Trọng số điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT: Có cần thiết?

Thứ tư - 04/08/2021 07:50 292 0
GD&TĐ - Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ nên sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp.
Trọng số điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT: Có cần thiết?

Không tính điểm học bạ: HS học lệch, giảm động lực học

Theo cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi, Hưng Yên), cần trọng số điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT, vì đó là “bức tranh” phản ánh khá chuẩn 3 năm học THPT của học sinh (HS). Chia sẻ giải pháp mà Trường THPT Ân Thi thực hiện giúp trọng số 30% điểm học bạ là tin cậy, cô Vũ Thị Anh cho biết:

Với kiểm tra thường xuyên, giáo viên có nhiều cách thức lấy điểm từ dự án, sản phẩm nhóm, tích cực trả lời trên lớp… Bài kiểm tra giữa kỳ tổ chức kiểm tra chung đề theo lịch của nhà trường, theo khối. Nhà trường tổ chức thi cuối kỳ chung, thi theo lịch từng môn; trộn danh sách HS toàn trường theo thứ tự a, b, c; đánh số báo danh HS… Tổ chức chấm, dọc phách với môn tự luận; có tổ chấm trắc nghiệm riêng; sau khi có điểm sẽ gửi về cho giáo viên bộ môn nhập điểm.

Cô Trần Thị Hương Lam, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Nam Đế, Thái Nguyên cho rằng: Công thức xét tốt nghiệp THPT với 70% điểm thi và 30% điểm học bạ là phù hợp; vừa phân loại được HS tốt hơn, vừa bảo đảm công bằng, khách quan trong xét và công nhận tốt nghiệp. “Tại Trường THPT Lý Nam Đế, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của cấp trên, nhà trường có kế hoạch nâng cao chất lượng, phụ đạo HS yếu - kém… Kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT của HS trong trường có độ chênh lệch thấp” - cô Lam chia sẻ.

Chia sẻ từ thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, khi áp dụng công thức xét tốt nghiệp THPT với 70% điểm thi - 30% học bạ, HS có quyết tâm học để sử dụng điểm học bạ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ; đồng thời cải thiện điểm trung bình cả năm để tăng cơ hội tốt nghiệp. Để có kết quả điểm trung bình cao, HS phải đầu tư đều các môn, từ đó hạn chế học lệch. Giáo viên dạy các môn không thi tốt nghiệp cũng dễ dạy, dễ quản lý HS hơn. Căn cứ kết quả học tập của HS tại trường và kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường sẽ có điều chỉnh phù hợp trong chỉ đạo hoạt động dạy và học.

“Điểm trung bình cả năm của HS đạt 5,0 hay 10,0 cũng như nhau sẽ triệt tiêu cố gắng truyền thụ của giáo viên và nỗ lực học tập của HS. Hệ lụy là giáo viên sẽ đánh giá điểm mang nặng tính chủ quan, cảm tính hơn rất nhiều vì không còn sự ràng buộc nào. Các cơ sở giáo dục sẽ không còn công cụ để đánh giá, phân tích kết quả dạy và học của trường; mất đi sự so sánh, đối chiếu để điều chỉnh quá trình dạy học” - thầy Trần Văn Hân nêu quan điểm. 

Đánh giá kết quả 12 năm học không thể chỉ bằng 1 bài thi

GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, đại biểu Quốc hội khóa XV, khẳng định: Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT hiện nay với trọng số 70% là điểm thi tốt nghiệp THPT, 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 hoàn toàn phù hợp, cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Lý giải nhận định này, GS Thái Văn Thành cho rằng: Đánh giá kết quả 12 năm học không thể chỉ bằng một bài thi tốt nghiệp. Vì chỉ qua một bài thi khó đánh giá khách quan được cả một quá trình dài học tập; đồng thời tạo áp lực rất lớn và thiệt thòi cho HS. Chưa kể, kết quả bài thi có nhiều yếu tố khác tác động, như tâm lý, sức khỏe của HS…

Bên cạnh đó, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS theo hướng tiếp cận năng lực chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập cuối môn học, khóa học (đánh giá tổng kết) nhằm mục đích xếp hạng, phân loại, sang sử dụng các loại hình thức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ sau từng chủ đề, từng chương nhằm mục đích phản hồi điều chỉnh quá trình dạy học (đánh giá quá trình). Điểm học bạ là kết quả của đánh giá quá trình, với đa dạng hình thức: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập (với kiểm tra, đánh giá thường xuyên); bài kiểm tra, bài thực hành, dự án học tập (với kiểm tra, đánh giá định kỳ).

“Nếu chỉ dùng điểm thi để xét tốt nghiệp thì chúng ta đã quay trở lại cách làm cũ, không còn theo tinh thần đổi mới như Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hậu quả của việc này là không thể thực hiện dạy học theo phát triển năng lực; HS chỉ cần tập trung học những môn thi và học trước thời gian thi để đạt điểm cao. Do đó, cách tính điểm xét tốt nghiệp như hiện nay là phù hợp” - GS Thái Văn Thành khẳng định.

GS Thái Văn Thành đồng thời nhấn mạnh: Thi tốt nghiệp THPT đã làm nghiêm túc, bài bản, chặt chẽ, chính xác; còn quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá ở phổ thông, nếu đâu đó có vấn đề cần có giải pháp để nghiêm túc chấn chỉnh. Tại Nghệ An, năm 2020, kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có độ chênh khá cao. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo rất quyết liệt việc này; tổ chức cuộc họp với các hiệu trưởng, quy định rõ người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu điểm học bạ của HS trong trường có vấn đề.

“Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Giao tổ trưởng chuyên môn sinh hoạt tổ và đánh giá, rà soát lại việc dạy học, đặc biệt là khâu kiểm tra, đánh giá; từng bước hình thành ma trận năng lực theo thang đo Bloom (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao), từ đó đánh giá thực chất năng lực học của HS.

Phòng Giáo dục Trung học của Sở được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc với các trường để tư vấn hỗ trợ về cách thức dạy học, kiểm tra đánh giá - việc này có kế hoạch từ đầu năm học. Hằng năm, Sở GD&ĐT thực hiện khảo sát với HS lớp 9, 12; qua đó phân tích dữ liệu để các trường nắm được chất lượng dạy học thực chất, điều chỉnh chỉ đạo hoạt động dạy học.

Sở GD&ĐT đồng thời tăng cường truyền thông để phụ huynh thay đổi tư duy, quan điểm; từ đó hiểu, đồng thuận với việc: Quan trọng không phải thành tích điểm số mà là HS học được gì, qua học làm được gì… Với hàng loạt giải pháp, năm 2021, chênh lệch điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT của Nghệ An thay đổi rõ rệt, độ lệch gần như không đáng kể” - GS Thái Văn Thành thông tin.

“Bỏ trọng số điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT làm cho HS không cố gắng học tập, chỉ tập trung học các môn sẽ thi tốt nghiệp; thậm chí chỉ tập trung học các môn để lấy điểm theo tổ hợp vào ĐH, CĐ. Khi đó, việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện là không thể; việc cắt xén chương trình dễ xảy ra” - thầy Trần Văn Hân chia sẻ. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập794
  • Hôm nay36,019
  • Tháng hiện tại314,149
  • Tổng lượt truy cập51,670,108
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944