Tiêu chuẩn, điều kiện thi/xét thăng hạng: Cơ hội để giáo viên “nâng tầm”

Thứ năm - 09/12/2021 05:08 491 0
GD&TĐ - Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện nhất định.
Tiêu chuẩn, điều kiện thi/xét thăng hạng: Cơ hội để giáo viên “nâng tầm”

Nới lỏng quy định

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Thông tư số 34). Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022.

Theo nhiều giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Thông tư có nhiều điểm mới và hướng đến quyền lợi của giáo viên. Bày tỏ tâm đắc với quy định giảm thời gian xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ để được thăng hạng, cô Nguyễn Thị Thuý Hồng – Giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) – ghi nhận:

So với quy định trước đây, giáo viên phải xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 3 năm trở lên mới được xét/thi thăng hạng, nay Thông tư số 34 quy định chỉ cần 1 năm liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư này, để được thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. “Quy định này nới lỏng hơn về điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp” – cô Hồng nhận xét.

Cho rằng, các quy định của Thông tư cơ bản hướng đến quyền lợi của giáo viên, cô Hồng viện dẫn: Thông tư không làm phát sinh thêm các quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên và bảo đảm phù hợp nếu các tiêu chuẩn được sửa đổi, bổ sung. “Việc tham gia thi/xét thăng hạng là quyền lợi của giáo viên nhưng không bắt buộc” – cô Hồng bày tỏ, đồng thời nhận định: Đối chiếu với các điều khoản của Thông tư, giáo viên sẽ có nhiều cơ hội để được thăng hạng vì các quy định không quá khắt khe.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Gấm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương) – cho biết: Căn cứ vào Thông tư số 34, 100% giáo viên của trường hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Lý giải về việc này, cô Hồng Gấm – cho hay: Toàn bộ giáo viên của trường đều được bổ nhiệm giáo viên hạng III. Có 3 giáo viên được bổ nhiệm giáo viên hạng II.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn về trình độ, bằng cấp, nhà giáo đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhiều giáo viên còn chứng chỉ các loại, đáp ứng yêu cầu của giáo viên hạng II và hạng I. Vì thế, nhiều giáo viên chỉ cần phần đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là đáp ứng điều kiện cần và đủ để đăng ký xét/thi thăng hạng. “Nói chung, tôi hài lòng và tán thành các quy định của Thông tư số 34. Thông tư đã mở ra cơ hội để giáo viên có thể bứt phá, vượt lên chính mình” – cô Gấm chốt lại.

Tiêu chuẩn, điều kiện thi/xét thăng hạng: Cơ hội để giáo viên “nâng tầm” - Ảnh minh hoạ 2
Cô – trò Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương). Ảnh: NVCC - Thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Khắc phục một số hạn chế

Trao đổi về Thông tư số 34, theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), Thông tư này thay thế các Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập; Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Thông tư số 34 đã cập nhật các quy định mới tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về căn cứ, nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy định hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thống nhất với quy định mới về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (cách xác định người trúng tuyển trong chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao…).

Đồng thời, bảo đảm thống nhất với các quy định mới về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Thông tư số 34 không làm phát sinh thêm các quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên và bảo đảm vẫn phù hợp nếu các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được sửa đổi, bổ sung.

Đối với hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – thông tin: Thông tư khắc phục một số hạn chế còn tồn tại trong thực tiễn tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giảm tối đa các quy định không cần thiết để tạo thuận lợi cho giáo viên.

Cụ thể: Bỏ quy định chấm điểm đối với nhóm tiêu chí dự báo khả năng thực hiện nhiệm vụ của hạng đăng ký dự xét (nhóm tiêu chí trước đây được quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT); không yêu cầu biên bản ghi nhận xét, đánh giá của đại diện ban giám hiệu, tổ chuyên môn, tổ chức đoàn thể trong nhà trường dự báo về khả năng thực hiện được các nhiệm vụ của hạng đăng ký dự xét trong hồ sơ dự xét thăng hạng.

Ngoài ra, Thông tư số 34 bỏ quy định về điểm tăng thêm theo quy định tại Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT. Bổ sung quy định về việc xác định người trúng tuyển trong trường hợp số lượng giáo viên đạt yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao. Trường hợp tham dự kỳ xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I sẽ lấy điểm kiểm tra, sát hạch theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao.

Trường hợp tham dự kỳ xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II, lấy điểm chấm minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên hạng III đã thực hiện trong 6 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao.

Thông tư số 34 cũng điều chỉnh phụ lục hướng dẫn minh chứng và chấm điểm theo hướng giảm yêu cầu về thủ tục hồ sơ. Các cơ quan có thẩm quyền căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho những giáo viên đáp ứng yêu cầu năng lực và có nhu cầu thăng hạng. Khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên khẳng định được năng lực nghề nghiệp của mình; đồng thời, được xếp lương ở bảng lương có hệ số lương cao hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập494
  • Hôm nay19,456
  • Tháng hiện tại297,586
  • Tổng lượt truy cập51,653,545
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944