Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: Giáo án không nên dài đến hàng chục trang

Thứ bảy - 05/06/2021 21:09 335 0
GD&TĐ - Kịch bản tổ chức các hoạt động trong bài học là rất ngắn gọn. Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2 -3 trang/tiết. Một bài 2 tiết, kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: Giáo án không nên dài đến hàng chục trang

Thiết kế "kịch bản" tổ chức dạy học thế nào?

PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng: kịch bản tổ chức các hoạt động trong bài học cần ngắn gọn. Trong đó, giáo viên đưa ra các câu hỏi, hoặc câu lệnh rõ ràng về nội dung và sản phẩm (nhìn thấy) mà học sinh phải hoàn thành để giao việc và hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ cho học sinh thực hiện; không phải là chép lại nội dung (ngữ liệu, hình ảnh) từ sách giáo khoa hay các tài liệu khác. Vì vậy không thể và không cần dài nhiều trang đến thế.

Giải thích rõ hơn, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh là thực hiện "học qua làm". Khung kế hoạch bài dạy theo mẫu tại phụ lục của Công văn 5512 về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường nhằm gợi ý cho giáo viên cách thiết kế các hoạt động để giao cho học sinh "làm để học". Muốn vậy thì câu hỏi hoặc câu lệnh cần cho học sinh hiểu rõ phải làm gì, làm như thế nào và làm ra cái gì?

Vì vậy, đối với mỗi hoạt động định tổ chức, giáo viên phải xác định trúng: Mục tiêu, nội dung và sản phẩm. Giáo viên nêu rất ngắn gọn các yêu cầu này trong kế hoạch bài dạy.

Ví dụ, nếu giáo viên muốn giao cho học sinh khai thác một bài đọc trong sách giáo khoa thì phải xác định rõ: Đọc để làm gì? Đọc thế nào (làm gì trong khi đọc)? Sản phẩm sau đọc là gì (thông tin tìm được, trả lời câu hỏi)?

Sau khi đã xác định được câu hỏi/câu lệnh, giáo viên cần thiết kế "kịch bản" tổ chức dạy học với các hành động cụ thể: giáo viên giao việc, học sinh làm, học sinh báo cáo, giáo viên kết luận. Kịch bản này hoàn toàn do giáo viên chủ động, sáng tạo phù hợp với nội dung và đối tượng học sinh.

Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, mỗi bài học nhìn chung có 2 hoạt động chính, đó là: “học lý thuyết” (hoạt động 2: kiến thức mới) và “làm bài tập” (hoạt động 3: luyện tập). Ngoài ra cần có "vào bài" (hoạt động 1: xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/mở đầu) và "vận dụng" (hoạt động 4: vận dụng).

Hoạt động vận dụng được thực hiện sau 1 bài hoặc 1 nhóm bài là hoạt động mở; giáo viên đưa ra câu hỏi mở để học sinh thực hiện chủ yếu ở ngoài giờ học trên lớp.

Như vậy, kịch bản tổ chức các hoạt động trong bài học là rất ngắn gọn. Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang; không thể dài đến hàng chục trang.

Mục đích của kế hoạch bài dạy là để giáo viên thực hiện hiệu quả các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhằm đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; không nhằm mục đích thanh tra, kiểm tra. Việc đánh giá giờ dạy của giáo viên (nếu có) phải được thực hiện trên thực tế dạy học thông qua hoạt động dự giờ, sinh hoạt chuyên môn theo quy định.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: Giáo án không nên dài đến hàng chục trang - Ảnh minh hoạ 2
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.

Khung kế hoạch bài dạy không phải là mẫu giáo án

PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: Khung kế hoạch bài dạy (phụ lục IV của Công văn 5512) không phải là mẫu giáo án; mà là những hướng dẫn, gợi ý để giáo viên xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động học, tổ chức cho học sinh thực hiện, từ đó ra câu hỏi/lệnh đúng, trúng vấn đề theo nội dung dạy học và đối tượng học sinh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học lưu ý thêm: bất kì hoạt động học tập nào cũng phải bảo đảm rõ về mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động mà người học phải hoàn thành.

Vì vậy, khi thiết kế kế hoạch bài dạy (soạn giáo án), giáo viên phải hình dung rõ về kịch bản để tổ chức dạy học. Trong đó, các câu hỏi/lệnh giao cho học sinh khai thác ngữ liệu, hình ảnh trong sách giáo khoa, học liệu hoặc sử dụng thiết bị dạy học phải rõ ràng, cụ thể.

“Khung kế hoạch bài dạy là văn bản hướng dẫn, gợi ý giáo viên làm tốt điều này, không những không "cầm tay chỉ việc" mà giúp cho giáo viên chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.

Tôi rất mong các thầy giáo, cô giáo hiểu đúng tinh thần này và làm đúng. Khi đó, các thầy, cô sẽ chuẩn bị tốt kịch bản dạy học để rảnh tay khi lên lớp, dành nhiều thời gian quan sát, nhận xét, đánh giá và hỗ trợ học sinh trong học tập.

Trong quá trình đó, giáo viên có thể quan tâm đến từng học sinh hoặc nhóm học sinh trong lớp (qua nhiều giờ dạy) để thực hiện đánh giá sản phẩm học tập của học sinh bằng nhận xét (bằng lời hoặc ghi trực tiếp vào vở bài tập của học sinh), hoặc cho điểm” - PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, hướng dẫn trong Khung kế hoạch bài dạy là gợi ý (không phải bắt buộc trong tất cả các loại bài dạy) để giáo viên thực hiện vì sự tiến bộ của học sinh.

Cũng vì vậy, Bộ GD&ĐT đã có quy định tại Thông tư 26, số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không phụ thuộc vào số đầu điểm quy định. Giáo viên làm tốt điều này sẽ được giảm tải rất nhiều do không phải chấm nhiều bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết trước đây.

Kế hoạch bài dạy là yêu cầu bắt buộc

Kế hoạch bài dạy (giáo án) là yêu cầu bắt buộc giáo viên phải có khi dạy học và đã được quy định tại Điều lệ nhà trường. Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV kèm theo Công văn 5512 là văn bản hướng dẫn để giáo viên soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không phải là mẫu giáo án.

Việc trình bày Kế hoạch bài dạy (giáo án) thế nào do giáo viên quyết định nhưng mỗi bài học phải rõ về mục tiêu bài dạy; thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng; tiến trình tổ chức hoạt động dạy học.

Mỗi câu hỏi/lệnh để tổ chức hoạt động học cho học sinh phải bảo đảm rõ về mục đích, nội dung và sản phẩm hoạt động nhìn thấy (viết, vẽ, nói, làm) mà học sinh thực hiện được. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập814
  • Hôm nay50,039
  • Tháng hiện tại328,169
  • Tổng lượt truy cập51,684,128
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944