Năng lực số là khái niệm mới nhưng không phải bây giờ mới được nhắc đến. Khái niệm này càng được nhấn mạnh khi Bộ GD&ĐT xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ.
Việt Nam đã và đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số. Phần lớn các vị trí việc làm sẽ được số hóa. Vì thế, năng lực số được xem là yếu tố sống còn để đạt thành công trong học tập, nghiên cứu và làm việc của mỗi cá nhân theo khung tham chiếu toàn cầu về kỹ năng hiểu biết, kỹ thuật số.
Không ai phủ nhận, năng lực số ngày càng trở nên thiết yếu với giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Đó còn là “chìa khóa” để giới trẻ hội nhập quốc tế và có thể tham gia vào thị trường lao động mang tính toàn cầu.
Muốn vậy, chúng ta cần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực số phù hợp, khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số; trên hết là linh hoạt trước mọi biến đổi của thị trường lao động. Để đáp ứng yêu cầu này, trước tiên cần ý thức rõ tầm quan trọng của năng lực số đối với học sinh, sinh viên.
Vì thế, năng lực số cần được đưa vào chương trình giảng dạy các bậc học, nhất là giáo dục đại học trở lên với nhiều cấp độ tiếp cận khác nhau. Vấn đề này cần được xem như một trong những tiêu chuẩn, tiêu chí của chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ. Ngoài ra, cần thường xuyên có chương trình khảo sát, đánh giá năng lực số dựa trên khung năng lực số tương ứng với nhóm đối tượng cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 và Việt Nam được kỳ vọng đứng trong nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 30% GDP.
Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần những con người có tư duy phù hợp để sử dụng, vận hành công nghệ số; đồng thời linh hoạt trước mọi biến đổi của thị trường lao động. Thiết nghĩ, việc đầu tiên, lãnh đạo, nhà quản lý giáo dục và các bậc phụ huynh cần ý thức rõ tầm quan trọng của năng lực số đối với học sinh, sinh viên. Song chúng ta cần tạo ra môi trường giáo dục cởi mở, tạo điều kiện để người trẻ được chia sẻ, tìm kiếm những thứ cần thiết trên không gian số.
Khi học sinh, sinh viên sớm được trang bị và nâng cao năng lực số sẽ có những trải nghiệm để từng bước hình thành thói quen liên quan đến công nghệ số vào học tập, nghiên cứu, việc làm trong tương lai cũng như cuộc sống thường nhật.
Nói như GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), chúng ta cần có trách nhiệm trong việc đào tạo và ươm mầm một thế hệ “công dân số”. Thế hệ này có đầy đủ năng lực về công nghệ số; tham gia tích cực và trách nhiệm vào cộng đồng ở mọi cấp độ; được tham gia vào quá trình kép của học tập suốt đời và đề cao bảo vệ phẩm giá con người.
Tác giả bài viết: Hải Minh
Ý kiến bạn đọc