Phát triển đất nước bằng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài

Thứ hai - 15/02/2021 17:35 2.670 0
GD&TĐ - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn cho dân mạnh, nước giàu thì dân trí phải cao, khi dân trí cao sẽ xuất hiện nhiều nhân tài tham gia xây dựng đất nước.
Phát triển đất nước bằng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài

Muốn vậy, phải bằng con đường phát triển giáo dục. Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) có những chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại.

Dụng nhân như dụng mộc

- Thưa PGS, tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng, tuyển dụng và trọng dụng nhân tài được thể hiện như thế nào?

- Bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Cha ông ta luôn coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì nước mạnh, nguyên khí suy thì nước yếu”. Bởi vậy, “việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí là việc đầu tiên”.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng việc bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài thành một chiến lược. Người coi nhân tài là tài sản quý của dân tộc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết phải có nhân tài”, phải có nhân tài trong các lĩnh vực khác nhau thì công việc kiến thiết đất nước mới có kết quả.

Phát triển đất nước bằng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài - Ảnh minh hoạ 2
PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo

Từ quan điểm đánh giá cao vai trò của nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc bồi dưỡng, sử dụng, tuyển dụng và trọng dụng nhân tài. Theo Người, muốn cho dân mạnh, nước giàu thì dân trí phải cao, khi dân trí cao sẽ xuất hiện nhiều nhân tài tham gia xây dựng đất nước. Muốn vậy, phải bằng con đường phát triển giáo dục, mở trường, mở lớp, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. 

Cũng theo Người, nhân tài của đất nước không thiếu, không kém mà có rất nhiều. Họ không phải tìm ở đâu ra, mà tìm ngay trong đồng bào, nhân dân. Người ra chỉ thị tìm người tài đức. Để sử dụng, trọng dụng người tài, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải luôn tin tưởng, để họ đem hết tài năng phục vụ Tổ quốc, nhân dân; không phân biệt nhân tài đó  trong Đảng hay ngoài Đảng. Phải biết khéo dùng người tài ở việc đánh giá đúng thực tài và tùy tài mà dùng người. Theo Người: “Dụng nhân như dụng mộc”, “Phải biết tùy tài mà dùng người sẽ thành công”, “Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tài đức của cán bộ ở kết quả công việc vì dân, vì nước chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng các công chức, quan chức trong chính quyền cũ và những người ngoài Đảng nếu họ thật sự có tài đức.

Người cũng luôn chú trọng chính sách với trí thức, trong điều kiện đất nước còn gặp nhiều khó khăn, tài chính còn nhiều eo hẹp. Người yêu cầu, Chính phủ quan tâm đến vấn đề thu nhập, tiền lương của trí thức, tạo  điều kiện để trí thức, nhất là nhân tài có thể phát huy hết sức lực, trí tuệ vào công tác nghiên cứu, phát minh. 

Người cũng quan tâm tới cuộc sống gia đình của anh em trí thức, gặp gỡ dân chủ bàn bạc với trí thức, lắng nghe ý kiến của trí thức, sẵn sàng chia sẻ với họ những vui buồn trong cuộc sống đời thường. Quan điểm và chính tấm gương bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự có ý nghĩa lớn lao trong việc tập hợp, khai thác sức mạnh nguồn lực của nhân tài; giúp nhân tài phát huy tốt nhất tiềm năng trí tuệ của họ, góp phần không nhỏ vào những chiến công vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX.

Phát triển đất nước bằng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài - Ảnh minh hoạ 3
“Chàng trai Vàng” Hóa học Phạm Đức Anh. Ảnh: Minh Phong

Cần có chính sách ưu tiên với ngành Giáo dục

- Vậy theo PGS, hiện tượng “chảy máu chất xám” xuất phát từ những nguyên nhân nào?

- “Chảy máu chất xám” là nói theo hình ảnh, còn thực chất đó là: Tài năng không được trọng dụng, phát huy, hoặc không sử dụng tương thích với khả năng đã được đào tạo, hoặc không sử dụng hết “công suất, khả năng của nhân tài”. Điều đó một mặt gây ra sự thất thoát nguồn lực nhân tài, mặt khác làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chảy máu, lãng phí chất xám. Trước hết, do việc thực hiện cơ chế tuyển dụng nhân tài trong nhiều cơ quan, địa phương còn chưa khoa học, thậm chí bất cập. Vì vậy không có tác dụng lựa chọn người tài đích thực, trái lại còn làm cho một bộ phận nhân tài chán nản, hoài nghi. Điều này vừa gây thiệt thòi cho đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, vừa làm thui chột tài năng trong xã hội. Ngoài ra, việc phân công, sử dụng nhân tài ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa hợp lý. Cùng với đó là chính sách và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.

- Làm gì để thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục là câu hỏi nhiều người trăn trở. PGS có đề xuất giải pháp gì?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Con đường đưa đất nước thoát khỏi yếu hèn, đó là phát triển giáo dục, bồi dưỡng nhân tài”. Như vậy, giáo dục có tầm quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Để hoàn thành sứ mệnh đó, cần thiết phải có đội ngũ nhà giáo tài năng, đủ phẩm chất và năng lực thực hiện sự nghiệp “trồng người”.

Để thu hút nhân tài, những nhà giáo tài năng cho ngành Giáo dục, cần có chính sách ưu tiên đối với ngành. Cụ thể: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo.

Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm. Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành Sư phạm. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

Mặt khác, có chế độ ưu đãi với nhà giáo trong việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý với nhà giáo có trình độ cao. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc,  theo vùng.

Phát triển đất nước bằng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài - Ảnh minh hoạ 4
Học viên thạc sĩ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: TG

Tạo đất cho nhân tài dụng võ

- Có thể vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng, tuyển dụng và trọng dụng nhân tài vào ngành Giáo dục như thế nào, theo PGS?

- Thứ nhất, phát hiện nhân tài. Nhân tài không phải tìm ở đâu ra, mà tìm ngay trong chính đồng bào, nhân dân, trong hoạt động thực tiễn cải tạo tư nhân, cải tạo xã hội của quần chúng nhân dân (không chỉ ở trong nước mà cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Thứ hai, quý trọng, tin tưởng nhân tài. Làm thế nào để đức tài của họ được phát huy cao nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, khéo dùng nhân tài, đánh giá đúng thực tài và tùy tài mà dùng người.

Thứ tư, chính sách đối với nhân tài. Trước hết là chính sách của Nhà nước với trí thức, nhân tài về điều kiện thu nhập, tiền lương, điều kiện làm việc của họ.

- Môi trường làm việc để những người tài, giỏi có “đất dụng võ” vẫn là yếu tố quan trọng. Quan điểm của PGS về vấn đề này?

- Đối với nhân tài, xây dựng môi trường làm việc rất quan trọng và làm thế nào để họ có “đất dụng võ”? Đó là nhiệm vụ của cả hệ thống chứ không phải đơn lẻ từng ngành, địa phương. 

Một môi trường làm việc cho người tài, yếu tố đầu tiên là phải có nhiều cơ hội. Cần hình thành môi trường để nhân tài được sống như bản thân của họ. Môi trường ấy không chỉ là tiền bạc, điều kiện làm việc, mà quan trọng hơn cả là văn hóa ứng xử; cơ chế sử dụng người tài, cơ chế dân chủ trong nghiên cứu, hay rộng hơn là cho họ phát huy tài năng trí tuệ cần bảo đảm cho nhân tài được thể hiện, được sáng tạo.

Quản lý con người đã khó, sử dụng nhân tài còn khó hơn. Chúng ta cũng không thể lượng hóa bằng tiền, vì những gì nhân tài đóng góp thực sự không mua được bằng tiền, mà nhiều khi đó là bộ mặt quốc gia, danh dự dân tộc.Vì vậy, thu hút và trọng dụng nhân tài là việc cần thiết, song phải có cách thức sử dụng nhân tài hợp lý. Có như vậy mới bền vững và thịnh vượng.

- Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo!

Cần khuyến khích đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học. Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trong các trường công lập và ngoài công lập về tôn vinh, cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước. - PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập995
  • Hôm nay27,516
  • Tháng hiện tại305,646
  • Tổng lượt truy cập51,661,605
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944