Ngành Giáo dục chưa nắm được việc chi ngân sách cho GD
Ngày 24/9, tại Bộ GD&ĐT đã diễn ra Phiên họp Chuyên đề của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực (Hội đồng QGGDVPTNL) về chính sách tài chính trong GD.
Phiên họp do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì, với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành; Sở GD&ĐT; các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT; các chuyên gia GD của Việt Nam.
Phiên họp đã tập trung vào thảo luận các nội dung: Giải pháp đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách cho GD; Đề xuất các giải pháp về quản lý, giám sát tài chính trong tự chủ ĐH; Đề xuất cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển GD…
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: “Để GD&ĐT phát triển mạnh, bền vững, bao gồm rất nhiều yếu tố: Nguồn nhân lực; chương trình đào tạo; công tác quản trị, quản lý; tài chính và ngân sách; cùng các yếu tố khác… Trong đó, tài chính và ngân sách là yếu tố trụ cột, hết sức quan trọng, đây là yếu tố tạo tiền đề cho GD phát triển”.
PGS.TS. Vũ Sĩ Cường (Học viện Tài chính) cho biết: Phần lớn nguồn lực ngân sách hiện nay đang tập trung cho chi thường xuyên, phần lớn chi cho tiền lương, các phần chi khác rất ít.
Tại sao người dân các địa phương kêu về các khoản đóng góp cho GD, lý do là nguồn ngân sách của nhà trường rất ít, không đủ cho nhà trường hoạt động và phát triển, nhà trường khó khăn về tài chính nên phải huy động xã hội hoá, huy động đóng góp của phụ huynh HS.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) Trần Tú Khánh cho rằng: Thời gian qua, sự phản biện của xã hội cho thấy quản lý tài chính trong lĩnh vực GD vẫn còn chồng chéo trách nhiệm. Đáng nói là Bộ GD&ĐT không nắm được thực tế ngân sách cho GD tiêu gì, dùng vào việc gì, hiệu quả của chi ngân sách ra sao.
“Hiện nay chúng ta đang giải quyết bài toán “cứu đói” về tài chính cho GD. Chi tài chính cho GD hiện chưa giải quyết được nhu cầu của các nhà trường” - Ông Trần Tú Khánh nhận định.
GS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) thẳng thắn: “Đừng hy vọng tự chủ mấy năm tới có thể tháo gỡ được về tài chính trong GD ĐH. Tự chủ hiện chỉ giải quyết được về lương. Nếu trường ĐH không gắn với doanh nghiệp thì không phát triển được. Những trường ĐH ngoài công lập muốn phát triển đều phải làm đề tài cho doanh nghiệp. Mô hình doanh nghiệp - sản xuất - đại học rất quan trọng”.
Theo GS Phạm Tất Dong, GD đại học phải đưa được những tri thức mới nhất tới cho người dân bình thường (nông dân, công nhân…), người dân không được học hàng ngày, không cập nhật những kỹ năng mới thì không phát triển được.
“Lâu nay chúng ta quan tâm đến GD cho HS mà quên GD của người lớn. Làm thế nào để các trường ĐH quan tâm đến GD cho đối tượng người nghèo, người lớn. GD từ xa phải quan tâm đến người nghèo trước, các địa phương khó khăn trước, chứ không thể làm ngược làm GD từ xa quan tâm đến những người có điều kiện thuận lợi, những địa phương có điều kiện tốt trước” - GS Phạm Tất Dong nêu.
GS Nguyễn Minh Thuyết (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhận định: “Muốn có giải pháp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách cho GD thì ngành GD phải nắm được việc chi ngân sách GD từ Trung ương đến địa phương”.
“Nhà nước phải gánh chi cho tiểu học, GD phổ thông… các bậc học cao hơn như ĐH là bậc học không bắt buộc, người dân cần đóng góp tài chính” - GS Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, “trông” vào doanh nghiệp thì cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, đầu tư vào các trường ĐH. Các doanh nghiệp cần vào cuộc, khuyến khích đặt hàng đào tạo các doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư trường học trong khu công nghiệp, khu chế xuất cũng có trách nhiệm của các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại đó.
TS Nguyễn Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT ĐH FPT) nhận thấy từ thực tế hoạt động ĐH: Cần phải quan tâm đến trách nhiệm giải trình tài chính của các nhà trường. Các trường ở nước ngoài đều có báo cáo tài chính hàng năm, điều này rất quan trọng. Các cơ quan quan lý nhà nước, các bộ, ngành chức năng cần có yêu cầu này, để từ đó các nhà trường, cả phổ thông và ĐH đều phải công khai tài chính, công khai thu - chi.
Ông Lê Quốc Tiến (Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng) chia sẻ: “Trụ cột chính của ngành GD là đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, nguồn tài chính. Cả 3 nội dung này ngành GD địa phương như Hải Phòng đều không được quyền chủ động. “Con người” thì Sở Nội vụ quản lý; Cấp tài chính cho GD trong địa phương thì theo Sở Tài chính; đầu tư cơ sở vật chất trường học do UBND các quận, huyện; Sở GD&ĐT không được tham gia bất cứ một nôi dung gì liên quan đến chi tài chính cho GD”.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, hiện nay các nước trên thế giới thường có cơ sở dữ liệu của ngành. Sau khi Hải Phòng xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, hơn 33 nghìn HS, hơn 32 nghìn GV đã có mã định danh.
“Từ cơ sở dữ liệu đó, cập nhận tên tuổi GV, môn dạy, từ nay đến 2030 có thể nhìn thấy rõ ở từng lớp, từng trường thầy cô nào sẽ về hưu, sẽ thiếu GV ở đâu, đây là một bức tranh rất minh bạch. Từ đó sẽ có những tính toán rất căn cơ đến từng trường, từng thầy cô giáo. Với cơ sở dữ liệu của ngành ở từng nhà trường cập nhật hàng năm từ chi bồi dưỡng GV đến tiền lương, thu- chi như thế nào, thiếu- thừa ở đâu… từ đó nắm được chi ngân sách bao nhiêu cho GD” - Ông Lê Quốc Tiến cho biết kinh nghiệm Hải Phòng đã thực hiện.
Cần công khai, minh bạch chi NSNN cho GD
Nhiều ý kiến đã được các chuyên gia; đại diện bộ, ngành; địa phương… nêu ra tại phiên họp.
“Các ý kiến đều tập trung về việc cần đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Càng tự chủ càng phải đảm bảo các nội dung này. Tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm, gắn với năng lực trình độ quản lý của lãnh đạo cơ sở GD, ĐT” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu.
“Ngành GD&ĐT cần phải có vai trò chủ yếu trong từ dự toán, phân bổ đến quyết toán ngân sách chi cho GD. Thực tế lâu nay, từ địa phương đến Trung ương vai trò này của Ngành GD còn hạn chế. Quy định trong luật, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì về chi ngân sách cho GD, nhưng thực tế dự toán, phân bổ ngân sách cho GD như thế nào Ngành GD không biết được” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đúc rút lại thực tế từ ý kiến của các chuyên gia.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, vẫn nói là 20% ngân sách cho GD, nhưng có địa phương thực hiện đủ, có địa phương không thực hiện được. Cần phải có quy định, nếu không chi hết phải trả về ngân sách nhà nước, “ô” chi cho GD chỉ được dành cho GD không được chuyển sang cho giao thông, không đầu tư xây dựng cho các ngành khác.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: Ngân sách đầu tư của Nhà nước chỉ có hạn. “Chúng ta không chăm lo từ bậc mầm non, tiểu học, phổ thông thì lấy đâu đầu vào chất lượng cho ĐH? Nếu đầu vào ĐH mà điểm sàn 10- 11 điểm thì các thầy cũng “bó tay” về đào tạo chất lượng cao. Tuy nhiên, phải cân nhắc những yếu tố chăm lo GD cho mọi người dân, yếu tố tiếp cận GD, mọi người dân đều có quyền tiếp cận GD”- Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề cập.
Về giám sát tài chính trong tự chủ ĐH, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phân tích: Lâu nay, vẫn nói đến tự chủ ĐH quan trọng là tự chủ tài chính, sau đó mới đến nhân sự… Nhưng quan trọng cần quan tâm đó là tự chủ về học thuật. Để ĐH phát triển được cần gắn kết với doanh nghiệp.
Nghiên cứu từ Học viện Tài chính cho thấy: Thực tế tỷ lệ chi NSNN dành cho GD & ĐT hằng năm của Việt Nam là tương đối lớn, xấp xỉ 20% tổng chi NSNN. Với khoản ngân sách như vậy, câu hỏi đặt ra là cách phân bổ chi NSNN cho giáo dục hiện nay đã hợp lý hay chưa, hiệu quả và hiệu lực của chi NSNN cho GD&ĐT như thế nào và các nguyên nhân từ góc độ quản lý chi tiêu công luôn là một vấn đề bức thiết cần được giải đáp.