Báo cáo tại hội nghị, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc triển khai nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) trong Chương trình GDPT 2018 dựa trên các căn cứ pháp lý rõ ràng.
Trong đó có Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Luật Giáo dục 2019; Thông tư 32/2018 của Bộ GD&ĐT.
Theo quy định trên, nội dung GDĐP là một bộ phận không thể tách rời trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, được thực hiện từ lớp 1 - lớp 12. Cụ thể, ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong chương trình các môn học và Hoạt động trải nghiệm.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chia sẻ về thực trạng, giải pháp triển khai nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT 2018 thời gian qua. |
Ở cấp THCS và THPT, nội dung GDĐP có thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học (140 tiết đối với cấp THCS và 105 tiết đối với cấp THPT), có vị trí như một môn học độc lập, do địa phương chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn, thẩm định, trình Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu GDĐP.
Công tác in, phát hành tài liệu GDĐP còn những khó khăn, bất cập khác nhau ở mỗi địa phương. Việc in ấn, phát hành tài liệu GDĐP ở một số địa phương còn chậm, muộn; một số địa phương chưa thực hiện được do vướng mắc về công tác xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành.
Theo thống kê, đến nay mới có 19 tỉnh/TP đã in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP các lớp 1, 2, 3, 4 gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Thuận, Hậu Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Bình, Thanh Hóa, Yên Bái.
Đại biểu đến từ ngành Giáo dục các địa phương lắng nghe ý kiến tham luận tại hội nghị. |
Có 30 tỉnh/TP đã in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP lớp 1 và lớp 2. Tuy nhiên, đến nay phải dừng lại, không in ấn, phát hành được cả tài liệu GDĐP lớp 1, 2 và lớp 3, 4. Số tỉnh/TP chưa in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP là 14 đơn vị.
Đối với lớp 6, theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, năm 2021 và năm 2022 đã có 42 tỉnh in, phát hành được tài liệu lớp 6; có 21 tỉnh tổ chức dạy bằng bản điện tử định dạng PDF, chưa in, phát hành được tài liệu.
Tuy nhiên, từ năm 2022, có 12/42 tỉnh dừng in và phát hành tài liệu lớp 6 bao gồm: Bắc Giang, Bến Tre, Bình Dương, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Lai Châu.
TS Thái Văn Tài cũng thông tin, các Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho CBQL và giáo viên các khối lớp có tài liệu GDĐP được phê duyệt với các chuyên gia, báo cáo viên là các tác giả xây dựng tài liệu.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
"Ngành Giáo dục các tỉnh cũng hướng dẫn Phòng GD&ĐT trực thuộc tiếp tục triển khai nhiều chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn về dạy học tích hợp nội dung GDĐP; hoặc tổ chức hoạt động giáo dục theo các chủ đề GDĐP trong kế hoạch dạy học phù hợp điều kiện từng lớp học", TS Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Đào Thị Mai Sen - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho hay, đơn vị này đã tham mưu cho UBND tỉnh trong việc biên soạn, thẩm định, phát hành tài liệu GDĐP trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Công tác biên soạn, thẩm định tài liệu GDĐP với từng cấp học theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018. Bộ đã phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương các khối 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho cán bộ giáo viên các trường để triển khai thực hiện.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm triển khai tài liệu giáo dục địa phương. |
Bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh kiến nghị nên thẩm định rõ quy trình in ấn, phát hành và đảm bảo nhuận bút cho tác giả tham gia biên soạn tài liệu GDĐP. Bộ GD&ĐT cần tiếp tục đề xuất với Chính phủ có cơ chế riêng để thực hiện khâu phát hành, in ấn tài liệu GDĐP.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, dù chưa có điều kiện để in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP nhưng địa phương này đã photo một số tài liệu về giáo dục địa phương để đưa vào các nhà trường, đồng thời đưa cả phiên bản PDF để thầy trò cùng dạy và học.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận hội nghị. |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận đánh giá cao công tác tổ chức hội nghị, trực tiếp là Vụ Giáo dục Tiểu học. Đây là một việc khó nhưng vẫn phải làm, và làm một cách khoa học, toàn diện trên tinh thần cầu thị, xây dựng. Hội nghị cũng đã được lắng nghe 11 ý kiến tham luận của các đại biểu.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu, ngành Giáo dục các địa phương cần xác định đây là tài liệu bắt buộc. Quá trình biên soạn, in ấn, phê duyệt tài liệu GDĐP phải theo hướng đơn giản, có căn cứ pháp lý nhưng phải đúng quy định, hiệu quả. Các tổ chức/doanh nghiệp tham gia công tác biên soạn, in ấn, phát hành với mục tiêu là nhiệm vụ chính trị chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận.
Các đơn vị thuộc Bộ cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp với Vụ Giáo dục Tiểu học và có những góp ý thẳng thắn, cụ thể. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để có được tài liệu GDĐP đảm bảo đúng quy định và tiến hành giảng dạy cho học sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì tổng hợp kiến nghị của các Sở, từ đó đề xuất các giải pháp tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch công tác tập huấn về triển khai nội dung Giáo dục địa phương vào thời gian thích hợp.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ
Ý kiến bạn đọc