Từ giữa tháng 5/2024, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã khảo sát việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập Lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân tại nhiều trường đại học. Kết quả cho thấy, nhiều mô hình dạy học Lý luận chính trị sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực đang được các trường thực hiện.
PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, để thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, Đảng ủy, Ban giám hiệu đã triển khai học tập, quán triệt và thực hiện nghiêm túc nội dung kết luận, đưa nội dung kết luận vào bản tin sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, Đảng ủy, Ban giám hiệu chỉ đạo cấp ủy các chi bộ trực thuộc triển khai học tập đến toàn thể đảng viên trong Đảng bộ.
Song song đó, Ban giám hiệu nhà trường đã giao cho Khoa Lý luận chính trị (nay là Khoa Luật và Khoa học chính trị) phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng, vận dụng kết quả nghiên cứu lý luận tại đơn vị vào trong hoạt động giảng dạy và học tập.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, công tác dạy Lý luận chính trị ở các trường đại học có một số khó khăn nhất định. Cụ thể, sinh viên nhà trường với sự đa dạng về xuất phát điểm nên không đồng đều về nhận thức. Quỹ phòng học dành cho lớp học có quy mô sinh viên lớn chưa nhiều.
Sự phát triển của xã hội, khoa học công nghệ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận thông tin, xử lý thông tin của sinh viên nên đặt ra cho giảng viên nhiều yêu cầu hơn so với trước đây.
Trong 10 năm qua, căn cứ Kết luận số 94-KL/TW, Trường Đại học An Giang tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai trong từng năm học.
Trường đã xây dựng, điều chỉnh và thực hiện các chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đồng thời, nhà trường đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, phương pháp đánh giá kết thúc môn học đối với các môn Lý luận chính trị nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội.
Theo PGS.TS Võ Văn Thắng, trong mỗi năm học, Đảng uỷ, Ban giám hiệu luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên, đặc biệt trong những năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội Đảng toàn quốc.
Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, lãnh đạo nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lý luận chính trị, bắt đầu bằng việc xây dựng mục tiêu môn học, chuẩn đầu ra môn học và chuẩn đầu ra mong đợi.
Theo TS Trần Trọng Đạo - Hiệu trưởng nhà trường, đặc thù của các môn Lý luận chính trị không chỉ giúp sinh viên đạt được về mặt kiến thức (cơ bản, chuyên sâu) về Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đảm bảo về mặt tư tưởng chính trị để “trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại”.
Nội dung giảng dạy các môn Lý luận chính trị được xây dựng dựa trên cơ sở chuẩn đầu ra, là phương pháp tiếp cận không những của môn học mà còn là của ngành đào tạo.
Ông Đoàn Văn Báu - Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn khảo sát việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW tại Trường Đại học Văn Lang ngày 13/5. Ảnh: ĐUK |
Trường Đại học Tôn Đức Thắng vận hành chương trình dựa trên kiến thức kỹ năng mà sinh viên tiếp thu và thể hiện thành công khi ra trường. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ứng dụng hệ thống E-learning trong giảng dạy được nhà trường áp dụng hiệu quả.
Người học có thể truy cập vào E-learning bất kỳ nơi đâu như tại nhà, tại những điểm Internet công cộng. Ngoài ra, thông qua hệ thống E-learning, giảng viên bộ môn Lý luận chính trị có thể kiểm tra đánh giá sinh viên một cách khách quan, hạn chế sự đánh giá chủ quan của người dạy, đồng thời tạo ra sự công bằng cho người học trong toàn trường.
Đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ với các môn Lý luận chính trị còn được Trường Đại học Tôn Đức Thắng thể hiện qua công tác khảo thí. Nhà trường triển khai đa dạng các hình thức đánh giá như: Thuyết trình, kiểm tra trên E-learning, thảo luận, tương tác trên lớp hoặc sinh viên làm clip thực tế theo chủ đề sẽ là các hình thức kiểm tra đánh giá hết sức phong phú qua đó đánh giá, phân loại được người học.
Mỗi một học kỳ, trường lấy ý kiến hài lòng của sinh viên đối với chất lượng giảng dạy của giảng viên trước và sau khi thi học kỳ, trong đó có giảng viên các môn Lý luận chính trị. Ngoài ra, với hệ thống hỗ trợ giảng dạy hiện nay thông qua hệ thống E-learning, ngay sau khi kết thúc môn học giảng viên phải lưu tất các minh chứng về giảng dạy và điểm số để phục vụ công tác lưu trữ và hậu kiểm của thanh tra đào tạo nhà trường bất cứ khi nào.
Dạy học Lý luận chính trị trực tuyến, thông qua các ứng dụng cũng là cách làm của Trường Đại học Văn Lang. PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra, để đảm bảo tiến độ học tập và tốt nghiệp của sinh viên, nhà trường đã triển khai và cho phép các môn Lý luận chính trị giảng dạy trực tuyến qua phần mềm MS Teams.
Từ kết quả bước đầu thực hiện, trường tiếp tục triển khai giảng dạy các môn học này bằng hình thức blended-learning (vừa dạy-học trực tiếp trên lớp, vừa qua phần mềm MS Teams kết hợp với quá trình tự học của sinh viên trên LMS của trường).
Để đáp ứng với yêu cầu thực tế, các môn Lý luận chính trị đã từng bước có những cải tiến, điều chỉnh từ nội dung bài giảng, cách thức đánh giá sinh viên đến phương pháp giảng dạy nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo của trường và quy định của Bộ GD&ĐT.
ThS Phạm Thị Hà Thương - Quyền Trưởng khoa Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng trình bày một số kết quả việc thực hiện học tập các môn Lý luận chính trị. Ảnh: TDTU |
Khi triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, các trường đại học rất chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Việc này nhằm nâng cao về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý và giảng dạy các môn Lý luận chính trị.
Ở Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu xem công tác giảng dạy Lý luận chính trị là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để nâng cao ý thức chính trị trong toàn trường. Trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao, và có tư tưởng chính trị, đạo đức tốt.
Hằng năm, HUTECH chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, đáp ứng số lượng, đảm bảo chất lượng để giảng dạy các học phần lý luận chính trị. Hiện, đội ngũ giảng viên giảng dạy Lý luận chính trị của trường gồm 46 giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng với 5 phó giáo sư, 12 tiến sĩ, được phân thành 5 bộ môn: Triết học Mác - Lênin; Kinh tế chính trị Mác - Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tỷ lệ giảng viên lý luận chính trị có trình độ sau đại học và chứng chỉ giảng dạy đại học là 100%.
Tại Trường Đại học Văn Lang, các môn Lý luận chính trị thuộc Khoa Khoa học Cơ bản phụ trách giảng dạy cho sinh viên đại học. Năm 2019, môn Lý luận chính trị được chuyển từ 3 môn sang 5 môn. Trường đã sắp xếp, tổ chức lại các bộ môn này thành 3 bộ môn, gồm: Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học; Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, các bộ môn có 19 giảng viên, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, tâm huyết với nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc.
Tương tự, tại Trường Đại học An Giang, công tác phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được công tác giảng dạy cũng được nhà trường chú trọng. Mỗi giảng viên được yêu cầu phải nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học. Trường cũng tăng cường tuyển dụng thêm giảng viên có trình độ cao, tâm huyết, yêu nghề, có lý tưởng, có niềm tin, có kiến thức mới gắn với thực tiễn.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang đề xuất, cần tạo điều kiện cho giảng viên Lý luận chính trị tham gia nhiều hơn các khoá tập huấn, bồi dưỡng hè các môn Lý luận chính trị.
Cần đa dạng hoá các nội dung tập huấn, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học các môn Lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực người học. Ngoài ra, cần tổ chức các hội thảo khoa học cho giảng viên các môn Lý luận chính trị trong toàn quốc để nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, phương pháp dạy học các môn học này.
Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên Lý luận chính trị tham gia nghiên cứu thực tế tại các địa phương trong và ngoài nước với những chủ đề cụ thể liên quan đến nội dung các môn Lý luận chính trị.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Lý luận chính trị cũng là một nội dung quan trọng được đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh khi khảo sát việc triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TW tại trường đại học.
Làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, nhà trường cần phát huy vai trò của lực lượng cán bộ giảng viên để nhận diện những thách thức của công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời đại chuyển đổi số, chủ động tham mưu những giải pháp, chương trình cụ thể.
Nhà trường cần nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng giảng viên giảng dạy Lý luận chính trị, liên hệ thực tiễn truyền đạt cho người học. Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức tuyên truyền, truyền cảm hứng cho người học; cụ thể hóa các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức chính trị trong cán bộ, giảng viên, viên chức, sinh viên thông qua các hoạt động, phong trào, chương trình.
Đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những nội dung quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Văn Lang, của từng khoa, bộ môn và từng giảng viên. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, các bộ môn rất quan tâm đến việc này.
Giảng viên được tham gia tập huấn, học tập các khóa học về phương pháp giảng dạy mới, hiện đại như: Phương pháp giảng dạy online, Phương pháp giảng dạy trực tuyến, Phương pháp giảng dạy tích cực, chuyển đổi số,… Từ đó, giảng viên đã vận dụng các phương pháp này vào trong quá trình giảng dạy, đánh giá người học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Tác giả bài viết: Mạnh Tùng
Ý kiến bạn đọc