Thông tin từ Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa có phương án tổ chức dạy học "Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" gửi các đơn vị trực thuộc.
An toàn trong tổ chức dạy học
Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu các trường học, trước khi học sinh đến trường, phải xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học.
Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhân viên nhà trường. Học sinh, giáo viên chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn...
Ngoài ra, các trường học bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế đảm bảo theo quy định. Khảo sát, thống kê những học sinh có người thân về từ vùng có dịch đang cách ly tại nhà và thông báo đến phụ huynh, tạm thời cho phép học sinh chưa đến trường học trực tiếp. Thường xuyên tổ chức đo thân nhiệt cho giáo viên, học sinh trước khi vào khu vực trường; phân luồng lối đi ra vào đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với những đơn vị có học sinh đến từ các vùng giãn cách, theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện học sinh có biểu hiện của yếu tố dịch tễ. Ngành Giáo dục cũng đã xác định dịch theo từng cấp độ để tổ chức dạy học cùng với những lưu ý cụ thể.
Có phương án dạy, học phù hợp
Theo đó, đối với địa bàn có dịch ở cấp độ 1 và 2, tổ chức dạy học trực tiếp nhưng phải củng cố hạ tầng, công nghệ thông tin, phương tiện, thiết bị để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tận dụng tối đa thời gian để tổ chức dạy học trực tiếp và dạy bù cho học sinh trở về từ vùng giãn cách, khu cách ly, học sinh không có đủ điều kiện học trực tuyến, học sinh học trực tuyến nhưng chưa nắm chắc kiến thức.
Căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, phòng học để tổ chức dạy học 2 ca nhằm giảm tối đa học sinh tham gia trong một buổi học; thực hiện chia lớp, không tổ chức hoạt động giáo dục đông người ngoài phạm vi lớp học.
Còn địa bàn xác định dịch ở cấp độ 3, sẽ tổ chức dạy trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, học tập trên truyền hình. Trong dạy học trực tiếp phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch Covid-19, không quá 25 học sinh/phòng, bố trí lệch giờ đến trường và giờ kết thúc buổi học của từng khối, lớp.
Ưu tiên tổ chức dạy trực tiếp cho những học sinh trở về từ vùng giãn cách, khu cách ly, những học sinh không có điều kiện học trực tuyến. Không tổ chức hình thức sinh hoạt bán trú đối với học sinh ở tất cả các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, ở các cơ sở giáo dục mầm non, ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ 5 tuổi để đảm bảo hoàn thành chương tình giáo dục mầm non; không tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ở nhà theo các hình thức phù hợp.
Ở bậc tiểu học, ưu tiên dạy học trực tiếp cho lớp 1, 2. Các trường THCS, THPT, TTGD-DN, TTGDTX tỉnh ưu tiên dạy học trực tiếp cho khối lớp 6, 9, 12. Các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống tổ chức dạy học trực tuyến khi cơ sở đào tạo, học viên có đủ điều kiện dạy học và học viên có nhu cầu.
Đối với địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4, sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức triển khai dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài cho học sinh tự học...
Cấp mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến. Đối với lớp 1, 2 hướng dẫn học sinh học qua truyền hình tùy theo điều kiện thực tế của địa phương và kết hợp dạy học trực tuyến. Từ lớp 3 đến lớp 12 dạy học trực tuyến là chủ đạo, học tập trên truyền hình là bổ trợ. Tổ chức dạy học phải chú ý đảm bảo sức khỏe và tâm sinh lý của học sinh.
Ngoài ra, đối với cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống được tổ chức dạy học trực tuyến khi cơ sở đào tạo có đủ điều kiện học và học viên có nhu cầu.