Tiếp đoàn công tác có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm – Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Phạm Minh Huấn – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; Vũ Đình Hưng – Giám đốc Sở GD&ĐT; Nguyễn Bá Đức – Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Trào.
Tỉnh sẽ có cơ chế để nhà trường phát triển
Báo cáo với đoàn công tác, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Trào Nguyễn Bá Đức cho biết, nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển với định hướng mở rộng hoạt động đào tạo.
Việc đầu tư, hỗ trợ để xây dựng Trường ĐH Tân Trào là trường hạt nhân trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng là cần thiết và phù hợp với lộ trình phát triển của nhà trường trong khu vực Tây Bắc.
Hằng năm, Trường ĐH Tân Trào đào tạo, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trên 13.000 sinh viên, học viên thuộc các lĩnh vực sư phạm, nông lâm nghiệp, kinh tế - quản trị kinh doanh, khoa học tự nhiên – môi trường, khoa học xã hội và nhân văn; văn hóa – du lịch, công tác xã hội, quản lý giáo dục…
Trên 70% sinh viên ra trường có việc làm, trong đó có những ngành đạt tỷ lệ cao, thậm chí là 100% như: Ngành Kế toán, Quản lý đất đai, Vật lý – Môi trường, các ngành Sư phạm Mầm non, Tiểu học…
5 năm qua, cán bộ, giảng viên nhà trường đã triển khai thực hiện và công bố gần 1.500 sản phẩm nghiên cứu khoa học, trong đó gần 30 sản phẩm là các đề tài dự án cấp Nhà nước, Quỹ Nafosted, các đề tài cấp bộ, cấp tỉnh và nước ngoài tài trợ;
Trên 800 bài khoa học, trong đó có trên 100 bài công bố trên tạp chí quốc tế xếp hạng ISI, Scopus; 150 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo được xuất bản. Thư viện nhà trường có trên 8.000 đầu sách với trên 150.000 bản.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm khẳng định, tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện để nhà trường thực hiện sứ mệnh: Phát triển nhân lực, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Tới đây, cạnh tranh trong đào tạo ngày càng lớn, do đó không nên đào tạo tràn lan các ngành nghề. Cần xác định có trọng tâm, trọng điểm và xác định các nhóm ngành nghề phù hợp với thực tế. Tỉnh sẽ có cơ chế để nhà trường phát triển.
Phát triển gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gợi ý, Trường ĐH Tân Trào cần kiện toàn ban lãnh đạo, Hội đồng trường theo tinh thần của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển ngắn hạn, trung hạn, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ngoài ra, cần rà soát các ngành nghề đào tạo để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, cần đổi mới quản trị đại học, quan tâm, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo phát triển nghề nghiệp.
Nhà trường cần có tầm nhìn, cán bộ, giảng viên phải có khát vọng vươn lên, từ bỏ tư duy "trường địa phương", để khẳng định thương hiệu nhà trường ngay trong vùng Tây Bắc. Vai trò của các thầy cô, đặc biệt là trưởng, phó khoa rất quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường.
Trao đổi với cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Tân Trào, Bộ trưởng nhấn mạnh: Giảng viên sư phạm cần đổi mới tư duy, hành động và cập nhật kiến thức mới, Chương trình giáo dục phổ thông mới để đào tạo giáo sinh.
Hiện nay, đang thực hiện bồi dưỡng giáo viên để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trường ĐH Tân Trào có thể kết nối với các trường ĐH Sư phạm thuộc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) nhằm bồi dưỡng, nâng chuẩn đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo cho địa phương.
Ngoài ra, Trường ĐH Tân Trào có thể tham gia nghiên cứu về xây dựng tài liệu giáo dục địa phương, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ trưởng gợi mở, Trường ĐH Tân Trào xây dựng chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2021-2030, trong đó cụ thể kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 có thể thành lập các nhóm "ngành" đào tạo để tập trung phát triển nguồn lực như: Sư phạm; Nông lâm nghiệp; Xã hội nhân văn, văn hóa và du lịch; Công nghệ thông tin; Kế toán – kinh tế quản lý.