Trường vùng khó bằng mọi cách lo đủ sách giáo khoa cho học sinh

Thứ tư - 23/06/2021 18:36 232 0
GD&TĐ - Hơn 2 tháng nữa, HS bước vào năm học mới. Với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho HS (đặc biệt HS khối 1, 2 vùng khó khăn) các địa phương, nhà trường đang nỗ lực hết sức để đảm bảo SGK cho HS.
Trường vùng khó bằng mọi cách lo đủ sách giáo khoa cho học sinh

Nỗ lực đủ sách cho HS vùng khó

Thầy Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH xã Mậu Long (Yên Minh – Hà Giang) cho biết: Gần 40% HS của trường thuộc diện được cấp miễn phí. Tuy nhiên còn hơn 60% HS thuộc diện khó khăn cần được hỗ trợ.

Mới đây, Phòng GD&ĐT Yên Minh đã yêu cầu lập danh sách để đề xuất hỗ trợ sách SGK. Song việc trang cấp hoàn toàn cho 60% HS này khó có thể đạt được bởi huyện còn khó khăn, nhiều trường trong huyện có đông HS cần được hỗ trợ. Để đảm bảo cho HS (đặc biệt HS khối 1, 2) đủ SGK để học tập nhà trường đã tính đến nhiều phương án hỗ trợ.

Trước hết, nhà trường sẽ tính toán sát sao những đầu sách, thiết bị học tập cần thiết, bắt buộc để tư vấn cho phụ huynh mua theo. Dự tính cả SGK và thiết bị đồ dùng học tập cao nhất chỉ vào 170 nghìn đồng để đảm bảo khả năng chi trả.

Mặt khác, trường ứng trước kinh phí đặt mua SGK theo đăng ký của phụ huynh rồi thu sau. Trong trường hợp, gia đình quá khó khăn không thể hoàn trả nhà trường sẽ dùng khoản kinh phí tiết kiệm từ các hoạt động trong năm để hỗ trợ.

“Năm học 2020 – 2021, trường hỗ trợ gần 20 triệu để mua SGK cho HS có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện được trang cấp. Dù còn thiếu thốn nhưng nhà trường bằng mọi cách sẽ đảm bảo cho HS có đủ đầu sách quan trọng và thiết bị học tập dùng riêng (SGK Toán, Tiếng Việt, bảng viết, vở…)…” – thầy Tường cho biết.  

Cũng theo chia sẻ của thầy Phạm Văn Tường, quá trình thay SGK mới, BGH nhà trường đã xác định hỗ trợ HS trong việc mua sắm SGK và đồ dùng học tập ít nhất trong vòng 5 năm để đảm bảo mọi HS có sách, không HS nào phải học “chay”. 

Việc xã hội hóa từ địa phương cho việc trang cấp thiết bị dạy học, SGK cho HS hiện nay rất khó khăn, 100% HS dân tộc, gia đình làm nương rãy… nên cách tốt nhất vẫn là trích từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi tiêu nhà trường.

Trường vùng khó bằng mọi cách lo đủ sách giáo khoa cho học sinh - Ảnh minh hoạ 2
Đảm bảo cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa

Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) chia sẻ: Năm học trước 100% lớp 1 được hỗ trợ về SGK mới. Để chuẩn bị cho năm học 2021- 2022, nhà trường cũng đã lập danh sách HS khối 2 gửi lên Phòng GD&ĐT xin hỗ trợ SGK. Vì nằm ở vùng đặc biệt khó khăn nên khả năng hỗ trợ SGK cho 100% HS rất lớn, việc đủ SGK cho HS được đảm bảo.

Tuy vậy, theo thầy Tùng: “Năm học trước trường triển khai bộ SGK lớp 1 Cánh Diều, năm nay tỉnh chọn lại chỉ còn vài môn tiếp tục dạy SGK Cánh diều, các môn chính như Toán, Tiếng Việt, Đạo đức chuyển sang bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Như vậy, sẽ cần một số lượng SGK mới thay thế SGK không dạy năm nay. Số SGK này nếu không được trang cấp bù thì chắc chắn sẽ phải huy động xã hội hóa để mua đủ SGK cho HS trước khi vào năm học mới…”.

Hiện nhà trường đang lên phương án, với 60% HS thuộc diện hộ nghèo có kinh phí trang cấp học tập thì sẽ trích ra để mua sắm. 40% HS không được hỗ trợ, sẽ huy động kinh phí của nhà trường, xã, các mạnh thường quân.

“Trường sẽ đảm bảo tối thiểu mỗi HS có đủ đầu sách các môn cơ bản (Toán, Tiếng Việt). Các môn có thể dùng chung có thể tận dụng 2-3 HS 1 cuốn. Các môn hoạt động ngoài giờ đảm bảo có đủ để GV tổ chức cho HS học tập. Dù khó khăn, phải xin mọi hướng nhưng BGH sẽ đảm bảo đủ SGK cho HS học tập…” - thầy Lê Quang Tùng khẳng định.

Tại vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), thầy Nguyễn Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Ly 1 cũng cho biết SGK cho HS năm học mới kể cả HS khối 1, 2 bước vào thay sách không còn là nỗi lo.

Lý do là 160 trên tổng số hơn 400 HS toàn trường thuộc diện khó khăn đã được hưởng chế độ cấp phát sách miễn phí của Chính phủ. Ngoài ra số HS thuộc diện thoát nghèo nhưng vẫn khó khăn sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ của Tỉnh. Như vậy gần như 100% HS đều có sự hỗ trợ về SGK đầu năm học mới.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn chuẩn bị sẵn sàng phương án hỗ trợ SGK cho HS thuộc diện thoát nghèo nhưng vẫn khó khăn bằng cách lấy SGK cũ từ nguồn “Tủ sách dùng chung” để hỗ trợ. Mặt khác, sẽ kêu gọi xã hội hóa giáo dục từ các phụ huynh và các thầy cô ủng hộ thêm.

“Bằng cách nào thì nhà trường cũng quyết tâm để HS có đủ SGK và không phải dùng chung. Đặc biệt HS khối 1, 2 dạy học theo CTGDPT mới, việc có đủ SGK càng cần thiết để triển khai hiệu quả…” – thầy Nguyễn Tiến Tùng trao đổi.

Trường vùng khó bằng mọi cách lo đủ sách giáo khoa cho học sinh - Ảnh minh hoạ 3
Các NXB đã sẵn sàng SGK phục vụ cho HS trước năm học mới. Ảnh minh họa

Phát huy quyền tự chọn của phụ huynh

Năm nay là năm học thứ 2 triển khai CTGDPT mới, với lớp 1 và lớp 2. Để đảm bảo đủ SGK cho HS nói chung và SGK lớp 1, 2, 6 nói riêng, NXBGDVN đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ SGK, đặc biệt là SGK lớp 1, 2, 6 mới tới HS cả nước.

Với SGK lớp 1, 2, 6 được các cơ sở giáo dục đăng ký với sở GD&ĐT các địa phương. Trên cơ sở đó, NXBGDVN phát hành SGK đến tận nhà trường. Ngoài ra, phụ huynh có thể mua sách tại cửa hàng thuộc hệ thống phát hành của NXBGDVN.

Như vậy, mua sách ở đâu, mua những loại sách tham khảo nào, phụ huynh đều có quyền tự quyết. Các nhà trường không phải là “kênh” duy nhất cung cấp được SGK cho PHHS.

Tuy nhiên, để tránh mua phải sách giả, sách in lậu, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng GV, PH, HS nên tìm mua sách tại các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối chính thức của NXB, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương. Không nên mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường. Bởi như vậy hoàn toàn có thể mua phải sách “lậu”, sách kém chất lượng.

Mặt khác, để phát huy quyền lựa chọn cho PHHS, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng các trường và đơn vị phát hành cần minh bạch, rạch ròi theo từng hạng mục: SGK; sách bổ trợ, tham khảo; thiết bị đồ dùng dạy học… để phụ huynh dễ theo dõi.

Không nên gửi cho phụ huynh danh sách SGK theo kiểu “combo” trọn gói. Nếu nhà trường ngăn cản hoặc làm khó, phụ huynh có thể phản hồi đến các cấp có thẩm quyền.

GS Đinh Quang Báo – Nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng: Trách nhiệm cung cấp thông tin về sách phải thuộc về các nhà trường. Phụ huynh HS nếu thấy khúc mắc, thông tin chưa rõ ràng, minh bạch cần có ý kiến, thậm chí có quyền từ chối mua SGK ở trường.

Nếu có bằng chứng rõ ràng về việc bán SGK “lèm nhèm” kèm sách tham khảo của nhà trường thì có thể tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT cần thiết lập đường dây nóng để phụ huynh có thể phản ánh kịp thời những thông tin về SGK mà họ nắm bắt được…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay9,659
  • Tháng hiện tại476,414
  • Tổng lượt truy cập51,832,373
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944