Bên cạnh biện pháp phòng dịch, các nhà trường đều sẵn sàng phương án bù lấp kiến thức cho HS đồng thời tiếp tục dạy học kiến thức mới.
Tận dụng thời gian
Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng – Bắc Giang) cho biết: Ngay khi HS trở lại trường, ban giám hiệu yêu cầu GV bù kiến thức cho HS vào các buổi học thứ 2 buổi/ngày, một số buổi học tăng thêm. Thậm chí với tinh thần tất cả ưu tiên cho hoạt động học tập, HS lớp 1 học 9 buổi/tuần, còn dư 1 buổi chiều trong tuần cũng được tận dụng để ôn tập; cùng đó chuyển tiết sinh hoạt chuyên môn của GV thành trực tuyến để có thêm thời gian cho GV bù kiến thức cho trò.
Theo cô Huệ, việc học online của HS Bắc Giang chỉ diễn ra trong 2 tuần (trước và sau Tết). Lượng kiến thức trống không quá nhiều, HS vẫn được ôn tập online và phiếu học tập. Như vậy, kế hoạch bù kiến thức trong khoảng 4 tuần vào các buổi chiều sau khi HS trở lại trường sẽ không quá gấp gáp, khó khăn. Tuy nhiên việc ôn tập củng cố lại kiến thức cho HS vẫn cần thiết...
Cô Đinh Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng chia sẻ: Ngày đầu tiên HS trở lại trường học tập, nhà trường chỉ đạo GV một mặt tiến hành thời khóa biểu dạy học trực tiếp bình thường, mặt khác dành một số tiết hệ thống lại kiến thức một số môn trong thời gian dạy online để HS nắm vững. Đặc biệt quan tâm tới HS không học online đầy đủ, hoặc với bài giảng do ảnh hưởng của đường truyền nhằm giúp HS hình dung lại kiến thức tiết học.
“Nhìn chung việc dạy học từ gián tiếp sang trực tiếp và ngược lại đều được GV triển khai chủ động, trơn tru. Việc bù lấp kiến thức cũ dự kiến diễn ra khoảng 2 tuần đầu tiên” – cô Đinh Phương Anh cho biết.
Theo thầy Nguyễn Văn Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn (Quan Lạn – Quảng Ninh), sáng 1/3, HS Quảng Ninh đã trở lại học tập trực tiếp. Nhà trường tiến hành bù lấp kiến thức trong khoảng thời gian HS học online 3 buổi chiều/tuần. Để việc bù lấp kiến thức hiệu quả, trường tiến hành rà soát và cho HS đăng ký môn học cần ôn lại kiến thức.
Tuy nhiên, thầy Hà cho rằng số lượng HS học không hiểu và đề nghị bù đắp kiến thức gần như không có, chủ yếu vẫn hướng vào những HS không học, hoặc học online không đều. Thời gian HS học online diễn ra trong khoảng 2 tuần nên kế hoạch bù đắp kiến thức thực hiện hết tuần đầu tiên của tháng 3.
Cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hòa (Phú Bình - Thái Nguyên) cho biết: Trong thời điểm HS nghỉ học và triển khai học online, nhà trường chỉ tiến hành với một số nội dung cơ bản nhất để HS không quên việc học chứ không phải bảo đảm 100% kiến thức như đi học bình thường.
Chính vì vậy, khi HS quay trở lại trường, ngày đầu tiên sẽ tiến hành kiểm tra lại kiến thức xem hổng phần nào, có kế hoạch bù đắp cụ thể cho từng đối tượng em, lớp riêng biệt.
Ưu tiên HS lớp 1
HS lớp 1 học theo Chương trình, SGK mới cộng thêm những đặc điểm riêng nên việc học trực tuyến vẫn cần sự hỗ trợ kiến thức sau khi đi học trở lại.
Chia sẻ kế hoạch bù kiến thức với HS lớp 1, cô Phạm Thị Huệ thông tin:
Ngoài dạy trên lớp, nhà trường yêu cầu GV tăng cường bằng phiếu học tập. Với HS yếu hơn, GV có thể hỗ trợ vào cuối giờ học. HS khá, gia đình quan tâm có thể tự làm phiếu ôn tập và gửi lại để GV kiểm tra hỗ trợ kiến thức nếu cần.
“Khoảng 2 tuần nữa có thể bù lấp xong và vẫn dạy kịp với chương trình cho HS lớp 1. Việc tăng thêm thời lượng học tập trong 2 tuần cũng không gây áp lực, ảnh hưởng gì tới HS và GV”, cô Huệ khẳng định.
Cô Vũ Thị Thanh cho rằng: Triển khai Chương trình, SGK mới, GV được tự chủ nên không quá khó khăn trong việc bù lấp. Tuy vậy, nhà trường vẫn yêu cầu dành nhiều thời gian, nhân lực cho HS lớp 1. Ngoài giờ dạy trên lớp sẽ cử GV dạy riêng số HS chưa đọc thông viết thạo (khoảng 5 HS).
Theo cô Vũ Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng), HS tiểu học của Hải Phòng không triển khai dạy học online, chỉ ôn tập kiến thức cũ trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19 nên khi bước vào học trực tiếp (dự kiến từ 8/3), nhà trường sẽ tiến hành dạy kiến thức mới luôn đồng thời với ôn lại kiến thức cũ (trong khoảng 1 tuần).
“Do nhà trường dạy học 2 buổi/ngày nên có thời gian các buổi chiều để bù đắp kiến thức cũ cho HS nói chung và chú ý vào những em chưa đạt yêu cầu ở khối 1. Với HS này tập trung tập viết, đọc… từ đó bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu cuối năm học...”, cô Phượng bày tỏ đồng thời cho hay: Tuần đầu tháng 3, ban giám hiệu yêu cầu GV xây dựng, sắp xếp lại nội dung chương trình hợp lý để việc dạy học đến cuối năm sẽ bảo đảm dung lượng kiến thức lẫn thời gian kết thúc năm học.