Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018

Chủ nhật - 18/11/2018 10:24 817 0
GD&TĐ - Tối 18/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Thay lời tri ân” năm 2018 với chủ đề "Cống hiến" để ghi nhận và tôn vinh các thầy cô khắp mọi miền tổ quốc đã vượt khó vươn lên, đóng góp cho những thành công của giáo dục nước nhà. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018
  • 22:23 ngày 18/11/2018

    Liên khúc Chắp cánh ước mơ, Ngàn ước mơ Việt Nam khép lại chương trình Thay lời tri ân năm 2018 với chủ đề Cống hiến. Lời bài hát một lần nữa thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn của những người thầy giáo, cô giáo đang ngày ngày âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người trên khắp mọi miền đất nước.

  • 22:12 ngày 18/11/2018

    Chia sẻ với khán giả, thầy Mai Văn Vân - Phó hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Văn Tố (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cho biết: Thầy có 36 năm cống hiến cho ngành Giáo dục. Thầy là một nhà giáo tận tụy, tâm huyết với nghề, hết mình vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp GD-ĐT vùng sông nước Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 2
     Thầy Vân về thăm trường cũ (Ảnh tư liệu).

    Thầy kể, khi đến xã An Thạnh 2 thì chưa có trường cấp 2, chưa có học sinh và cũng chưa có giáo viên. Để có học sinh, thầy đến các ấp vận động các em ra lớp. Sau nhiều ngày lặn lội, có 34 học sinh theo thầy vào lớp 6. Chưa có phòng học, thầy và trò phải đi xin cây, lá về dựng tạm một phòng học trên mảnh đất hoang.

    Để có bàn ghế, thầy đi xin cây tạp trong vườn của người dân như cau, dừa, bạch đàn,…về xẻ ra đóng bàn ghế. Riêng mình, thầy lấy cây cau xẻ ra đóng một liếp giường để làm chỗ ngả lưng vào ban đêm, mà phòng nghỉ của thầy cũng chính là phòng học của trò.

    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 3
    Thầy Vân và học sinh (Ảnh tư liệu).

    Thiết bị dạy học không có, sách giáo khoa cũng không, thầy lại sang tận Thị trấn Long Phú để xin. Từ Cù lao Dung sang Long Phú mỗi ngày chỉ có một chuyến đò và chỉ chạy theo con nước lớn, tầm từ quá nửa đêm đến 4 giờ sáng.

    Vậy là, gần nửa đêm, trong khi mọi người chìm vào giấc ngủ, thầy lại mò mẫm ra bờ sông ngồi chờ đò. Khi nghe tiếng tù và của nhà đò vang lên, thầy đốt đuốc lá dừa giơ lên cao làm tín hiệu để nhà đò biết mà tấp vào bờ đón khách.

    Trường lúc đó chỉ có 34 học sinh và một giáo viên là thầy nhưng vẫn phải dạy đủ các môn. Thầy lại đi tìm một giáo viên ở nơi khác đến dạy hợp đồng các môn khoa học xã hội, còn thầy chịu trách nhiệm các môn khoa học tự nhiên.

    Cứ thế, mỗi năm vận động được một lớp, xin cây lá dựng thêm một phòng học. Đến năm 1983, trường được UBND xã cấp cho một khu đất diện tích khoảng 1.000m2 và phụ huynh hỗ trợ vật liệu, dựng được 5 phòng học khang trang: Cột đúc xi măng, đòn tay bằng gỗ dầu, mái lợp lá, vách che bằng lá, nến vẫn là nền đất.

    “Khi nằm xuống chỉ mong một lần đi qua trường”. Đó là những lời tâm sự rất tâm huyết của thầy Vân. Thầy đã dành gần trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục vùng Cù Lao Dung. Có lẽ bao nhiêu lời tri ân cũng không kể hết công lao của thầy với các thế hệ học trò.

  • 22:02 ngày 18/11/2018
    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 4
    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao tặng hoa và thay mặt Công đoàn Giáo Dục tặng trường một ngôi nhà công vụ như lời động viên, tri ân.

    Nhân vật tiếp theo được mời giao lưu trong chương trình là thầy giáo Lưu Văn Hóa – người  20 dạy học ở ngôi trường nằm cheo leo trên đỉnh Tà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 5
    Thầy Lưu Văn Hóa. 

    Xã Trà Vân là một xã vùng trung của Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cách trung tâm huyện Nam Trà My 12 km, đèo dốc khó đi.

    Trường tiểu học Trà Vân có 7 điểm trường lẻ. Điểm trường lẻ Nóc Ông Ruộng thuộc ở Thôn 3 cách điểm trường chính khoảng 16 km.

    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 6
     Thầy giáo Lưu Văn Hóa giao lưu cùng chương trình.
    Năm học 2018-2019 điểm trường này có 3 lớp. Có 2 cô giáo và 1 thầy giáo đang ở lại điểm trường để giảng dạy.

    Thầy Lưu Văn Hóa. Sinh năm 1966, quê quán huyện Thăng Bình - Quảng Nam, công tác tại các trường trên địa bàn huyện được 20 năm, chưa có vợ.

    Các cô giáo ở điểm trường Nóc Ông Ruộng nói riêng và giáo viên ở trường Trà Vân đều gọi thầy với cái tên rất thân thương: Cả, Thầy Cả.

    Sự khâm phục, tôn trọng một đồng nghiệp gương mẫu, tận tụy; tình cảm thân thương với một người anh luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người trong trường đã khiến thầy Hóa có tên như vậy.

    Và gia đình lớn trong nhà trường cùng những đứa con là học sinh hồn nhiên, tinh nghịch đã khiến thầy Hóa thêm ấm lòng mỗi ngày đến trường, đến lớp.

  • 21:48 ngày 18/11/2018
    Đông đảo khách mời tham gia chương trình hòa cùng bài hát "Sống như những đóa hoa" 
    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 7
     

  • 21:46 ngày 18/11/2018
    Rơi nước mắt khi chia sẻ trên sân khấu đã mất đi đứa con vẫn còn chưa vẹn hình hài, cô Chung cho biết, sự động viên, tình cảm của đồng nghiệp đã giúp cô vượt qua nỗi buồn, mất mát, để tiếp tục đến trường, tiếp tục cống hiến.
    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 8
     

    Cái nắm tay thật chặt giữa cô và thầy Nguyễn Quang Diện trên sân khấu thể hiện sự đoàn kết, tình đồng nghiệp, chung một niềm tin, lý tưởng, làm nên sức mạnh giúp những người thầy có thể vượt qua mọi gian khó. Và sau nỗi buồn, sau những giọt nước mắt sẽ là nụ cười hạnh phúc…

  • 21:34 ngày 18/11/2018
    Chia sẻ câu chuyện của mình, cô Đinh Lệ Chung - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học An Lương đã khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt.
    Theo đó, khi lên dọn dẹp trường, vận động học sinh, cô Chung đang mang thai 4 tháng. Rồi chuyện không may đã xảy ra với cô...

    Khi phát hiện ra cô Chung gặp sự cố, 8 thầy đã phải thay nhau khiêng cáng cô Chung cả một chặng đường rừng 10 cây số, bước từng bước qua những những bậc thang gỗ bắc tạm ở những vách núi bị sạt lở để ra đến điểm có ô tô đón và đưa cô Chung đến bệnh viện.

    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 9
     

    Cô Đinh Lệ Chung đã mạnh mẽ vượt qua nỗi mất mát để sau 40 ngày trở lại với công việc giảng dạy của mình. Nhưng ắt hẳn, trước đó với cô đã có những giằng xé nội tâm rất lớn.

    Để học sinh được an toàn, để phụ huynh yên tâm gửi con đến trường lớp, không ít giáo viên đã hy sinh hạnh phúc riêng, rơi nước mắt cho những mất mát.

    Chỉ có tình yêu nghề, yêu trẻ, chỉ có đau đau niềm tin cống hiến mới khiến họ vượt qua những nỗi đau riêng để vì sự nghiệp chung như vậy.

    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 10
    Câu chuyện chia sẻ của cô Đinh Lệ Chung trên sân khấu gây xúc động mạnh với các đại biểu. 
  • 21:24 ngày 18/11/2018

    Là một trong những thầy cô tiêu biểu đầu tiên giao lưu với chương trình, chia sẻ những kỷ niệm thuyết phục học sinh đi học sau trận lũ, thầy Nguyễn Quang Diện - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học An Lương (Yên Bái) cho biết: Khi đó, các thầy cô ủng hộ đóng góp mỗi người 1 ngày lương cho những gia đình bị thiệt hại sau lũ và vận động họ cho con em đi học. Ở nhà không có cái ăn nhưng đến trường các cháu sẽ được ăn uống đầy đủ.

    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 11
     Thầy Nguyễn Quang Diện giao lưu với chương trình. 

    Tuy nhiên, khi đó ở trường chỉ có gạo, tất cả lương thực khô đều không có. Việc làm thế nào để có cái ăn khi học sinh đến trường là một thách thức lớn khi An Lương lúc đó đang bị cô lập. Lúc này, thầy Diện quyết định vận động các thầy giáo trong trường đi bộ gùi lương thực về cho các em học sinh. 

    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 12
    Một thầy giáo tái hiện hình ảnh gùi lương thực về cho các em học sinh ở An Lương.

    Hình ảnh các thầy gùi những bao lương thực hơn 30kg đi khoảng 30km trèo đèo, vượt lũ, băng rừng, đu dây leo vực thật vô cùng nguy hiểm.

    Sau 4 ngày các thầy đã gùi được hơn 2 tấn lương thực, đủ dùng cho các em học sinh hết tháng 9. Trong khi các thầy đi gùi lương thực thì các cô giáo ở trường trồng rau. Chỉ sau gần 1 tháng đã có rau xanh phục vụ cho các em học sinh đến khai trường.

    Trường PTDTBT tiểu học An Lương cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khoảng 24km, nếu đường xá thuận lợi như trước thì đi khoảng 1 tiếng là đến trường. Khi bị lũ phải đi phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ, trong đó chỉ có khoảng gần 10km có thể đi xe máy, còn lại là đi bộ.

    Nhiều đoạn đường bị sạt hẳn xuống như một cái hồ nhỏ, nên giáo viên phải đu dây mới vượt qua được. Mỗi giáo viên vào trường còn phải cõng gần 30kg lương thực, thực phẩm cho các em học sinh bán trú, vất vả không biết đâu kể hết.

    Mọi năm tầm 15/8 là học sinh tập trung đến trường, nhưng năm nay do tình hình mưa lũ nên tập trung muộn hơn, tầm 30/8 mới huy động các em học sinh đến trường thầy.

     
  • 21:14 ngày 18/11/2018
    Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Năm 2018 là năm thứ 5 ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
    Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế, nhưng ngành Giáo dục đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống cơ sở giáo dục-đào tạo phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở.
    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 13
     Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Chương trình "Thay lời tri ân" 2018.

    Giáo dục phổ thông đã có bước chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất. Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao qua kết quả đánh giá PISA và số lượng học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế tăng đều hàng năm. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện một bước. Lần đầu tiên chúng ta có 2 ĐH nằm trong nhóm 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn được quan tâm hơn...

    Đóng góp vào thành tích chung là sự quyết tâm, tận tụy, trách nhiệm, cống hiến hết mình của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành - những con người đảm đương sứ mệnh tiên phong và là lực lượng quyết định thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

    Bộ trưởng khẳng định: Dù ở đâu, vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển GD&ĐT. Có mặt trong chương trình hôm nay là những thầy cô tận tụy hết lòng vì học sinh; những giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi, những gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy học và nghiên cứu khoa học... Các thầy cô đại diện cho hàng triệu nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đang mỗi ngày tận tâm, tận lực, thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp giáo dục.

  • 19:46 ngày 18/11/2018
    Lời ca tự hào của bài hát “Bài ca người giáo viên nhân dân”, sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân đã mở đầu cho chương trình “Thay lời tri ân 2018” chủ đề Cống hiến tối nay.
    Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 14
     

    Lời bài hát “Sống như những đóa hoa” như nói hộ những thầm lặng cống hiến, âm thầm chịu đựng sự mất mát để tạo nên niềm vui đến trường cho các em học sinh của giáo viên trên mọi miền Tổ quốc.

    Họ sống như những đóa hoa

     Toả ngát hương thơm cho đời

     Sống với nỗi khát khao rằng 

     Được hiến dâng cho cuộc đời 

     Hôm nay dẫu có gian nan 

     Thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn”

“Thay lời tri ân” là chương trình ý nghĩa, được tổ chức hàng năm nhằm mục đích tôn vinh nghề dạy học, tri ân các thế hệ nhà giáo đã và đang lặng lẽ cống hiến cho đất nước, đảm nhận sự nghiệp “trồng người” cao cả.

Tham dự Chương trình "Thay lời Tri ân" 2018 có: Ông Hầu A Lềnh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Về phía Bộ GD&ĐT có GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc, Lê Hải An.

Tường thuật trực tiếp chương trình “Thay lời tri ân” 2018 - Ảnh minh hoạ 15
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến tham dự Chương trình  “Thay lời tri ân” 2018. 

Cùng tham dự chương trình còn có các đồng chí lãnh đạo đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các cơ quan thông tấn báo chí.

Đặc biệt, chương trình hôm nay có sự hiện của hơn 200 thầy cô giáo tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước.

Điểm nhấn của chương trình là giao lưu, trao đổi tọa đàm với những gương mặt nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho đội ngũ nhà giáo đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước. Đó là những thầy cô không quản khó khăn, quên mình để làm nghề, quên mình vì học sinh thân yêu.

Bên cạnh những câu chuyện cảm động, Chương trình còn có những phóng sự cảm động về nghề giáo và nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

“Thay lời tri ân” là hoạt động ý nghĩa trong chuỗi chương trình “Lễ tri ân, tôn vinh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu” năm 2018 được tổ chức vào 03 ngày 17,18,19/11/2018. Đây là hoạt động thiết thực của Bộ GD&ĐT để động viên, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của ngành.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam tối 18/11 và tường thuật trực tuyến trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử https://giaoducthoidai.vn/.

Tác giả bài viết: Báo GD&TĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1346 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1042 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập182
  • Hôm nay4,897
  • Tháng hiện tại14,387
  • Tổng lượt truy cập49,720,152
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944