Xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết

Thứ năm - 12/05/2022 19:22 314 0
GD&TĐ - Để bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục, việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần được thực hiện trên nền tảng pháp lý vững chắc.
Xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết

Nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục

Trong mọi quốc gia, mỗi nền giáo dục, đội ngũ giáo viên luôn được đánh giá là yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiệu quả và chất lượng giáo dục. Giáo dục đổi mới ngày nay, vai trò của đội ngũ giáo viên với tư cách là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục đã được khẳng định không chỉ bằng lí luận chung mà bằng cả các kết quả nghiên cứu khoa học thực tiễn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính phẩm chất và năng lực của đội ngũ giáo viên tạo ra sự khác biệt về kết quả giáo dục giữa trường, giữa các vùng miền và giữa các quốc gia. Trong công cuộc cải cách giáo dục, chính giáo viên sẽ là lực lượng chuyển tải các yêu cầu và nội dung của chương trình mới vào nhà trường và đến với từng học sinh. Vì vậy, có thể nói, cải cách giáo dục, hay nói rộng hơn là một nền giáo dục có thành công hay không thì yếu tố quyết định chính là đội ngũ giáo viên.

Chính vì lý do trên, khi phát triển chính sách và chiến lược giáo dục, dù ngắn hạn hay dài hạn, các nhà hoạch định đều quan tâm đến vấn đề phát triển và quản lí đội ngũ giáo viên.

Quy định về giáo viên trong luật của các nước rất đa dạng. Có nước xây dựng luật riêng về giáo viên (như Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Philippin...); có nước xây dựng luật về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên hoặc quy định về giáo viên chi tiết trong Luật giáo dục (Nga, Australia, Pháp...).

Các quy định thường đề cập đến những vấn đề như: đạo đức nhà giáo, chuẩn nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ, chứng chỉ hành nghề, hiệp hội nhà giáo, chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm...

Ở nước ta, qua hệ thống văn bản đã ban hành cho thấy Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục nói chung và phát triển đội ngũ giáo viên nói riêng. Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, đồng thời quan điểm xây dựng và phát triển một đội ngũ giáo viên có chất lượng là chủ trương xuyên suốt trong quan điểm của nhà nước.

Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục của chúng ta có nêu: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sỹ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý.

Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm.

Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học. Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước”.

Xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết - Ảnh minh hoạ 2
Ông Đặng Tự Ân trao đổi cùng giáo viên trong chuyến công tác thực tế. Ảnh: Sỹ Điền

Nhiều quốc gia có bộ luật riêng dành cho nhà giáo

Có thể nói, tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều xác định rõ tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong việc đào tạo, dẫn dắt thế hệ trẻ và góp phần quyết định đối với tương lai đất nước, dân tộc. Chính vì vậy, về mặt quản lí Nhà nước, nhiều quốc gia đã có những bộ luật riêng dành cho nhà giáo với những quy định hết sức cụ thể nhằm quản lí một cách hiệu quả cũng như đảm bảo các quyền lợi cho đội ngũ giáo viên.

Các nghiên cứu về phát triển đội ngũ nhà giáo, về hệ thống chính sách đối với giáo viên là mối quan tâm không chỉ của các nhà khoa học mà còn của rất nhiểu tổ chức quốc tế lớn.

Thực tế đã chỉ ra rằng, khiếm khuyết trong chính sách giáo dục của nhiều quốc gia là ở chỗ không có một khung chính sách nhằm tạo ra một hạ tầng cơ sở nhất quán trong tuyển sinh, đào tạo cùng các chương trình hỗ trợ liên quan đến mọi khía cạnh trong suốt cuộc đời dạy học của giáo viên

Công trình điển hình đã nghiên cứu khung chính sách nhà giáo có thể kể đến “Cơ sở khoa học của việc xây dựng Luật Giáo viên” (năm 2007). Theo đó, xuất phát từ tính chất, đặc điểm và những yêu cầu khách quan, việc ghép chung nhiều vấn đề của pháp luật về nhà giáo vào các luật khác đã cho thấy rõ sự bất hợp lý, làm cho pháp luật có những khoảng cách so với thực tế đời sống.

Vì vậy, việc nghiên cứu để xác định luận cứ cho việc xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sử dụng pháp luật để quản lý đội ngũ giáo viên sẽ tạo được mặt bằng pháp lý và tạo ra tính cạnh tranh lành mạnh cho nhà giáo. Đề tài đã tiến hành hệ thống hóa và phân tích thực tiễn liên quan đến đội ngũ nhà giáo bao gồm các chủ trương chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, thực trạng đội ngũ và nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo, các quy định pháp luật liên quan đến nhà giáo. Đưa ra các khuyến nghị đối với từng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc quản lý, xây dựng và ban hành Luật Giáo viên (năm 2009).

Trong tác phẩm Hệ thống giáo dục và Luật Giáo dục một số nước trên thế giới (2008), đã giới thiệu hệ thống chuẩn phân loại giáo dục quốc tế của UNESCO, khái quát về hệ thống giáo dục và Luật Giáo dục của một số nước như Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan trong đó giới thiệu toàn văn Luật Giáo viên của Trung Quốc và Đài Loan. Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục giai đoạn 2010 – 2020, có ghi đến năm 2020 bao gồm một số đạo luật trong đó có Luật Nhà giáo và một số luật khác như: Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục mầm non, Luật Giáo dục phổ thông, Luật Giáo dục thường xuyên (GDTX)… sẽ được soạn thảo và Quốc hội ban hành.  

Bên cạnh đó, đạo đức nhà giáo (hay còn gọi là sư đức) là cốt lõi của nhân cách nhà giáo tạo, nêu lên sự cao quý và tôn vinh của nghề dạy học vì vậy rất cần được nghiên cứu để thể chế hóa bằng pháp luật thông qua việc ban hành các quy tắc ứng xử, các tiêu chí đánh giá đạo đức nhà giáo.

Trong bài viết “Một số vấn đề cơ bản cần quan tâm khi xây dựng Luật Giáo viên” (năm 2009), kết luận rằng xây dựng pháp luật là một hoạt động phức hợp bao gồm nhiều hành vi có quan hệ chặt chẽ với nhau do nhiều chủ thể có vị trí, chức năng, quyền hạn khác nhau tiến hành.

Tác giả cũng đã nêu ra một số vấn đề cơ bản xung quanh việc xây dựng Luật Giáo viên nhằm góp phần phản ánh đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo và phù hợp với thực tiễn như: khái niệm nhà giáo và đặc trưng của nghề dạy học, thực trạng đội ngũ nhà giáo ở nước ta, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng Luật Nhà giáo, các quy định pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo tính pháp chế và tính thống nhất của hệ thống, tiếp thu có chọn lọc các quy định về nhà giáo của pháp luật các nước khác trên thế giới, …

Trong bài báo “Luật Nhà giáo - cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và quản lý đội ngũ nhà giáo”(năm 2012), đã chỉ ra rằng xây dựng Luật Nhà giáo là bước đi tất yếu, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và quản lý đội ngũ nhà giáo. Pháp luật về nhà giáo ở Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên cơ sở vị trí, vai trò quyết định của nhà giáo trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục và các đặc trưng riêng biệt của nghề dạy học.

Bên cạnh đó, đã đưa ra khái niệm pháp luật về nhà giáo, phân tích các đặc điểm của pháp luật về nhà giáo, nội dung của pháp luật về nhà giáo đồng thời làm rõ vai trò của pháp luật về nhà giáo Pháp luật, về nhà giáo là cơ sở để tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với nhà giáo đồng thời tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống tiêu chí và các quan điểm, giải pháp nhằm mục đích hoàn thiện pháp luật về nhà giáo ở Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cùng với các tiêu chí chung của việc hoàn thiện pháp luật về nhà giáo để bảo đảm tính toàn diện, tính đồng bộ, tính thống nhất; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.

Để bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần được thực hiện trên nền tảng pháp lý vững chắc.

Xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết - Ảnh minh hoạ 3
Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên), Hà Nội.

Tạo chính sách đặc thù cho nhà giáo

Tóm lại, đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau cho thấy một điểm yếu cơ bản của Việt Nam là sự không đồng bộ trong hệ thống pháp luật chính sách giáo dục nói chung, pháp luật về chính sách nhà giáo nói riêng.

Chúng tôi muốn đề xuất kiến nghị về khung chính sách và xây dựng Luật Nhà giáo như sau:

Tạo chính sách đặc thù cho đối tượng nhà giáo (công lập- tư thục); tách nhà giáo khỏi đối tượng công chức- viên chức và có chính sách phù hợp nghề nghiệp đặc thù; luật hóa các chính sách nhà giáo có tính đặc thù nghề nghiệp; tạo khung pháp lý cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục; hiệu lực pháp lý mạnh để thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ và tôn vinh và nâng cao vị thế của nhà giáo.

Về khung chính sách trong Luật Nhà giáo: Nhà giáo, vị trí vai trò, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo; tuyển sinh, đào tạo để trở thành nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng; Đãi ngộ, tôn vinh...; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghề nghiệp nhà giáo.

Xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng văn hóa học đường lành mạnh và cũng là xây dựng văn hóa giáo dục. Mà văn hóa giáo dục là gốc của văn hóa quốc gia. Văn hóa quốc gia còn là còn dân tộc và đất nước. Mặt khác nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo làm Hiệu trưởng là người gieo mầm, lan tỏa hạnh phúc trong trường học hạnh phúc. Do đó xây dựng Luật nhà giáo là xây dựng sư đức, tạo cho nhà giáo hạnh phúc hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội và đất nước.

Tác giả bài viết: Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ VIGEF, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập816
  • Hôm nay56,692
  • Tháng hiện tại334,822
  • Tổng lượt truy cập51,690,781
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944