Trường học thích ứng tích cực trong bình thường mới

Thứ sáu - 15/04/2022 18:45 191 0
GD&TĐ - Bước sang tuần thứ 2 học sinh tiểu học nhiều địa phương trở lại trường học đã ghi nhận sự thích ứng tích cực.
Trường học thích ứng tích cực trong bình thường mới

Các trường có nhiều nỗ lực trong việc duy trì sĩ số, linh hoạt dạy học để về đích đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng.

Thích ứng trong bình thường mới

Tại Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (huyện Phú Bình, Thái Nguyên), cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng, cho biết: Bước sang ngày thứ 6 học trực tiếp cho thấy học sinh nắm được kiến thức cơ bản, tuy nhiên do học trực tuyến thời gian dài, hiệu quả chưa bằng trực tiếp nên giáo viên vẫn phải quan tâm đến một số em trên lớp.

Cụ thể, với học sinh lớp 1 hạn chế về chữ viết. Nhiều em kỹ năng viết chưa vững nên tốc độ viết chậm, chữ xấu, sai dòng và cỡ chữ. Với học sinh lớp 2, do có thời gian được học trực tiếp nhiều hơn nên nét cơ bản, độ cao… đã nắm chắc nhưng do thiếu sự kèm cặp và rèn luyện sát sao tại lớp nên có tình trạng chữ viết xấu. Môn Toán, phần cộng trừ theo hàng ngang, dọc làm tốt nhưng cách đặt phép tính và thực hiện bài giải còn khó khăn…

Theo cô Thanh, do trường triển khai dạy học 2 buổi/ngày nên dạy kiến thức mới buổi sáng, buổi chiều bổ sung kiến thức cũ, rèn kỹ năng đọc, viết, làm toán… “Thời gian đầu, học sinh trở lại học tập trực tiếp, ban giám hiệu chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch và bài giảng trên tinh thần giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng và làm sao để việc học thoải mái, nhẹ nhàng nhất. Việc bù lấp kiến thức không quá vội vàng, dồn ép khiến học sinh áp lực, “hụt hơi” khi học tập. Để học sinh học tập, hoàn thiện kiến thức kỹ năng… phải bắt đầu từ giúp trẻ thích học, vui vẻ trở lại trường lớp…”, cô Thanh trao đổi.

Bước sang tuần thứ 2 học trực tiếp, tỷ lệ chuyên cần của học sinh Trường Tiểu học Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội) đạt 93%. Số học sinh nghỉ học đều thuộc diện F0 phải cách ly tại nhà và còn một số ít phụ huynh gửi đơn xin học online bởi chưa yên tâm cho trẻ tới trường. Với thực tế này, trường đã tổ chức mỗi khối một lớp học online để học sinh dù ở nhà vẫn được học song song chương trình trên lớp.

Theo cô Vũ Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, học trực tuyến thời gian dài nên chất lượng không thể đạt như dạy học trực tiếp. Thực hiện chỉ đạo chung của toàn quận Ba Đình, trường dừng dạy kiến thức mới ở tuần 29 để giáo viên ôn tập lại kiến thức bị hổng, giúp các em làm quen trường lớp (đặc biệt học sinh khối 1). Do đó, việc dạy học sẽ chậm 1 tuần so với chương trình chung.

Cô Hoa khẳng định: “Việc chậm lại 1 tuần là cần thiết, bởi học sinh cần có 1 tuần làm quen nền nếp, củng cố kiến thức. Việc kết thúc năm học cũng không vì thế bị chậm bởi các trường có thể linh hoạt trong dạy học và thời gian kết thúc…”.

Tại Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây, Hà Nội) gần 100% học sinh tham gia học trực tuyến nên nội dung chương trình, tiến độ được duy trì. Do đó, khi trở lại học trực tiếp, nhà trường đã sắp xếp thời khóa biểu “bắt nhịp” ngay vào chương trình chứ không dừng lại để dặm kiến thức cũ.

Tuy nhiên, cô Khuất Thị Nga, Hiệu trưởng, cho hay: Quá trình dạy học trực tiếp trường vẫn yêu cầu giáo viên quan tâm củng cố kiến thức trọng tâm. 15 phút đầu giờ, giáo viên sẽ rà soát lại kiến thức học sinh để nắm bắt thực tế. Các em “hổng” kiến thức nào sẽ củng cố trong quá trình dạy học.

Trường học thích ứng tích cực trong bình thường mới - Ảnh minh hoạ 2
Trường Tiểu học Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội) dành thời gian tuần đầu tiên để giúp học sinh làm quen trường lớp, củng cố kiến thức (học sinh được giới thiệu phòng vệ sinh). Ảnh: NTCC

Linh hoạt trong tổ chức, dạy học

Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn chỉ có 11 F0/5 khối. Tình hình dịch trên địa bàn được kiểm soát tốt nên trường dự định sẽ triển khai cho học sinh khối 5 tham quan di tích lịch sử ở tiết học ngoại khóa.

“Việc dạy học kiến thức, kỹ năng sau thời gian dài học trực tuyến trong điều kiện cho phép (gần trường, chỉ tổ chức khối 5, làm tốt công tác phòng dịch) cần được đổi mới để mang lại hứng khởi, hiệu quả hơn trong học tập của học sinh chứ không nhất thiết bó hẹp ở phạm vi lớp học”, cô Vũ Thị Thanh chia sẻ.

Cũng căn cứ thực tế dịch bệnh tại trường lớp, địa phương, cô Khuất Thị Nga trao đổi: Từ ngày đầu tiên trở lại trường đến nay phát hiện 4 học sinh F0 ở các khối lớp và kéo theo khoảng 20 F1. Do đó, bước sang tuần thứ 2 trường vẫn chưa đưa hoạt động ngoại khóa vào triển khai bởi sợ mất an toàn sức khỏe cho học sinh. Việc học tập và giải lao vẫn được khoanh vùng theo khối, lớp.

Cô Nga cũng cho biết: Học sinh của nhà trường thuộc xã nông nghiệp, bán kính giữa nhà và trường học khá xa (có học sinh đi học xa 5km) và số đông tự đi xe đạp tới trường, số lượng đăng ký bán trú ít bởi phụ huynh chưa yên tâm về dịch bệnh… nên trường chưa tổ chức dạy học trực tiếp 2 buổi/ngày như các trường ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, sang tuần tới việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ được cân nhắc trên tình hình thực tế. Nếu làm được như vậy, sẽ có thêm buổi 2 để củng cố kiến thức cho học sinh trước khi kết thúc năm học.

Thời gian từ nay đến kết thúc năm học không dài, song việc tổ chức buổi học thứ 2 hay bán trú sẽ linh hoạt theo tình hình thực tế dịch bệnh và yêu cầu của phụ huynh. Chia sẻ điều này, theo cô Trần Thị Hơi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình), dù khó khăn, vất vả hơn khi học sinh trở lại học trực tiếp nhưng nhà trường và thầy cô đều nỗ lực hết mình, tận dụng tối đa thời gian giúp học sinh học tập hiệu quả, nâng cao kiến thức… Bù đắp những thiệt thòi trong quá trình học tập trực tuyến của học sinh.

Bước sang tuần thứ 2, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên lớp 2 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận thấy học sinh nào học tốt trong quá trình học trực tuyến thì kiến thức và sức học vẫn bảo đảm, chỉ một số ít học sinh khó nhớ, hổng kiến thức nên có sự nhầm lẫn trong quá trình học trực tiếp. Vào các tiết tự học, giáo viên sẽ phân loại học sinh để bù kiến thức trọng tâm bị hổng. Số học sinh diện F0 (3 em) được học tại nhà song song với các bạn trên lớp. Số học sinh F1 được giáo viên khoanh vùng và sắp xếp ngồi tách riêng trong quá trình học trực tiếp tại lớp.

Tác giả bài viết: Đức Trí 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1143 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2930 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập424
  • Hôm nay71,700
  • Tháng hiện tại349,830
  • Tổng lượt truy cập51,705,789
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944