“Nữ tướng” trong giáo dục đại học và khát vọng đổi mới

Thứ ba - 08/03/2022 03:50 328 0
GD&TĐ - Ở Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều nữ lãnh đạo ở các trường đại học công lập lẫn tư thục. Điểm chung ở họ là khát vọng mang đến giá trị chất lượng vượt bậc ở lĩnh vực mình đảm trách.
“Nữ tướng” trong giáo dục đại học và khát vọng đổi mới

Mong muốn một môi trường chất lượng

Gắn bó với Trường Đại học Văn Lang (VLU) ngay từ những ngày đầu thành lập (1995), PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu từng kinh qua các chức vụ: Phó Trưởng khoa Công nghệ và quản lý môi trường (2003 - 2010); Trưởng khoa Công nghệ và quản lý môi trường (2010 - 2015).

“Thích ứng và hành động là từ khóa lãnh đạo Đại học Văn Lang đề ra. Tôi điều hành công việc bằng sự quan sát tổng thể, bằng quy trình quản lý. Tất cả phải cùng nhìn thấy, cùng hiểu và cùng hành động cho những mục tiêu chung” - PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu.

Từ năm 2016, chị là Hiệu trưởng, kiêm Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo của trường. Khởi đầu, TS Mỹ Diệu về công tác nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng về công nghệ và quản lý môi trường (1995) thuộc Trường ĐH Văn Lang. Cũng từ ngôi trường này, chị nhận bằng Thạc sĩ ngành Môi trường tại Thái Lan (1998); bằng Tiến sĩ ngành Môi trường tại Hà Lan (2003).

Làm công tác nghiên cứu giảng dạy, lên quản lý khoa rồi quản lý điều hành một trường đại học, là một trải nghiệm không dễ dàng đối với chị. PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ: Đây là trách nhiệm, nhiệm vụ lớn với nhà trường. Một điều ít ai biết là chị từng từ chối nhiều lời mời hấp dẫn từ các đơn vị bên ngoài, với nguồn hỗ trợ kinh phí dồi dào từ khi còn đi làm bằng xe đạp ở ĐH Văn Lang.

Trải qua nhiều vị trí làm việc rồi trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu yêu quý môi trường năng động, không ngừng đổi mới trong giảng dạy, nghiên cứu tại đây. “Môi trường tư thục tạo động lực thay đổi cần thiết cho người dạy và người học”, PGS Diệu nói.

Vào năm 2016, khi PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu mới giữ chức vụ Hiệu trưởng, Trường ĐH Văn Lang có 18 chương trình đào tạo đại học và 1 chương trình đào tạo thạc sĩ với quy mô hơn 12.000 người học. Trong 5 năm trở lại đây, ngôi trường này đã có sự bứt phá vươn lên đầy năng động, sáng tạo, với gần 60 ngành đào tạo hệ đại học chính quy, 13 ngành thạc sĩ, 1 ngành tiến sĩ. Lần đầu tiên sau 25 năm, trường thay đổi căn bản nguyên tắc vận hành và quản lý, dựa trên KPI để đảm bảo các mục tiêu chiến lược. Trường ĐH Văn Lang lần đầu trong lịch sử tham gia thực hiện dự án cộng đồng trao tặng 2.000 máy thở MV20 cho Chính phủ Việt Nam khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu cho biết: “Thích ứng và hành động là từ khóa lãnh đạo Trường ĐH Văn Lang đề ra. Tôi nghĩ ai làm nhiều sẽ mắc sai lầm nhiều. Chúng tôi không bao giờ vì một lỗi lầm nào đó của người lao động mà phủ nhận toàn bộ công sức, quá trình làm việc của họ. Tôi điều hành công việc bằng sự quan sát tổng thể, bằng quy trình quản lý. Tất cả phải cùng nhìn thấy, cùng hiểu và cùng hành động cho những mục tiêu chung”.

Đảm nhận vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu đau đáu về chất lượng đào tạo sinh viên. Chị thường xuyên tìm hiểu tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế để điều chỉnh chuẩn đầu ra. Theo TS Mỹ Diệu, khái niệm chất lượng của đại học không chỉ là thầy giỏi, trường tốt, mà sinh viên ra trường cần có năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm, môi trường thực tập, tiệm cận chuẩn công dân toàn cầu.

“Đến giờ, nhà trường tự tin năng lực của sinh viên chính là chất lượng đào tạo. Sinh viên làm được nhiều ngành nghề sau khi ra trường, ứng dụng linh hoạt chuyên môn được đào tạo và có mức lương xứng đáng. Để được như vậy, tôi có trách nhiệm điều hành bộ máy trường vận hành để tương thích và hỗ trợ tất cả mục tiêu đó, đồng thời bồi dưỡng sinh viên những giá trị nhân văn trong tâm hồn, lối sống...”, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu cho biết.

“Nữ tướng” trong giáo dục đại học và khát vọng đổi mới
Từ trái qua: PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, TS Nguyễn Thị Minh Hồng, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy.

Tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước

Làm Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM từ tháng 7/2018 - tháng 10/2020, TS Nguyễn Thị Minh Hồng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng trường (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Chị được xem là một trong những nữ Chủ tịch Hội đồng trường đại học công lập hiếm hoi tại Việt Nam. Ngoài ra, chị còn làm Bí thư Đảng ủy khối Đại học, Cao đẳng TPHCM.

“Năm 2022, tôi kỳ vọng sự đổi mới mạnh mẽ của các trường sư phạm sẽ tạo nên những thay đổi, bước tiến lớn trong việc đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu mới…” - TS Nguyễn Thị Minh Hồng.

Nói về vị trí công việc hiện tại, TS Nguyễn Thị Minh Hồng tâm sự: “Tôi tự hào khi được bổ nhiệm vào vị trí quản lý, lãnh đạo chủ chốt của nhà trường, được tiếp nối truyền thống của các thầy, cô lãnh đạo tiền nhiệm như thầy Bùi Mạnh Nhị, Bạch Văn Hợp, Nguyễn Kim Hồng… - những người đã cống hiến tất cả tinh thần, sức lực cho sự phát triển không ngừng của nhà trường…”.

Chị cho biết, thời gian làm Hiệu trưởng của mình không dài (chỉ gần hai năm) và thời gian làm Chủ tịch Hội đồng trường cũng mới hơn một năm, nhưng cường độ công việc lại khá lớn.

“Ngành Giáo dục có thay đổi rất lớn với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo (đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung có hiệu lực…). Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã công bố sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi “Chất lượng, Sáng tạo, Nhân văn”, với kế hoạch chiến lược và sự giám sát của các bên liên quan để thực hiện nhiệm vụ của một trường đại học sư phạm trọng điểm. Tôi và các đồng nghiệp của mình phải cố gắng rất nhiều để đạt được những tiêu chí kế hoạch đã đề ra trong lộ trình phát triển nhà trường giai đoạn 2020 - 2025…” - TS Nguyễn Thị Minh Hồng chia sẻ.

Điều đặc biệt, TS Nguyễn Thị Minh Hồng cũng là cựu sinh viên của ngôi trường mình đang giữ vị trí trọng yếu. Năm 1989, chị đăng ký thi vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM vì có ngành học mà chị yêu thích và phù hợp với năng khiếu của bản thân (văn học, ngoại ngữ). Đối với chị, thời gian học tập tại trường là quãng đường đời tươi đẹp, khi được lĩnh hội kiến thức, nghiên cứu khoa học, thực hành kỹ năng sư phạm trong một môi trường mô phạm, mang đậm tính học thuật, khuyến khích sự sáng tạo.

“Nữ tướng” trong giáo dục đại học và khát vọng đổi mới - Ảnh minh hoạ 2
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (phải) trao quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho TS Nguyễn Thị Minh Hồng (tháng 3/2021). Ảnh: C.Chương

“Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được thầy trưởng khoa là Nhà giáo Ưu tú Phan Kỳ Nam hướng dẫn, giới thiệu đi học ở nước ngoài. Trong những năm học tập ở nước ngoài, tôi luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Chính vì vậy, khi học xong tiến sĩ, tôi đã quay về trường với vị trí giảng viên tập sự, rồi trở thành giảng viên chính thức và gắn bó với trường cho đến hôm nay”, TS Nguyễn Thị Minh Hồng kể.

Chị cho rằng mình không có “kế hoạch” trở thành Hiệu trưởng, Chủ tịch… hay vị trí nào cả. Các vị trí công việc đối với chị là sự phân công trong một tập thể lớn để tập thể ấy hoạt động nhịp nhàng và thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được Nhà nước giao, xã hội công nhận…

“Khó khăn trong công việc ở vị trí Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường của tôi trong thời gian qua là vấn đề thời gian và sự lựa chọn. Với cường độ công việc và các cơ hội, thách thức trong bối cảnh quốc tế hóa, tôi cũng như tập thể lãnh đạo của nhà trường luôn phải đứng trước những lựa chọn để tối ưu hóa các nguồn lực, tối ưu hóa quỹ thời gian chung, tập trung vào các nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ cấp bách của ngành Giáo dục…”, TS Nguyễn Thị Minh Hồng chia sẻ.

Nữ hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam

Được bổ nhiệm vào vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (HSU) từ ngày 1/3/2021 khi mới 37 tuổi, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy được xem là hiệu trưởng đại học trẻ tuổi nhất hiện nay.

Được công nhận Phó Giáo sư năm 34 tuổi và làm Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM năm 35 tuổi, nói về sự lựa chọn về HSU, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cho hay: “Tôi quan niệm làm ở đâu cũng là cống hiến cả. Trước đây tôi là giảng viên, còn quản lý ở đại học là sự đóng góp gián tiếp. Khi tham gia HĐND TPHCM, tôi cảm giác những ý kiến của mình được ghi nhận và là động lực để có trải nghiệm mới. Tôi học về du lịch, marketing, khoa học quản lý nên khi làm ở Sở Du lịch TPHCM cảm giác được làm chuyên môn, cống hiến trực tiếp. Đó là trải nghiệm tuyệt vời…”.

“Nữ tướng” trong giáo dục đại học và khát vọng đổi mới - Ảnh minh hoạ 3
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy phát biểu tại lễ nhậm chức quyền Hiệu trưởng HSU (tháng 3/2021). Ảnh: NVCC

Tuy làm Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, PGS Thúy cho rằng chất giáo dục vẫn nằm đâu đó trong con người mình. Hơn nữa, yếu tố gia đình cũng có tác động rất lớn trong quyết định này. Máu giáo dục nằm trong con người, khi có động cơ sẽ biến thành hành động…

“Hy vọng với sự cởi mở của tự chủ đại học cùng tinh thần khai phóng và văn hóa tôn trọng sự khác biệt ở ĐH Hoa Sen, tôi sẽ có những đóng góp mới cho sự phát triển của giáo dục tư thục của nước nhà.

Thực tế, thời gian đầu làm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, tôi cũng có một số khó khăn nhất định, tuy nhiên, sau một năm bắt đầu thấy có sự phù hợp. Bởi tôi thấy năng lượng mỗi ngày rất tích cực khi đến với ngôi trường này. Và tôi thấy có sự đồng tâm, đồng chí hướng rất rõ từ đội ngũ của nhà trường.

Bên cạnh đó, sau một số thay đổi tại ĐH Hoa Sen khi tôi về làm Hiệu trưởng thì cơ cấu vị trí công việc chưa hoàn thiện. Tôi cùng với Ban giám hiệu nhà trường đã phát triển, hoàn thiện các vị trí công việc từ chính nguồn lực tại chỗ của trường. Cụ thể là phát hiện ra nhiều nhân sự trong nội bộ trường mà trước đây họ chưa được nhìn nhận…” - PGS Thúy chia sẻ thêm.

Theo PGS Thúy, chính nhờ sự tận tụy và sâu sát mà bước đầu chị đã tạo ra được một sinh khí mới cho ngôi trường này. “Nhiều người vẫn nói đùa tôi là một trong những hiệu trưởng đi làm sớm nhất nhì nước và về thì muộn nhất. Nhiều khi về nhà cũng chưa hẳn là ngưng công việc mà vẫn trao đổi với anh em… Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải làm việc bao nhiêu thời gian mà cốt là mình thấy niềm vui và sự yêu thích trong công việc” - PGS Thúy chia sẻ.

Nữ Hiệu trưởng HSU cũng cho rằng, máu làm thủ lĩnh đã có trong người từ lâu. Đặc biệt, trong quá khứ chị cũng đã từng phải đưa ra nhiều quyết định lớn và đó đều là những quyết định táo bạo. Chị cho hay: “Lúc học lớp 3, tôi là liên đội trưởng, cấp III tham gia công tác ở tỉnh đoàn, nhà văn hoá thanh niên, chủ Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Tôi đi Pháp học thạc sĩ thực hành, sau đó là thạc sĩ nghiên cứu từ học bổng Chính phủ Pháp. Hoàn thành thạc sĩ, tôi tiếp tục nhận được hai học bổng tiến sĩ nhưng quyết định bỏ không làm vì gia đình, để khởi nghiệp và tiếp tục dạy ở ĐH Huế.

Tuy nhiên, sau đó trường gửi danh sách tốp 5 sinh viên tốt nhất được chọn thi tuyển vừa hợp đồng giảng dạy thỉnh giảng vừa làm tiến sĩ. Tôi đã bỏ hai học bổng tiến sĩ nhưng lần này có lẽ duyên đến nên tôi thi và trúng tuyển. Làm tiến sĩ xong, tôi và chồng về Huế tiếp tục dạy nhưng anh không còn thích nghi được ở đây nên nói tôi vào TPHCM. Vậy là tôi bỏ hết ở Huế để vào TPHCM làm lại từ đầu”, PGS Thúy nhớ lại.

Vào TPHCM chị cũng có những bước tiến nhanh, trưởng bộ môn, chủ nhiệm chương trình ở Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), Phó Viện trưởng viện đào tạo quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). Sau đó, chị được ĐH Quốc gia TPHCM đề cử tham gia ứng cử đại biểu HĐND TPHCM và trúng cử trở thành Đại biểu khoá IX, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách và được điều về Sở Du lịch TPHCM. Sau khi hoàn thành một số tâm huyết trong công việc ở sở, chị lại về Trường ĐH Hoa Sen.

“Tập thể nhà trường đồng lòng trong 3 năm tới (2024) Trường ĐH Hoa Sen sẽ là trường đại học tư thục quốc tế, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Kể từ năm 2022, HSU triển khai học 50% chương trình bằng tiếng Anh. Việc để một tập thể cùng đồng lòng, đồng hướng về một cái mới thì không phải là điều dễ dàng và hiện mọi thứ đã bắt đầu đi vào quỹ đạo cho lộ trình này. Hy vọng khi HSU lên tầm trường đại học tư thục quốc tế thì mức thu nhập của người lao động sẽ được nâng lên…” - PGS Thúy nhìn nhận.

“Khi về làm Hiệu trưởng HSU, tôi đã tái cơ cấu rất nhiều vị trí nhưng nguồn lực cho việc tái cơ cấu này chủ yếu từ nội bộ của trường. Quan điểm của tôi là phải trọng dụng người tại chỗ để bồi dưỡng, phát triển hoàn thiện cơ cấu vận hành bộ máy của trường” - PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy.

Tác giả bài viết: Công Chương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập845
  • Hôm nay55,259
  • Tháng hiện tại333,389
  • Tổng lượt truy cập51,689,348
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944