Thu hút sinh viên theo học ngành Toán: Chính sách tốt, việc làm hấp dẫn

Thứ ba - 10/05/2022 03:47 256 0
GD&TĐ - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 – 2030.
Thu hút sinh viên theo học ngành Toán: Chính sách tốt, việc làm hấp dẫn

Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 15/5 với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển Toán học, trong đó có chính sách chi học bổng khuyến khích cho sinh viên theo học ngành Toán. 

Hỗ trợ học bổng

Theo Thông tư, sinh viên ngành Toán được chi học bổng khuyến khích bằng mức trần học phí của năm học hiện hành tại cơ sở đào tạo. Mức học bổng này tương đương học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Mức xét và hỗ trợ học bổng theo Nghị định 81 ở năm học 2021 - 2022 là từ 1,1 - 2,4 triệu đồng/tháng. Đến năm 2022 - 2023, học bổng sinh viên được cấp hỗ trợ theo quy định tăng theo mức trần học phí nên có thể lên tới 14,5 - 36 triệu đồng/năm.

Ngoài học bổng hỗ trợ khuyến khích cho sinh viên theo học ngành Toán (có xét duyệt) tại các cơ sở giáo dục đại học, ngân sách Nhà nước cũng sẽ chi đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên môn Toán cốt cán, giáo viên trung học phổ thông chuyên Toán; tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho học sinh, sinh viên về các chủ đề thời sự trong toán hiện đại nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng toán học. Bồi dưỡng giảng viên môn Toán các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp với nội dung và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, mức chi học bổng khuyến khích cho sinh viên ngành Toán là chính sách đúng đắn và thiết thực nhằm thu hút học sinh giỏi tham gia học tập, qua đó gián tiếp giúp các cơ sở giáo dục đào tạo, hình thành được một đội ngũ nhân lực chất lượng cao phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0.

“Toán học hiện diện và có mặt trong nhiều nhóm ngành nghề ở tương lai như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính… Vì vậy, việc khuyến khích và tạo sức hút cho thí sinh tham gia học tập ngành Toán không chỉ tạo nguồn nhân lực chất lượng ở tương lai, mà quan trọng hơn chính sách học bổng trên sẽ thúc đẩy ngành Toán học phát triển mạnh hơn. Trường đang chờ hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT để triển khai chính sách trên”, PGS.TS Phạm Hoàng Quân nói.

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân, sinh viên theo học ngành Toán tại trường (Sư phạm Toán) sẽ có cơ hội được xét tuyển học bổng khuyến khích thông qua Hội đồng xét chọn của nhà trường (theo tiêu chí quy định của Bộ GD&ĐT). Việc xét chọn sẽ được thực hiện nghiêm ngặt, công khai theo các bước trong quy định để đảm bảo công bằng cho mọi sinh viên.

Thu hút sinh viên theo học ngành Toán: Chính sách tốt, việc làm hấp dẫn - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh hào hứng tham gia Ngày hội Toán học mở hàng năm. 

Đãi ngộ lớn, nhu cầu nhân lực cao

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ đưa ra một số mốc và con số để “phấn đấu”. Cụ thể đến năm 2030, phấn đấu có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong tốp 500 của thế giới về lĩnh vực toán học, trong đó ít nhất 2 cơ sở được xếp hạng trong tốp 400.

Phấn đấu tăng gấp đôi số lượng công bố trên các tạp chí trong danh mục tạp chí có uy tín trên thế giới (tạp chí SCIE) so với giai đoạn 2010 - 2020; tăng gấp đôi số lượt nhà khoa học nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài) đến làm việc, trao đổi và hợp tác khoa học được hỗ trợ từ chương trình so với giai đoạn 2010 – 2020.

Phấn đấu có ít nhất 5 hướng nghiên cứu chủ đạo về toán ứng dụng và toán trong công nghiệp, với đội ngũ có năng lực thực hiện các chương trình, hợp đồng nghiên cứu - phát triển với Nhà nước, doanh nghiệp; hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành Toán, Toán ứng dụng và Thống kê, trong đó 50% nghiên cứu sinh có ít nhất 2 công bố trên tạp chí SCIE…

Theo GS Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (BigData) của Tập đoàn Vingroup, đây là chiến lược đúng đắn cho mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 của Việt Nam. Bởi điểm chuẩn trúng tuyển của các ngành học liên quan đến toán như: Sư phạm Toán, Toán ứng dụng, Khoa học máy tính… ở các trường mỗi năm đều tăng. Tuy vậy, để thu hút học sinh giỏi theo học ngành Toán, theo GS Văn, ngoài chính sách khuyến khích học bổng cho sinh viên cần song hành chính sách đầu ra việc làm hấp dẫn.

“Chúng ta phải trả lời được câu hỏi của các em, phụ huynh là học toán để làm gì? Tuy vậy, hiện giờ chúng ta chưa trả lời được câu hỏi đó một cách rõ ràng cho các em. Trong khi đó, sinh viên giờ đây rất thực tế. Bởi các em phải tính toán mỗi năm nộp bao nhiêu triệu đồng học phí, đi vay để học, nên ra trường lo đi làm ngay để kiếm tiền trả nợ. Ngành Toán tại nhiều cơ sở đã có một số ngành học có sức hút với thí sinh như: Toán ứng dụng, Khoa học máy tính, AI… Vì vậy, nên song hành và phát huy những thế mạnh mà bản thân ngành Toán đang có”, GS Vũ Hà Văn nói.

Nhìn nhận vai trò đặc biệt quan trọng của toán trên đời sống xã hội, GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, cho rằng: Toán ứng dụng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu vào cuộc cách mạng 4.0. Tại nước phát triển, các nhà phân tích dữ liệu, tài chính, đánh giá rủi ro, thống kê, kỹ sư phần mềm có kiến thức toán giỏi… luôn được các công ty, doanh nghiệp săn đón với mức lương hấp dẫn.

“Báo cáo PayScale College Salary năm 2018 - 2019 cho thấy, chuyên gia phân tích tài chính có mức lương trung bình khoảng 58.000 USD/năm, chuyên gia thẩm định rủi ro lương khoảng 83.000 USD/năm và kỹ sư phần mềm lương khoảng 92.000 USD/năm… Còn tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực của những ngành này luôn trong tình trạng “khan hiếm”, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, với mức lương trung bình thường khoảng 15 - 16 triệu/tháng đối với chuyên viên phân tích tài chính, 18 - 30 triệu/tháng đối với kỹ sư phần mềm... Rõ ràng, ngành Toán đang ngày một tạo ra sức hút với người trẻ”, GS Trung chia sẻ. 

Tác giả bài viết: Anh Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập142
  • Hôm nay41,612
  • Tháng hiện tại319,742
  • Tổng lượt truy cập51,675,701
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944