Ở châu Âu, một cuộc cải cách giáo dục đại học toàn diện bắt đầu từ năm 1999 với “Tuyên bố Bologna”, còn được gọi là “Quá trình Bologna” nhằm tạo ra không gian giáo dục đại học châu Âu chung, trên cơ sở thống nhất các điều kiện khung cho giáo dục đại học. Quá trình cải cách có mục tiêu thúc đẩy tính cơ động, tăng cường khả năng hợp tác và cạnh tranh quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Cuộc cải cách giáo dục đại học trong Không gian Giáo dục đại học châu Âu đã tạo ra thay đổi căn bản và đạt những thành công đáng ghi nhận, đặc biệt là tạo ra sự thống nhất cần thiết trong khu vực. Tuy nhiên còn những yêu cầu chưa được đáp ứng và đòi hỏi cải cách tiếp tục, đáng nói là việc đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.
Ở Đức, theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại về sự hài lòng của doanh nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, năm 2011, sau 10 năm cải cách, có 63% người được hỏi hài lòng. Tỷ lệ này là kết quả tích cực, nếu so sánh với ý kiến lo ngại của các doanh nghiệp về trình độ tốt nghiệp cử nhân khi đào tạo đại học ở Đức bắt đầu chuyển sang hệ thống đào tạo phân bậc cử nhân và thạc sĩ.
Chương trình đào tạo đại học của Đức theo hệ Diplom trước năm 2000 kéo dài 4,5 - 5 năm. Theo hệ thống mới, chương trình bậc cử nhân kéo dài 3 năm, thạc sĩ là 2 năm. Tuy nhiên, mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp cử nhân ở Đức có sự dao động.
Theo kết quả khảo sát tại 2.003 doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ từ lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và thương mại công bố năm 2015 cho thấy, mức độ hài lòng đối với bằng cử nhân giảm còn 47%. Đồng thời chỉ 16% doanh nghiệp cho rằng sinh viên tốt nghiệp bậc cử nhân được chuẩn bị tốt cho thị trường lao động.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mức độ hài lòng của doanh nghiệp với sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ đạt mức cao và có xu hướng tăng. Mức độ hài lòng đối với sinh viên tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ giống nhau trong năm 2011 (63% và 65%). Đến năm 2015 có sự khác biệt khi sự hài lòng với người có bằng thạc sĩ ở các công ty tăng đáng kể và chiếm khoảng 78%. Như vậy, các trường đại học Đức đang thành công trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ở bậc đào tạo thạc sĩ.
TS Nguyễn Văn Cường. Ảnh: NVCC |
Kết quả khảo sát chỉ ra, các công ty lớn thường có chương trình đào tạo bổ sung cho những người tốt nghiệp đại học mới được tuyển dụng, giúp họ tăng cường kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc ở vị trí làm việc của mình. Ở công ty nhỏ thường không đủ điều kiện thực hiện việc đào tạo bổ sung.
Điều này cũng dẫn đến kết quả các công ty lớn có sự hài lòng cao hơn so với công ty nhỏ đối với sinh viên tốt nghiệp đại học. Từ đó cho thấy, việc đào tạo bổ sung của doanh nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp mới được tuyển dụng có ý nghĩa giúp họ hòa nhập tốt hơn, đáp ứng những yêu cầu công việc mang tính đặc thù.
Các doanh nghiệp cũng có kỳ vọng khác nhau về năng lực đối với sinh viên tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ. Những năng lực quan trọng nhất được mong đợi bao gồm: Năng lực làm việc nhóm, độc lập, sẵn sàng điều động và giao tiếp. Điều này cho thấy năng lực xã hội được chú trọng.
Mặt khác, các năng lực chủ yếu được doanh nghiệp mong đợi từ sinh viên tốt nghiệp trình độ thạc sĩ trước hết là chuyên môn và cá nhân, đặc biệt là khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định.
Những khảo sát về sự hài lòng, mong đợi của doanh nghiệp đối với sản phẩm đào tạo đại học sẽ cung cấp thông tin giúp các trường cải thiện chương trình, chất lượng đào tạo, từ đó từng bước nâng cao hài lòng của thị trường lao động đối với sản phẩm đào tạo. Năm 2023, có 60% doanh nghiệp hài lòng với sinh viên tốt nghiệp cử nhân, 2% rất hài lòng, 15% không hài lòng, 2% rất không hài lòng, 20% không có ý kiến.
Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Đức cũng đưa ra những khuyến nghị cho việc tiếp tục cải thiện chất lượng đào tạo đại học nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động như:
Tăng định hướng ứng dụng của nội dung đào tạo; xây dựng văn hóa dạy và học định hướng thực tiễn; tăng cường định hướng phát triển năng lực trong đào tạo đại học; hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp; chương trình đào tạo cần chú ý hơn nữa yêu cầu của doanh nghiệp; tăng cường các chương trình đào tạo song hành, cải thiện giai đoạn thực hành trong hình thức đào tạo; mở rộng và cải thiện điều kiện học tập các chương trình đào tạo đại học tại chức; giảm thiểu tỷ lệ sinh viên bỏ học thông qua hướng nghiệp tốt hơn; trường đại học sử dụng các phương pháp khác nhau trong tuyển chọn sinh viên.
Hiện có 49 nước tham gia vào không gian giáo dục đại học châu Âu, bao gồm các nước trong khối EU và châu Âu, cùng hợp tác để phát triển hơn nữa chất lượng hệ thống giáo dục đại học khu vực.
Tác giả bài viết: TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức)
Ý kiến bạn đọc