Khoảng 84% học sinh MN-THCS đi học
Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Điện Biên có 508 trường mầm non, phổ thông với tổng số 194.560 học sinh, trong đó phần nhiều là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới, miền núi. Dù đã chuẩn bị điều kiện vật chất, trang thiết bị để phòng, chống dịch, song trong ngày học thứ 2 sau đợt nghỉ dịch, có khoảng 84% học sinh từ MN đến THCS đến lớp.
Tại huyện vùng cao, biên giới: Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, việc vận động học sinh đến lớp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Huyện Mường Chà là địa phương có số học sinh ra lớp thấp nhất trong ngày học thứ hai với tỷ lệ đạt khoảng 77%.
“Trước khi cho học sinh đi học trở lại, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện tổ chức họp trực tuyến với các xã trên địa bàn. Ngoài công tác tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách phòng, tránh dịch bệnh, chúng tôi còn lồng ghép tuyên truyền vận động đưa học sinh đến lớp.
Qua đó, cấp ủy, chính quyền các xã thành lập các tổ công tác đến từng nhà học sinh vận động phụ huynh đưa con em đến lớp. Tuy nhiên, bậc học THCS, các em có thể đỡ đần bố mẹ công việc của gia đình nên một số em vẫn chưa đến lớp. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã vận động gia đình đưa con đến trường”, ông Nguyễn Văn Long, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Chà chia sẻ.
Ở huyện biên giới Nậm Pồ - địa phương có nhiều trường, lớp học bị thiệt hại do mưa dông trong những ngày qua, song đến sáng ngày 28/4, số học sinh đến trường đạt trên 90%.
“Chúng tôi đang lo, vì học sinh đến lớp song chỉ được học một buổi/ngày. Buổi còn lại tự do. Vì thế, việc quản lý học sinh rất khó khăn. Nhiều em nhà xa, gần chục cây số không thể về nhà, nên các trường quản lý sẽ vất vả”, bà Hoàng Ngọc Bích, Phó phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ chia sẻ.
Lo bữa ăn, chỗ ở sạch sẽ cho trò
Ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ, cho biết: 23 trường phổ thông dân tộc bán trú có học sinh ăn, ở tại trường theo quy định Nghị định 116 đã tổ chức đón học sinh về trường. Không chỉ lo bố trí nơi ăn, chỗ ở cho 7.737 học sinh bán trú theo chỉ đạo của UBND tỉnh và quy định giãn cách để phòng, chống dịch bệnh, các trường có học sinh bán trú ở Nậm Pồ còn phân công giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em vệ sinh thân thể, giữ gìn đồ đùng học tập, đồ dùng cá nhân đảm bảo vệ sinh.
Cũng theo ông Thuận, ngày 28/4, tỷ lệ học sinh đến trường tiếp tục tăng, đạt hơn 90%. Số học sinh chưa thể đến trường là do nhà xa. Các trường học trên địa bàn đang nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền các xã vận động phụ huynh sớm đưa con em đến lớp.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa trao đổi: Huyện có 42 trường học các cấp trực thuộc phòng, trong đó 19 trường phổ thông dân tộc bán trú với 5.959 học sinh ăn, ở tại trường. Để bảo đảm chất lượng thực phẩm, bữa ăn đủ dinh dưỡng cho học sinh, phòng yêu cầu ban giám hiệu các trường giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập về hàng ngày. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho học sinh.