Đây là sáng tạo trong hoạt động ngoại khóa của khoa Ngoại ngữ, giúp các sinh viên thêm tự tin và có cơ hội giao lưu, trải nghiệm thực tiễn.
Kiên nhẫn, tỉ mỉ để sinh viên thích học
Theo Thạc sĩ Phạm Thị Hồng Thanh – Quyền Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Tây Bắc, hiện toàn khoa có 17 giảng viên dạy tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, hơn 80 sinh viên học chuyên tiếng Anh và hơn 400 sinh viên học tiếng Anh không chuyên.
Đặc điểm của sinh viên ở trường khu vực miền núi là đầu vào chưa cao. Để sinh viên thêm hứng thú với các giờ học tiếng Anh, giảng viên của khoa luôn thân thiện, nhiệt tình, kiên nhẫn động viên các em học tập. Tinh thần chung là làm thế nào để SV thích học. Vậy nên các giáo viên đều có những biện pháp riêng để động viên SV học tập.
Như chị Hồng Thanh chọn cách để SV khá giỏi ngồi gần SV kém hơn, để các em trao đổi với bạn bè trong nhóm trước, khi nào đủ tự tin thì sẽ đứng trước lớp trả lời câu hỏi. “Nhiều em SV dân tộc thiểu số còn nhút nhát. Vậy nên các hoạt động ở lớp tôi thường làm chậm hơn, quan sát từng em một, chọn cách dạy tỉ mỉ, cụ thể. Ngoài ra còn tìm những chủ đề thiết thực với SV, như dạy các em cách viết một email thế nào cho đúng, cách làm một bài thuyết trình...” – Chị Hồng Thanh cho biết.
Thạc sĩ PhạmThị Hồng Thanh – Quyền Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Tây Bắc |
Mở rộng quan hệ quốc tế
Ở khu vực miền núi, SV học ngoại ngữ ít có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài. Trường ĐH Tây Bắc và khoa Ngoại ngữ đã mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho các sinh viên có cơ hội tiếp xúc, giao lưu.
Mới đây, một gia đình người Úc đến Sơn La, vừa đúng lúc SV khoa Ngoại ngữ đang học về nội dung du lịch. Chị Hồng Thanh đã mời đôi vợ chồng người Úc và hai cô con gái 14 – 15 tuổi đến giao lưu với SV trong khoa. Đồng thời giao nhiệm vụ cho SV đưa các vị khách đến một bản cách trường khoảng 5 km, chia nhóm giới thiệu các nét đặc sắc về món ăn, trang phục, điệu xòe... – những nét đặc sắc, nổi bật của tỉnh Sơn La. Tuy không nằm trong chương trình học nhưng chị Hồng Thanh yêu cầu giảng viên lấy điểm cho sinh viên làm điểm học trình.
Hôm đó sinh viên rất phấn khởi, vì vừa tiếp xúc với thực tế, vừa được luyện nghe, luyện nói, thể hiện những gì học tập được. “Chúng em vừa được giao lưu với các bạn cùng trang lứa, vừa học vừa chơi rất hiệu quả. Em và hai bạn gái còn trao đổi địa chỉ email và facebook để có thể liên lạc được với nhau nữa” – Một sinh viên phấn khởi chia sẻ.
Khoa Ngoại ngữ còn tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa cho sinh viên. Từ năm 2015, khoa tổ chức các lớp tiếng Anh tình nguyện trên địa bàn tỉnh dạy học sinh cấp 1, cấp 2 trong dịp hè, mở lớp tiếng Anh tình nguyện Mộc Châu với đối tượng là học sinh lớp 1, lớp 2, và cả những ông bà về hưu, muốn học ngoại ngữ để làm du lịch.
Cô Hồng Thanh và các đồng nghiệp đã chuẩn bị một giáo trình dạy học rất đặc biệt để các sinh viên năm thứ 3, 4 tự tin lên lớp. Không cần những gì xa xôi cầu kỳ, giáo trình có các nội dung gần gũi thiết thực: Hỏi đường, giới thiệu món ăn ở Mộc Châu, những địa điểm du lịch… Lớp học luôn đông vui và có những buổi thực tế “hiện trường” vô cùng thú vị!
Ngoài ra, khoa còn tổ chức các cuộc thi tiếng Anh theo các hình thức “hot” như thi Rung chuông vàng, Đối mặt, Ai là triệu phú, trang trí lớp học theo các chủ đề… Giờ bước vào lớp học nào cũng thấy được sinh viên trang trí rất đẹp, vừa giúp sinh viên thấy thoải mái trong giờ học, vừa giúp các em nhớ từ vựng tiếng Anh.
Một tiết học tiếng Anh của SV khoa Ngoại ngữ - Trường ĐH Tây Bắc |
Tăng cường kết nối, đổi mới chương trình
Để kết nối các sinh viên và cựu sinh viên, khoa Ngoại ngữ tạo một facebook của Khoa, cập nhật các hoạt động của giảng viên, sinh viên trong khoa. Có sinh viên ra trường rồi, khi xem lại những hình ảnh về lớp, về trường đã viết lên facebook: Em rất nhớ khoa mình! Và cứ thế, kỷ niệm về khoa, về các thầy cô giáo được chia sẻ, gợi cảm hứng học tập cho các sinh viên đang theo học.
Hỏi về tỷ lệ SV khoa Ngoại ngữ ra trường có việc làm, chị Hồng Thanh tự hào cho biết: Theo khảo sát mới đây, 100% SV của khoa ra ra trường có việc làm. Có thể không phải SV nào cũng làm giáo viên nhưng các em đều làm những công việc liên quan đến ngoại ngữ. Nhiều em rất thành đạt, quay trở lại hợp tác với các khoa để giúp đỡ sinh viên.
Có một luồng gió mới ở Trường ĐH Tây Bắc nói chung và khoa Ngoại ngữ nói riêng, đó là nhiều cán bộ, giảng viên của trường tham gia các khóa học về thiết kế chương trình, quản lý, quản trị trường ĐH, phương pháp hỗ trợ sinh viên học tập… do Aus4Skills tổ chức, “cộng hưởng” lại tạo sự đổi mới trong toàn trường. Hiện khoa Ngoại ngữ đặt mục tiêu chương trình đào tạo cũng như trong kiểm tra đánh giá đều phải đảm bảo có đủ 3 yếu tố: Chương trình đào tạo, kiểm tra đánh giá thu hút sinh viên; hỗ trợ sinh viên trong mọi hoạt động; Cho sinh viên cảm giác họ thuộc về nhà trường.
Khoa Ngoại ngữ đã, đang và sẽ tổ chức hội thảo và seminar để các giáo viên bộ môn viết đề cương chi tiết môn học dựa trên một định hướng chung, trong đó chú trọng vào phần kiểm tra đánh giá, thể hiện rõ phương pháp kiểm tra đánh giá như thế nào, rõ ràng trong tiêu chí đánh giá, để làm sao lấy sinh viên làm trung tâm, tăng khả năng sáng tạo, ứng dụng của sinh viên.
“Qua kết quả nghiên cứu của lãnh đạo khoa Ngoại ngữ trường ĐH Tây Bắc, hiện 100% giáo viên tiếng Anh tiểu học khu vực Tây Bắc chưa được học về phương pháp giảng dạy tiểu học. Chính vì vậy Khoa có kế hoạch mở thêm ngành đào tạo Sư phạm tiểu học tiếng Anh. Hiện tuyển sinh có khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng chương trình sẽ thành công”. – Thạc sĩ PhạmThị Hồng Thanh – Quyền Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Tây Bắc.