Bên cạnh những trường tốp đầu tại các quận nội thành có điểm chuẩn cao, không ít trường ngoại thành, học sinh chỉ cần đạt từ 3 - 4 điểm mỗi môn có thể trúng tuyển.
Thủ khoa đến từ trường làng
Việc chênh lệch điểm chuẩn vào lớp 10 của Hà Nội diễn ra từ nhiều năm nay, đặc biệt sau khi Hà Nội mở rộng vào năm 2008. Việc tổ chức thi tuyển thay vì xét tuyển kết hợp với thi tuyển như cách đây 3 năm và thi thêm môn Ngoại ngữ càng kéo rộng khoảng cách điểm chuẩn giữa vùng trung tâm thành phố với huyện ngoại thành.
Lý giải việc chênh lệch điểm chuẩn, nhiều nhà giáo cho rằng có 3 nguyên nhân chính: Chất lượng đội ngũ giáo viên chênh lệch, giáo viên giỏi ở vùng ven, nông thôn đổ dồn về trung tâm. Điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập ở một số huyện còn khó khăn. Cuối cùng là do đời sống khó khăn, phụ huynh chưa chăm lo, quan tâm đến việc học tập của con em.
Kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, Trường THPT Hồng Thái (huyện Đan Phượng) lấy điểm chuẩn 32, trung bình mỗi môn học sinh cần đạt 5,33 điểm. Đây là trường lấy điểm chuẩn thấp nhất trong 3 trường THPT trên địa bàn huyện.
Lý giải về việc này, thầy Hiệu trưởng Phạm Huy Thiệp cho biết: Trường Hồng Thái không nằm ở vị trí trung tâm khu dân cư nên số lượng học sinh còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, điểm đầu vào của trường cũng khá thấp so với mặt bằng chung.
Thế nhưng, ngôi trường ở vùng quê nghèo khó luôn được gọi với cái tên “lò” đào tạo thủ khoa. Năm 2019, học sinh Nguyễn Trà My là thủ khoa khối D1 toàn quốc. Nhà trường còn có nhiều học sinh là thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm.
Thầy Thiệp cho rằng: Điểm đầu vào của học sinh chỉ là một yếu tố chứ không quyết định đến chất lượng dạy học. Nếu các thầy cô tâm huyết với học sinh, biến những em từ điểm đầu vào thấp trở thành học sinh giỏi, đạt thành tích tốt trong những năm học THPT mới đáng trân trọng.
Trong những năm qua, Trường THPT Hồng Thái luôn làm tốt công tác khoa học, thi đua khen thưởng, khuyến học, khuyến tài. Đặc biệt, công tác chuyên môn luôn được nhà trường chú trọng, hiệu quả tập trung theo hướng xác định chuẩn kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực người học.
Nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên tham gia học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường ngày càng nâng cao, nhiều giáo viên của trường đoạt giải cao khi dự thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 98%.
Nỗ lực của trường “đội sổ”
Được biết đến là trường “đội sổ” về điểm chuẩn trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội trong những năm gần đây nhưng điều này không khiến các thầy cô Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì) quá “tâm tư”. Năm nay, điểm chuẩn vào trường chỉ là 18,05 điểm, trung bình khoảng 3 điểm mỗi môn, thấp nhất thành phố.
Thầy Nguyễn Duy Bỉnh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Thành lập từ năm 2014, Trường đóng tại địa bàn xã Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) nhằm phục vụ nhu cầu học tập chủ yếu của con em các xã miền núi Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì.
Là một trong những trường có điểm tuyển sinh thấp nhất thành phố Hà Nội nhưng cả thầy và trò nhà trường luôn cố gắng, nỗ lực để đưa nhà trường không ngừng phát triển. Trong 3 năm học tại trường, học sinh được giáo dục toàn diện, tham gia vào nhiều câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, giúp các em thực sự hạnh phúc với quãng đời học sinh của mình.
Đặc biệt, học sinh nhà trường còn xuất sắc đoạt nhiều giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, điều mà ít trường ngoại thành đạt được. Tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2020 - 2021, cả 7 học sinh tham dự đều đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 2 giải Ba, 1 giải Khuyến khích.
“Đây chính là thành tích đáng tự hào của cả thầy và trò của nhà trường. Thành tích có được là nhờ tinh thần cố gắng học tập của các em tuy khó nhưng không nản, là nhờ sự say mê, nhiệt huyết của các thầy, cô giáo'” - thầy Bỉnh chia sẻ.
Cũng là trường ở giữa vùng nông thôn, đời sống của người dân còn khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, việc học của học sinh còn hạn chế nên điểm chuẩn vào lớp 10 của Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) những năm gần đây luôn nằm tốp cuối của thành phố. Tuy nhiên nhờ sự nỗ lực của các thầy, cô giáo, chất lượng dạy và học của trường không ngừng được nâng cao.
Theo thầy Nguyễn Khắc Thuật - Hiệu trưởng nhà trường, với những khó khăn về chất lượng đầu vào, trong những năm qua nhà trường đã chọn cho mình một “hướng đi” thích hợp với phương châm “Nền nếp, kỷ cương nghiêm, nâng dần chất lượng”.
Nhà trường chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh. Đoàn Thanh niên nhà trường đã duy trì và hoạt động có hiệu quả Đội thanh niên tình nguyện, thực hiện tốt phong trào “Học sinh không hút thuốc lá”, “Cổng trường an toàn”... để giúp đỡ học sinh chưa ngoan, đồng thời ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực học đường.
Chất lượng dạy học của nhà trường cải thiện qua từng năm. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng, học sinh yếu kém giảm. Nhiều học sinh đỗ điểm cao vào các trường đại học, nhiều em đã đỗ vào các trường tốp đầu. Mặc dù đầu vào rất thấp nhưng qua quá trình học tập, rèn luyện tại Trường THPT Lưu Hoàng, mọi học sinh đều tiến bộ, trưởng thành.