Cùng với nỗ lực của nhà trường, việc này cần sự phối hợp từ chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là cha mẹ học sinh.
Nằm trên địa bàn vùng khó, năm học 2023 - 2024, Trường THCS Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An) có 242 học sinh dân tộc ít người (55%). Cô Hiệu trưởng Lã Thị Thanh Huyền cho biết, nhà trường đã bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương nhưng vẫn duy trì hoạt động câu lạc bộ trình diễn nghệ thuật dân gian các dân tộc và du lịch; dự kiến thành lập thêm câu lạc bộ thể dục thể thao. Các câu lạc bộ hoạt động trên tinh thần tự nguyện.
“Việc duy trì hoạt động các câu lạc bộ dịp hè thực sự bổ ích, hiệu quả; giảm thời gian trống trong hè, giúp học sinh có sân chơi bổ ích, lành mạnh, tăng cường kỹ năng sống, phát triển năng lực cá nhân…
Ví dụ, trong hè, học sinh nhóm câu lạc bộ trình diễn nghệ thuật dân gian các dân tộc ít người có thời gian nghiên cứu nghệ thuật đặc sắc trên địa bàn, xây dựng chương trình hấp dẫn, vừa phát triển bản thân, vừa góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.
Học sinh câu lạc bộ du lịch thì khám phá các địa điểm, dựng clip để quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp, điểm du lịch hấp dẫn của địa phương; kết nối với các trung tâm điều phối du lịch của huyện để có thể làm hướng dẫn viên…”, cô Lã Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Được sự hỗ trợ của quỹ HMF, từ năm 2022 đến nay, Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) tổ chức tăng cường tiếng Việt cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1, thời gian triển khai từ 25/6 - 15/8.
Giáo viên được lựa chọn giảng dạy là người bản địa để tổ chức các hoạt động song ngữ, phối hợp cùng gia đình chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1. Thông qua hoạt động sinh hoạt, học tập trong ngày, tham quan trải nghiệm, các em được rèn kỹ năng nghe, nói, diễn đạt đủ câu, nhận dạng chữ cái, chữ số trong bảng tiếng Việt, tập tô các nét chữ, cách cầm bút, tư thế ngồi…
“Những học sinh được học tăng cường tiếng Việt tự tin, có kỹ năng tốt hơn hẳn so với các em không học qua lớp này”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng chia sẻ.
Xa đất liền nên hoạt động hè được Ban Chỉ đạo hè của huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) quan tâm, giao cơ quan, đoàn thể phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức. Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT Côn Đảo: Nhiều hoạt động phong phú diễn ra liên tục xuyên suốt 2,5 tháng hè.
Ví dụ: Tổ chức Hội thi kể chuyện sách hè huyện Côn Đảo năm 2024; phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em; chương trình trại hè; tổ chức các lớp năng khiếu hè; giải cầu lông, bóng đá thiếu nhi; học kỳ quân đội; thi sáng tạo, thiết kế sản phẩm mô hình tái chế “Đại sứ giảm nhựa”; lớp tiếng Anh giao tiếp miễn phí…
Ngoài ra, trong các trường mầm non vẫn tổ chức nhận trẻ theo nhu cầu của phụ huynh. Trường tiểu học tổ chức các hoạt động kỹ năng, ôn tập cho học sinh yếu trong tháng 7, tháng 8. Dù số học sinh phụ đạo không nhiều (trên dưới 20 em), nhưng nhà trường sẵn sàng nhận cả học sinh khác có nhu cầu, được phụ đạo hoàn toàn miễn phí.
Ảnh minh họa ITN. |
Sau tổng kết năm học, Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức bàn giao học sinh về địa phương. Giai đoạn nghỉ hè, nhà trường vẫn mở cửa thư viện để học sinh đến đọc sách; tổ chức các câu lạc bộ văn thể mỹ như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, cờ vua, dance sport, aerobics; phối hợp tổ chức các lớp học bơi...
Nhà trường đồng thời tăng cường truyền thông tới học sinh và cha mẹ về bảo đảm an toàn cho trẻ trong thời gian nghỉ hè thông qua giáo viên chủ nhiệm; tổ chức bồi dưỡng miễn phí cho học sinh phải rèn luyện lại về học lực trong hè.
Chia sẻ điều này, cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường đồng thời bày tỏ khó khăn về kinh phí và nhân lực. Muốn tổ chức các hoạt động hiệu quả thì cần có kinh phí. Bên cạnh đó, nhân lực nhà trường có giới hạn, số lượng thầy cô giảng dạy giáo dục thể chất, mỹ thuật và âm nhạc không nhiều; trong khi muốn tổ chức hiệu quả cần chia thành nhóm lớp nhỏ.
“Giải pháp khắc phục là xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ từ phụ huynh. Đồng thời, phối kết hợp với Trung tâm văn hóa, thể thao và thông tin của quận để có nguồn nhân lực giỏi hỗ trợ công tác chuyên môn. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cụ thể là UBND phường, Đoàn Thanh niên phường, Hội Phụ nữ... để nâng cao nhận thức của cha mẹ, truyền thông các chương trình hoạt động của nhà trường”, cô Đào Thị Hồng Hạnh chia sẻ.
Dù nhà trường rất nỗ lực, song theo cô Lã Thị Thanh Huyền, Trường THCS Thị trấn Mường Xén còn khá nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các câu lạc bộ nói riêng, hoạt động hè nói chung. Lý do, đội ngũ chủ yếu không phải người địa phương nên thầy cô sẽ về xuôi với gia đình, số người quản lý hoạt động trong hè không nhiều. Đặc biệt, nhà trường không có nguồn kinh phí hỗ trợ, do đó khó duy trì hoạt động tập luyện có hướng dẫn và động viên thầy cô tham gia.
Để tổ chức hoạt động hè hiệu quả, nhà trường mong các cấp, ngành liên quan, chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh cùng phối hợp để xây dựng giải pháp, kế hoạch cụ thể. Cần có hành lang pháp lý để chính quyền địa phương linh động khi tính toán cấp kinh phí hoạt động trong trường học, cấp thêm nguồn kinh phí cho hoạt động hè ở huyện vùng khó.
Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, tổ chức hoạt động hè hiệu quả đòi hỏi các ban ngành, đoàn thể phải cùng chung tay; nhất là Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao... Hoạt động hè không thể khoán trắng cho nhà trường, giáo viên; vì thời gian hè thầy cô phải bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, học nâng cao trình độ...
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc