Theo chia sẻ của lãnh đạo, giảng viên các trường đai học, công tác tuyển sinh năm 2020 là đặc biệt. Những thay đổi hiện nay là do tình hình bất khả kháng của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, các hoạt động GD-ĐT cũng bị ảnh hưởng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải lùi lại; cũng do tình hình dịch bệnh nên công tác tuyển sinh cũng phải có những điều chỉnh phù hợp tương ứng.
Trước mắt, theo dự kiến các trường, đa số vẫn xác định sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học, đồng thời kết hợp với các phương thức tuyển sinh đa dạng khác.
Kỳ thi THPT năm nay được đánh giá là cần thiết, nhằm đánh giá trên diện rộng chất lượng giáo dục phổ thông sau 12 năm. Quan trọng hơn, sau kỳ thi này, trên cơ sở dữ liệu điểm thi, Bộ GD&ĐT sẽ có khuyến cáo với các địa phương về các chính sách và phương pháp giáo dục phù hợp.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để các trường đại học thực thi quyền tự chủ, đặc biệt khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, tự chủ đại học sẽ giúp các trường phát triển mạnh hơn từ việc đầu tư cho chương trình, nghiên cứu khoa học và khẳng định thương hiệu. Tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, mỗi trường sẽ lựa chọn hướng đi phù hợp để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội…
Về phương án tuyển sinh của trường, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Trường ĐH Nam Cần Thơ cơ bản giữ các hình thức tuyển sinh như: Xét tuyển theo kết quả thi THPT năm 2020; Xét tuyển dựa theo kết quả học tập ở bậc THPT (học bạ THPT); Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực năm 2020 do các ĐH (hoặc các trường ĐH) tổ chức; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 do trường ĐH Nam Cần Thơ tổ chức (áp dụng đối với các ngành: Y khoa, Dược học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật xét nghiệm y học)…
“Tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng trên toàn cầu, trong đó có ngành Giáo dục. Như ở Mỹ, hoạt động giáo dục, tuyển sinh tại nhiều bang phải tạm dừng tới hết năm nay. Đối với nước ta, dịch bệnh làm gián đoạn việc học của học sinh hơn 3 tháng. Do đó, quy chế tuyển sinh năm nay có sự thay đổi, ứng phó linh động với tình hình dịch bệnh”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận xét.
Giáo sư Võ Tòng Xuân yên tâm với phương án tuyển sinh được Bộ GD&ĐT quy định trong quy chế. Cơ sở để khẳng định là sau khi Bộ công bố đề thi tham khảo có tính phân loại, các trường đã yên tâm khi có căn cứ xét tuyển. Luật Giáo dục Đại học đã trao cho các cơ sở giáo dục đại học quyền tự chủ. Đây là cơ hội để các trường khẳng định quyền tự chủ và phát huy những thế mạnh, ưu điểm cơ chế tự chủ.
Giáo sư Võ Tòng Xuân đánh giá cao khi các trường đại học chủ động trong công tác tuyển sinh. Đặc biệt là các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào. Kỳ thi này phản ánh được ước mơ của các thí sinh sẽ làm gì với ngành nghề muốn học, qua đó nhà trường có thể đánh giá kỹ năng sống và tinh thần học hỏi của người học.
“Quy chế tuyển sinh năm nay sẽ là cơ hội để các trường đại học khẳng định quyền tự chủ. Đặc biệt là tự chủ trong tuyển sinh thông qua nhiều hình thức linh hoạt. Nhà trường sẽ loại thí sinh ảo và chọn được những thí sinh thực sự có năng khiếu, đam mê và chọn đúng ngành nghề theo học. Theo phương án này, các trường sẽ chọn đúng đối tượng, xã hội ít tốn kém và giảm căng thẳng, không lãng phí thời gian như trước”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.