Thi tốt nghiệp THPT: Việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi vô cùng quan trọng

Thứ tư - 02/10/2019 03:51 328 0

Thi tốt nghiệp THPT: Việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi vô cùng quan trọng

GD&TĐ - Đồng tình khá cao với dự kiến phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 (dự kiến phương án) của Bộ GD&ĐT, nhiều ý kiến góp ý đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngân hàng câu hỏi, thiết kế bài thi phù hợp nhằm đánh giá được năng lực của học sinh.

Đảm bảo tính pháp lý, khoa học, khả thi

Ông Lê Bá Việt Hùng (Sở GD&ĐT Phú Thọ) nhận định: Dự kiến phương án của Bộ GD&ĐT đảm bảo tính pháp lý; tính chính xác, khoa học và tính khả thi.

Về tính pháp lý, theo ông Hùng, phương án đề xuất là một giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Với tính khả thi, theo ông Lê Bá Việt Hùng, phương án đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của nhiều đối tượng học sinh sau khi học xong THPT (đối tượng trực tiếp tham gia lao động sản xuất thì chỉ cần Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, đối tượng cần học tiếp lên ĐH, CĐ cần có bằng tốt nghiệp THPT thì tham gia thi, các đối tượng có thể thi nhiều đợt trong năm...) nên tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong xã hội. Lộ trình đưa ra phù hợp, các nhà trường, địa phương có thời gian chuẩn bị (trước mắt vẫn thi trên giấy khi chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, khi cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo thì thi trên máy tính).

Đồng thời, phương án cũng đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14: “Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT. Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông”.

Về tính chính xác, khoa học, ông Lê Bá Việt Hùng cho rằng: Việc chuyển dần sang thi trên máy tính đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng của kỳ thi; tiết kiệm thời gian, kinh phí; hạn chế tiêu cực. Việc cấu trúc lại các câu hỏi trong bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, đánh giá kiến thức, kỹ năng và tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp; mỗi bài thi chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất là phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa (chuyển từ dạy học trang bị kiến thức kỹ năng sang dạy học phát triển năng lực).

Quan trọng nhất là thiết kế bài thi phù hợp

Thi tốt nghiệp THPT: Việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi vô cùng quan trọng - Ảnh minh hoạ 2
Xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ thi và kiểm định chất lượng là hết sức quan trọng. Ảnh: Hữu Cường 

Một trong ba nguyên tắc để xây dựng phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT là ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế hàng đầu (ACT, ETS...), từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới. PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, phù hợp và có tính hội nhập.

Một số điểm mới trong dự kiến phương án của Bộ GD&ĐT mà PGS.TS Trần Trung Kiên quan tâm, đó là:

Thứ nhất: Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT được hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.

Thứ 2: Có lộ trình để triển khai thi trên máy tính.

Thứ 3: Cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất.

Với việc học sinh được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, theo PGS.TS Trần Trung Kiên, sẽ giảm tải cho kỳ thi và giảm áp lực cho thí sinh; bởi vài năm gần đây, tỷ lệ học sinh sau THPT muốn đi học nghề khá cao nên những đối tượng này sẽ không cần phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, điều ông Kiên băn khoăn là, khi không phải tham gia kỳ thi, điều đó có ảnh hưởng đến động lực học tập của một bộ phận học sinh phổ thông hay không?

“Tuy nhiên, để triển khai cần tính toán lộ trình cẩn trọng bởi nhiều vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về cơ sở vật chất và sự tiếp cận với công nghệ thông tin của người học còn hạn chế. Theo tôi, trong giai đoạn này, quan trọng nhất vẫn là thiết kế được bài thi phù hợp, đánh giá được năng lực của học sinh. Do đó, việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi vô cùng quan trọng” - PGS.TS Trần Trung Kiên nêu quan điểm.

Với việc thi trên máy tính, PGS.TS Trần Trung Kiên cho biết: Hiện nay, công nghệ thông tin góp phần không nhỏ trong việc đổi mới các hoạt động giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong khâu kiểm tra đánh giá. Chính vì vậy, tổ chức thi, đánh giá năng lực trên máy sẽ giúp giảm được khâu coi thi, chấm thi và có thể sẽ hạn chế được một số tác động tiêu cực của con người. Chúng ta có thể tham khảo và áp dụng các kinh nghiệm của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM trong việc xây dựng phương án cũng như tổ chức kỳ thi này.

Cuối cùng, một dự kiến thay đổi khác là dần chuyển các bài thi từ tổ hợp sang tích hợp, mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất. Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, nếu thực hiện được việc này sẽ làm thay đổi căn bản về cách dạy và học tại bậc phổ thông.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,057
  • Hôm nay32,896
  • Tháng hiện tại311,026
  • Tổng lượt truy cập51,666,985
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944