Trường học chung tay tham vấn sức khỏe trong mùa dịch

Thứ ba - 10/08/2021 04:53 520 0
GD&TĐ - Thấu hiểu những khó khăn về mặt tâm lý của sinh viên, người dân trong đại dịch, nhiều trường đại học đã xây dựng các kênh tư vấn trực tuyến nhằm giải tỏa stress cho mọi người.
Trường học chung tay tham vấn sức khỏe trong mùa dịch

Quan tâm tới sức khỏe tinh thần của sinh viên

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, TPHCM buộc phải thực hiện kéo dài giãn cách xã hội, nhiều trường đại học trên địa bàn đã thành lập các tổ tư vấn tâm lý, fanpage, kênh tư vấn nhằm tháo gỡ, chăm sóc sức khỏe tâm lý cho sinh viên và cộng đồng.

Các kênh tham vấn và fanpage tư vấn tâm lý được duy trì và hoạt động thường xuyên, định kỳ theo ngày và tuần. Những vướng mắc, khó khăn về sức khỏe tâm lý, tinh thần của người dân và sinh viên khi được gửi về sẽ được phân loại và chuyển đến từng chuyên gia tư vấn.

Theo TS Tâm lý học Lê Minh Công - Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM, mọi người đều có thể gặp phải những khó khăn về sức khỏe tinh thần trong giai đoạn giãn cách xã hội. Khó khăn này đến từ việc khủng hoảng trong các mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè, thông tin độc hại từ mạng xã hội, khó khăn về tài chính. Với sinh viên là việc cách thức và phương thức học tập bị thay đổi.

“Đại dịch Covid giống như một sự kích hoạt cho những khủng hoảng đã có sẵn ở mỗi cá nhân. Vì vậy, việc được tham vấn, tháo gỡ những khúc mắc về tâm lý, sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Bởi chỉ khi tháo gỡ những áp lực, căng thẳng về mặt tâm lý, sức khỏe tinh thần, người đang có vấn đề về tâm lý mới có thể tự cân bằng lại cuộc sống” - TS Lê Minh Công chia sẻ.

Trường học chung tay tham vấn sức khỏe trong mùa dịch - Ảnh minh hoạ 2
TS Tâm lý học Lê Minh Công đang tư vấn cho người dân tại nhà.

Là người chịu trách nhiệm cho các buổi tham vấn tâm lý cho sinh viên trên fanpage của nhà trường, TS Tô Nhi A – giảng viên tâm lý – giáo dục Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: “Việc có những nỗi lo trong người là hết sức bình thường, nhưng chúng ta không được nuôi dưỡng chúng, mà phải có động thái cụ thể để không làm nỗi lo âu đó tăng lên, dẫn đến một số bệnh liên quan đến tâm lý.

Tôi luôn khuyên sinh viên cần có thái độ sống tích cực và cách lựa chọn, tiếp nhận hoàn cảnh thông minh, trên triết lý sống “Khi không thay đổi được hoàn cảnh thì ta thay đổi thái độ. Đó chính là chìa khóa chúng tôi muốn mọi người hiểu để tháo gỡ những vướng mắc tâm lý cho mình”.

Hiện nay, ngoài các fanpage, diễn đàn, kênh tư vấn tâm lý trên Facebook, nhiều trường còn có hẳn Trung tâm tư vấn hỗ trợ tâm lý. Đơn cử Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM có Trung tâm Thực hành Công tác xã hội là đơn vị trực tiếp phụ trách tham vấn, tháo gỡ mọi vướng mắc tâm lý, tinh thần cho sinh viên, người dân. Trường ĐH Mở TPHCM có Tổ Tư vấn Tâm lý do Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á của trường triển khai. Trường ĐH Văn Hiến có Trung tâm Tham vấn Tâm lý do Khoa Tâm lý đảm nhiệm.

Trường học chung tay tham vấn sức khỏe trong mùa dịch - Ảnh minh hoạ 3
Buổi tư vấn tâm lý trực tuyến của Trường ĐH Luật TPHCM.

Vì một cộng đồng khỏe mạnh

Những bất ổn tâm lý của sinh viên, người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài là điều được nhiều chuyên gia tâm lý hàng đầu cảnh báo từ đầu đợt dịch thứ 3 bùng phát. Sự bất ổn về tâm lý, rệu rã về thể chất và cả tinh thần không chỉ xâm lấn chủ thể là những người bị mắc bệnh Covid-19, nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, mà nó còn xâm lấn mạnh mẽ vào đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Theo ThS Xã hội học Lê Minh Tiến - giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM,  nhóm đối tượng này cần được tham vấn và chăm sóc sức khỏe tinh thần nhiều nhất. Bởi họ không chỉ chịu áp lực của công việc, đấu tranh với tử thần để giành giật lại sự sống, mà chính sâu thẳm trong tâm lý, họ cũng rất cần sự chia sẻ, đồng cảm để tháo gỡ những ức chế nội tại, cần sự “thả lỏng” tinh thần sau chuỗi ngày dài chịu áp lực nặng nề.

Thấu hiểu những tổn thương thầm lặng ấy, hiện nay không chỉ tư vấn, gỡ rối tâm lý cho sinh viên, các giảng viên, chuyên gia tâm lý, bác sĩ ở giảng đường đại học còn cùng nhau thành lập dự án tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân trong các khu vực cách ly, phong tỏa.

“Thông qua dự án này, chúng tôi sẽ tư vấn miễn phí về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Việc khám và tư vấn được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến với từng bước cụ thể cho người có nhu cầu cần hỗ trợ, tư vấn và chăm sóc sức khỏe tinh thần một cách tỉ mẩn và đầy đủ nhất” - TS Lê Minh Công.

“Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” là dự án vừa được TS Tâm lý học Lê Minh Công cùng nhiều đồng nghiệp thực hiện. Theo TS Công, dự án quy tụ đồng nghiệp giỏi và tâm huyết là các bác sĩ tâm thần kinh, tâm lý và tâm thần học ở các bệnh viện lớn.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng có mô hình tư vấn và hỗ trợ tinh thần cho người dân ở khu cách ly với tên gọi tên “PsyCare - Chăm sóc tinh thần mùa Covid”. GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tham gia tư vấn, người dân sẽ được các chuyên gia tư vấn, tham vấn, can thiệp trực tiếp để tháo gỡ những vướng mắc về sang chấn tâm lý.

““PsyCare - Chăm sóc tinh thần mùa Covid” qua chuỗi video với các chủ đề khác nhau được gửi đến điện thoại người dân mỗi ngày. Các chuyên gia cũng hỗ trợ tư vấn tâm lý - chăm sóc tinh thần cho người dân qua Zalo, qua fanpage 24/7. Bên cạnh đó là hỗ trợ nâng đỡ tinh thần qua cẩm nang dạng bỏ túi phát cho cá nhân và khổ A1 dán tại khu cách ly, phong tỏa” - GS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Tương tự, để “vỗ về” những tổn thương tâm lý mà người dân đang phải gánh chịu, TS Tâm lý Hoàng Minh Tố Nga - giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM cũng khởi xướng dự án “Hỗ trợ tham vấn tâm lý trong mùa dịch” để tham vấn, tháo gỡ những rối nhiễu về tâm lý, sức khỏe tinh thần cho những ai bị stress trên trang Facebook cá nhân.

Theo TS Nga, từ khi triển khai chương trình đến nay, mỗi ngày cô nhận được rất nhiều câu hỏi cần tư vấn của người dân. Tình trạng chung là stress, lo âu, căng thẳng. Những căng thẳng, lo âu đến từ việc nghỉ dịch quá lâu, mất việc, làm việc không lương, giảm lương hay do phải ở nhà trong không gian chật hẹp, sợ lây bệnh, con cái quấy rầy không làm được việc…

“Ai cũng có thể gặp khó khăn nhưng việc có quyết định để mình mắc kẹt tại đó hay không lại là lựa chọn của mỗi người. Chúng ta có thể chọn lựa thay đổi nhưng nếu không được có thể yêu cầu sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn để tháo gỡ. Tuyệt đối đừng để bản thân mình rơi và trạng thái bất lực, chán nản và thấy cuộc sống tồi tệ. Hãy tập kỹ thuật thư giãn và nghĩ đến những điều tích cực. Mở lòng mình ra để xem nhu cầu thực sự sâu bên trong là gì. Sẵn sàng nhận sự giúp đỡ nếu cần” - TS Nga nhắn nhủ. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập670
  • Hôm nay40,478
  • Tháng hiện tại318,608
  • Tổng lượt truy cập51,674,567
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944