Trường mới ở bản Phá

Chủ nhật - 20/09/2020 21:51 301 0
GD&TĐ - Bà con bản Phá, xã Tam Văn, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) chưa bao giờ vui như vậy. Họ vui, vì năm học mới, con em của bản được học trong ngôi trường khang trang.
Trường mới ở bản Phá

Lần đầu tiên có trường kiên cố

Trong chuyến công tác những ngày cuối tháng 8, gặp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tam Văn Phạm Văn Nhị, hồ hởi cho biết: “Bản Phá đã có trường kiên cố rồi. Nếu anh em không sợ leo dốc, thì xin mời về bản chung vui với bà con và thầy, trò ở đây. Lịch sử bản Phá chưa bao giờ có ngôi trường mới, kiên cố như vậy đâu. Vui lắm!”.

Lối về bản Phá giờ đây đã được đổ bê tông phẳng lì. Chỉ có điều, phải vượt qua nhiều đoạn dốc dựng đứng và những khúc cua “tay áo”. Ở điểm trường bản Phá, những tốp thợ đang khẩn trương hoàn tất công đoạn cuối cùng, để sớm bàn giao công trình cho địa phương. Nhìn khu trường tiểu học và mầm non được xây dựng kiên cố, lợp mái tôn đỏ au, ai cũng rạng rỡ. Ở một bản xa xôi, khó khăn như vậy, mà có khu trường học đẹp đẽ, khang trang là tốt lắm rồi. Bao đời nay, người dân và học trò ở đây chưa bao giờ được nhìn thấy một ngôi trường đẹp như thế!

Những người già ở bản Phá bảo rằng: Từ ngày lập bản, bao nhiêu thế hệ học sinh ở đây phải học trong điều kiện khó khăn, vất vả. Thậm chí, các cháu ở độ tuổi mầm non phải học trong nhà văn hóa bản, bằng tranh tre, nứa lá. Mùa hè nóng bức vì không quạt mát, mùa đông rét căm căm và thiếu ánh sáng...

Cụ Hà Văn Êu (80 tuổi) bảo rằng: Từ ngày lập bản đến nay, chưa bao giờ con, cháu của cụ được đến trường học mà vui vẻ, sung sướng như vậy. “Khi mới nghe nói được Nhà nước đầu tư xây dựng trường kiên cố cho bản, ai cũng mừng. Từ nay trở đi, các cháu không phải chịu khổ sở trong những buổi học nữa. Năm học mới này, các cháu sẽ được học trong ngôi trường sạch sẽ, đẹp đẽ rồi. Già cũng nhiều tuổi rồi, nhưng thấy các cháu được đi học cái chữ mà không phải lo chạy lũ, không còn lo ướt quần áo, sách vở khi ngồi học nữa là mừng rồi”.

Anh Lương Văn Toán, nhà ở gần điểm trường Mầm non bản Phá chia sẻ: “Chúng tôi mừng cho các con, vì từ nay không còn phải học trong những gian nhà tranh tre, nứa lá nữa. Trước kia, cứ mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới, thầy cô giáo lại phải đến từng nhà, kêu gọi phụ huynh đi chặt luồng, tre để chung tay dựng trường. Nhà nào ở bản mà có nhân lực, đều cắt cử người ra giúp đỡ nhà trường. Có những năm, khi chuẩn bị vào năm học mới, cả khu phòng học bằng tranh, tre bị hư hỏng hết. Vậy là, bà con trong bản lại xúm tay vào với thầy, cô giáo dựng lại nhà, lấy chỗ cho các cháu học. Bây giờ thì bà con dân bản yên tâm rồi”. 

Ông Lương Văn Thái – Trưởng bản Phá, tâm sự: “Tôi làm trưởng bản từ năm 1997 đến nay, chưa bao giờ thấy Nhà nước đầu tư cho bản một khu trường khang trang như vậy. Bây giờ, có trường học kiên cố, chắc chắn như vậy rồi, bà con trong bản sẽ yên tâm hơn khi mùa mưa, mùa đông giá rét hay mùa hè nóng nực làm ảnh hưởng đến các cháu”.

Cũng theo ông Thái, hai điểm trường Tiểu học và Mầm non bản Phá nằm bên sườn đồi. Trước kia, do chưa có trường kiên cố, nên mỗi khi vào mùa mưa lũ, nước ở trên đồi dồn xuống, khiến cho khu trường lầy lội, trơn trượt. Thầy, cô giáo của khu Tiểu học cũng vô cùng vất vả. Phòng học của các cháu và phòng ở của thầy, cô đều thiếu. Khu bếp nấu cũng tạm bợ, nên thầy, cô giáo nào phải ở lại trường vất vả lắm. Bây giờ, Nhà nước đã xây dựng cầu treo vượt qua sông Âm. Đường từ cầu treo lên bản cũng đã được bê tông hóa, nên bà con có thể đi xe máy đến tận bản. Việc giao thương giữa bà con trong bản với bên ngoài thuận tiện hơn. Mùa mưa lũ không bị chia cắt bởi dòng sông Âm. Trẻ con đi học cấp 2, cấp 3 cũng không phải nghỉ học giữa những ngày mưa lũ... Vì vậy, cuộc sống của bà con trong bản ngày càng được cải thiện.  

Bà Nguyễn Thị Quế - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Văn cho biết: Tại khu lẻ bản Phá, có 50 cháu ở độ tuổi mầm non. Hàng ngày, các con được 2 cô giáo nuôi dạy, chăm sóc. Tuy nhiên, so với định biên, hiện nay điểm trường này còn thiếu 2 giáo viên nữa. Trong khi đó, nhà trường đang phải tự thuê thêm một người nấu ăn, để phục vụ các con học bán trú.

Trường mới ở bản Phá - Ảnh minh hoạ 2
Công trình điểm trường Tiểu học bản Phá đã được đầu tư xây dựng.

Còn trăn trở

Hôm dẫn chúng tôi lên bản Phá, ông Phạm Văn Nhị - Chủ tịch UBND xã Tam Văn, bảo rằng: “Bản Phá có 101 hộ, với 498 nhân khẩu. Bà con ở đây đa số là đồng bào dân tộc Thái. Mấy năm nay, cuộc sống của người dân bản Phá đã thay đổi đáng kể, vì có cầu treo bắc qua dòng sông Âm. Đường giao thông lên bản cũng đã được bê tông hóa. Nhờ đó, người dân bản Phá không còn phải chịu cảnh chia cắt với bên ngoài mỗi khi nước sông Âm dâng cao. Trẻ em ở bản đã được đến trường học cái chữ đầy đủ hơn trước...”.

Cũng theo Chủ tịch Phạm Văn Nhị, do địa hình bản Phá nằm dọc con suối, dựa lưng vào hai sườn núi, lại tách biệt với bên ngoài, nên rất ít diện tích đất trồng lúa. Bà con chủ yếu dựa vào sản xuất lâm nghiệp. Cả bản có hơn 1.140 ha đất tự nhiên, nhưng trong đó đã có tới 662 ha đất sản xuất lâm nghiệp, gần 500 ha đất quản lý, bảo vệ rừng và chỉ có 12 ha đất nông nghiệp. Ngành nghề dịch vụ, tiểu thu công nghiệp... không có, nên kinh tế không phát triển được. “Theo thống kê, hiện nay ở bản Phá cũng đã có nhiều hộ thoát được nghèo. Nhiều gia đình hàng năm có thu nhập khá lên nhờ phát triển kinh tế đồi rừng, như: Trồng keo lấy gỗ, phục tráng rừng luồng... Thế nhưng, hiện tại, bản Phá cũng còn tới một nửa số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo”, ông Nhị nói.

Nói về chuyện học hành của con, em địa phương, Chủ tịch Nhị, chia sẻ: Ở Tam Văn, cơ bản các điểm trường lẻ đã được kiên cố hóa. Điểm trưởng bản Phá là nơi cuối cùng được Nhà nước đầu tư xây dựng khu Mầm non kiên cố theo Chương trình 135. Còn điểm trường Tiểu học, trước kia vốn có một dãy nhà, với 3 phòng học cấp 4, nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Vừa rồi, Tập đoàn OPPO tài trợ 1 tỷ đồng, để xây dựng thêm 2 phòng học kiên cố, 1 phòng họp, 1 bếp và phòng 2 phòng công vụ. Bên cạnh đó, sửa sang lại 3 phòng học cũ, làm lại sân, ốp đá bậc tam cấp, làm đường vào trường....

Trường mới ở bản Phá - Ảnh minh hoạ 3
Phòng học Mầm non bản Phá với diện tích sử dụng chỉ rộng hơn 56m2.

Ông Tống Văn Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tam Văn, cho hay: Ở khu lẻ bản Phá, hiện có 52 học sinh, 8 giáo viên (trong đó 5 giáo viên chủ nhiệm và 3 thầy giáo đặc thù). Trước kia, do thiếu phòng học, giáo viên không có nơi ở, nên rất khó khăn, vất vả. Học sinh 5 lớp phải học chia ca hoặc học ghép trong 3 phòng. Giáo viên ở thị trấn Lang Chánh phải đi về trong ngày vô cùng vất vả. “Hơn nữa, lúc bấy giờ, cầu treo vượt sông Âm chưa có, đường lên bản Phá cũng chưa được bê tông hóa. Nhiều thầy giáo phải ở trọ lại nhà dân, để bám bản, bám trường. Năm học mới 2020 - 2021 này, nhờ được hỗ trợ, mà trường, lớp học và nhà công vụ đã khang trang. Thầy, trò không còn phải chịu cảnh cơ cực như trước nữa”, ông Thủy bộc bạch.

Ông Lê Minh Thư - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những nhà hảo tâm, đã tài trợ cho công trình điểm trường Tiểu học ở bản Phá (Tam Văn). Tuy nhiên, bên cạnh đó, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh cũng trăn trở về công trình điểm trường Mầm non ở bản Phá. Dù rằng, Chương trình 135 của Nhà nước đã đầu tư gần 1 tỷ đồng, để xây dựng nhà học mầm non kiên cố theo quy chuẩn. Hiện nay điểm trường này vẫn thiếu khu bếp nấu ăn cho các cháu học bán trú. Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với Ban Quản lý xây dựng của huyện, lập tờ trình đề nghị cấp trên tìm nguồn vốn, đầu tư xây dựng thêm khu nhà bếp. 

Ông Phạm Hùng Sâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lang Chánh (đơn vị làm chủ đầu đầu tư công trình điểm trường Mầm non bản Phá), cho biết: Công trình này thuộc diện Chương trình 135, với số vốn đầu tư là 996 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 5 triệu đồng. Công trình này được thiết kế một phòng đổ mái bằng, có mái tôn chống nóng. Tổng diện tích sử dụng là 103,80m2, trong đó phòng học có diện tích 56,5m2. Còn lại là phòng kho, vệ sinh, hành lang, tam cấp... Bước vào năm học mới 2020 - 2021, công trình này sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, công trình Trường Mầm non bản Phá dù được đầu tư xây dựng kiên cố như vậy, nhưng với một căn phòng 56,5m2, để rồi phải “nhồi nhét” 50 học sinh mầm non vào học, liệu có phù hợp? Lý giải việc này,  ông Nguyễn Xuân Hồng – Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, nói: “Công trình điểm trường Mầm non bản Phá, được đầu tư, thiết kế xây dựng theo mẫu chuẩn. Do đó, công trình được áp dụng đơn giá xây dựng theo Quyết định 247/QĐ-UBND, ngày 20/1/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Còn vấn đề thiếu khu bếp nấu ăn, tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tờ trình, để huyện tìm phương án xây dựng thêm công trình bếp cho nhà trường”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập612
  • Hôm nay45,977
  • Tháng hiện tại324,107
  • Tổng lượt truy cập51,680,066
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944