* Được biết, tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành công tác chấm thi và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT. Qua khảo sát ban đầu, bà có thể cho biết kết quả sơ bộ về điểm thi của các thí sinh dự thi tại Kiên Giang?
Ngay tại Kiên Giang, với sự phân hóa về điểm số như năm nay sẽ là một thuận lợi để các trường đại học tuyển sinh.
- Đến thời điểm này, công tác chấm thi của Hội đồng thi Kiên Giang đã hoàn tất. Chúng tôi đã sẵn sàng để công bố điểm thi của các thí sinh vào ngày mai (11/7).
Theo ghi nhận ban đầu, tại Hội đồng thi Kiên Giang có 5 thí sinh đạt điểm 10 môn Giáo dục công dân.
Riêng môn Ngữ văn thí sinh có số điểm cao nhất là 9,25. Môn Toán điểm cao nhất là 8 điểm. Nhìn chung điểm số không có gì đột biến so với năm ngoái.
* Bà có nhận định gì về phổ điểm của thí sinh Kiên Giang năm nay?
- Tại tỉnh Kiên Giang, tôi cho rằng phổ điểm năm nay đẹp, có tính phân hóa. Điển hình như là môn Ngữ văn. Trong đó có những nhóm thí sinh đạt điểm từ 8 trở lên. Tuy nhiên, nhóm thí sinh đạt từ 4 đến 6 điểm vẫn chiếm phần lớn.
Các môn còn lại như: Toán, tiếng Anh, Lịch sử, Vật lý, Hóa học điểm không cao hơn năm ngoái.
* Theo quy định, bắt đầu từ ngày 19/7, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Vậy Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường như thế nào để hỗ trợ các em?
- Quan điểm của chúng tôi là: Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh nếu các em có nhu cầu thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo đó, chúng tôi đã triển khai đến các nhà trường bố trí đầy đủ máy tính có kết nối Internet để thuận tiện cho các em truy cập vào hệ thống thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Ngoài ra, cử cán bộ, giáo viên đến hướng dẫn, hỗ trợ các em khi cần thiết. Chúng tôi cũng lưu ý các cán bộ, giáo viên không làm thay thí sinh, việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển là của các em. Trong trường hợp cần thiết thì các thầy, cô sẽ đến hỗ trợ.
* Vậy bà có lưu ý gì cho thí sinh khi thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển?
- Trước đó, trong năm học chúng tôi đã có những tư vấn rất kỹ cho các em học sinh. Tuy nhiên, sau khi biết điểm và nếu các em thay đổi nguyện vọng thì cần tính toán thật kỹ.
Trước hết, các em tìm hiểu ngành nghề phù hợp với số điểm của mình và phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân để có lựa chọn tương thích.
Ngoài ra, phụ huynh và các em cũng phải nghiên cứu phổ điểm chung để có hình dung về điểm số của mình đang ở ngưỡng nào, từ đó có lựa chọn đúng và chính xác hơn.
* Nhìn lại Kỳ thi THPT quốc gia 2018, theo bà thành công nhất của kỳ thi là gì?
- Theo tôi, thành công nhất của kỳ thi là tính ổn định. Ổn định từ nội dung đến phương pháp và tổ chức thi cử. Qua đó, có tác động rất lớn về mặt tâm lý đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh. Họ không lo lắng hay xáo trộn về những thay đổi của kỳ thi.
Mặt khác, việc các em học sinh học ở đâu được thi tại đó cũng tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội. Mọi người đều ghi nhận, ủng hộ và cảm ơn ngành Giáo dục vì đã có quyết sách đúng đắn trong tổ chức thi cử, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh.
Xin cảm ơn bà!