Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đã được nêu trong các Nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW; cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013;
Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của Luật Giáo dục với các văn bản pháp luật khác; đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, thiết thực; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật; đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực GD&ĐT.
Bố cục của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp với tính chất và nội dung của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 01 chương, 01 mục và 07 điều so với Luật Giáo dục hiện hành; tăng 01 chương và sửa đổi, bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).
Một số chính sách mới trong dự thảo Luật này gồm: Nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập;
Cùng với đó là các quy định về các loại hình cơ sở giáo dục; về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về chính sách tín dụng sư phạm; về chính sách cử tuyển; về phổ cập giáo dục; về giáo dục hòa nhập; về chính sách tiền lương đối với nhà giáo; quản lý nhà nước về giáo dục; về quản trị của cơ sở giáo dục;
Về đầu tư, tài chính trong giáo dục; thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục; thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông;
Về mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và kỹ thuật văn bản.