữ viết rõ ràng, minh họa cụ thể, có nhiều màu sắc, chữ viết chân phương, chuẩn xác.
Giáo viên dạy tiếng Chăm 100% được đào tạo nghiệp vụ sư phạm đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục, tất cả giáo viên được phân công nhiệm vụ dạy chuyên và bán chuyên trách tiếng Chăm trong trường tiểu học được bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Chăm 100%, trong đó 100% GV dạy tiếng Chăm là người bản ngữ.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Huệ Khải cho biết: "GV được đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng Chăm là 509 GV. Số được bồi dưỡng thông qua Chương trình (SEQAP), dự án có 18 GV.
Ngoài các lớp do ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Chăm còn tự tổ chức bồi dưỡng chuyên môn môn nghiệp vụ dạy học tiếng Chăm ở cơ sở dưới hình thức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, theo tổ chuyên môn tiếng Chăm các cơ sở".
Dạy học tiếng Chăm đem lại lợi ích to lớn về giáo dục .
Quy mô trường lớp có 24/152 trường tiểu học tổ chức dạy học tiếng Chăm và 100% (24/24) trường tiểu học vùng dân tộc Chăm có học sinh được học tiếng Chăm. Tổng số học sinh là 7.150 HS/281 lớp, so với năm học 2009-2010 số học sinh giảm 1.068 HS (nguyên nhân là do tỷ lệ sinh giảm).
Đội ngũ giáo viên có 53 GV dạy chuyên tiếng Chăm, tỉ lệ GV/lớp 0,19 ; tổng số tiết GV thực dạy trong tuần đảm bảo theo định mức quy định là 23 tiết/tuần. (Biểu số 2).
Dạy học tiếng Chăm đã đem lại lợi ích to lớn về giáo dục cho người Chăm, trong việc dạy ngôn ngữ, dạy văn hoá, dạy tri thức bản địa và các tri thức nhân loại cho học sinh, giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời dạy học tiếng Chăm đã góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh.
Dạy tiếng Chăm là một giải pháp thiết thực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong cuộc sống người đồng bào Chăm.
Công tác dạy học tiếng Chăm trong 24 trường tiểu học có đông đồng bào Chăm sinh sống tiếp tục được duy trì nền nếp và các phong trào thi đua dạy - học tiếng Chăm ổn định, các kỹ năng cơ bản về ngôn ngữ: Nghe-Nói-Đọc-Viết được chú ý rèn luyện cho học sinh.
Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cũng nêu lên một số khó khăn trong thời gian thực hiện dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số như số tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh đưa vào dạy học trong trường phổ thông còn hạn chế, nhất là tiếng dân tộc Raglai.
Trang thiết bị dạy học tiếng Chăm dùng cho giáo viên chưa được Bộ GD&ĐT thẩm định và ban hành. Sách giáo khoa dùng cho học sinh được Nhà nước cấp theo hình thức mượn học trong tủ sách dùng chung của thư viện nhà trường, sách mang tính chất đặc thù, do đó việc quản lý, bảo quản khó khăn, học sinh không có điều kiện sở hữu để nghiên cứu, học tập thường xuyên.
Chất lượng đọc, viết tiếng Chăm của học sinh còn hạn chế nhất là việc tự học tại nhà; nguyên nhân là do phụ huynh hầu hết không biết chữ Chăm, do đó không có sự hỗ trợ từ phía gia đình.
Một số trường tiểu học có quy mô số lớp nhỏ, nên việc bố trí GV dạy chuyên tiếng Chăm gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Huệ Khải cho biết thêm: "Thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì dạy học tiếng Chăm từ lớp 2 đến lớp 5 ở 24 trường tiểu học thuộc vùng đồng bào Chăm. Hoàn thiện sách học tiếng Raglai đưa vào dạy thực nghiệm ở cấp tiểu học từ lớp 1 thuộc hai huyện Bác Ái, Thuận Bắc. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc về chính sách có liên quan đến dạy học tiếng DTTS theo quy định của Chính phủ".