Thu hẹp chênh lệch chất lượng giáo dục
NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Hiệu trường Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bày tỏ: Những năm gần đây Đảng và nhà nước ta có rất nhiều chính sách quan tâm đến sự phát triển của giáo dục, đào tạo. Nhờ đó, ngành Giáo dục đã đạt nhiều thành tích được thế giới và khu vực ghi nhận, nhân dân tin tưởng vào những quyết sách đổi mới của ngành. Công tác GD-ĐT đã góp một phần quan trọng vào đào tạo nguồn lực cho đất nước.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, để giáo dục phát triển hơn, Nhà nước cần có những cơ chế chính sách quan tâm thật đầy đủ, thật chi tiết và có sự phân biệt vùng miền. Tôi lấy ví dụ như đầu tư giáo dục vùng núi, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa; đây là những vùng mà từ nhân dân cho đến các em học sinh là những đối tượng còn rất nhiều khó khăn và đang chưa bắt kịp được với cái sự phát triển của đất nước.
Từ thực tế đó, tôi cho rằng, trước tiên chúng ta cần quan tâm đến đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, trong đó đặc biệt chú trọng đến giáo dục vùng khó khăn. Hiện nay, đại đa số học sinh ở các vùng thuận lợi, tại các thành phố lớn đã được học tập trong những môi trường khang trang, hiện đại, đầy đủ trang thiết bị học tập… Tôi thấy một điểm sáng của giáo dục ở những vùng thuận lời hiện nay là khu vệ sinh cho học sinh rất được chăm lo. Đây là điều rất đáng mừng, nhưng ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi thì những lĩnh vực này còn khó khăn, thiếu thốn...
Chúng ta đang sống trong nền Cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng thực tế ở nhiều vùng khó khăn còn thiếu điện, không có máy móc thiết bị học tập thì làm sao học sinh được tiếp cận với những nền công nghệ hiện đại. Nếu như sắp tới, trong điều kiện chúng ta vừa phải chống dịch vừa xây dựng kinh tế; nếu Bộ GD&ĐT cho phát triển dạy học trực tuyến thì với nhiều vùng khó khăn sẽ đón bắt sự đổi mới này thế nào?
Một vấn đề cần Nhà nước quan tâm nữa là đời sống và điều kiện làm việc, sinh hoạt của đội ngũ các thầy cô giáo đang ngày ngày nỗ lực bám trường, bám lớp. Thông qua một số các cái kênh truyền thông, tôi thấy hiện nay ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, dân tộc có rất nhiều tấm gương các thầy cô giáo lăn lộn với nghề, cống hiến tâm sức cho việc mang con chữ đến với học trò… Thiết nghĩ, các cấp ngành quan tâm xây dựng nhà nội trú, nhà tập thể để giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, bớt đi những khó khăn khi dạy học ở những vùng điều kiện còn khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở...
Nhanh nhạy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, việc đột phá đổi mới giáo dục được Bộ GD&ĐT quan tâm hàng đầu là đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy học... Tuy nhiên giữa chương trình giáo dục với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong nền kinh tế thị trường, nền công nghệ 4.0 hiện nay, tôi thấy vẫn còn khoảng cách khá lớn.
Qua rất nhiều hội thảo về giáo dục nghề nghiệp, tôi thấy sinh viên của ta còn tồn tại nhiều hạn chế về kỹ năng như, kỹ năng thích nghi, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học, kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng thể hiện mình, kỹ năng lãnh đạo…
Hiện nay, Việt Nam có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn; nhiều công ty nước ngoài tìm đến thị trường lao động Việt Nam. Họ cần một nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ giỏi chuyên môn mà yếu tố không thể thiếu là phải thông thạo ngoại ngữ, tiếp đến là có công nghệ và kỹ năng mềm.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều Đề án để phát triển, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho CBGV-HSSV, trong đó có Chỉ thị bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên dạy ngoại ngữ…
Mong rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ đưa ra nhiều quyết sách mạnh mẽ hơn nữa, trọng điểm hơn nữa để giáo dục thực sự là quốc sách là hàng đầu, là yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của quốc gia…