Xây dựng nguồn đề chất lượng đáp ứng yêu cầu mới: Khó nhưng phải làm

Thứ ba - 19/03/2024 21:00 42 0
GD&TĐ - Ra đề kiểm tra là yêu cầu chuyên môn quan trọng đối với mỗi giáo viên.
Xây dựng nguồn đề chất lượng đáp ứng yêu cầu mới: Khó nhưng phải làm

Yêu cầu này càng được đặt ra cao hơn khi tới đây, nguồn đề từ các nhà trường sẽ tham gia vào quy trình xây dựng đề thi tốt nghiệp THPT.

Còn khó khăn

Chia sẻ cách ra đề tại Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế), thầy Đỗ Cao Long - Tổ trưởng chuyên môn tổ Toán, cho biết: Những năm học gần đây, tổ trưởng chuyên môn tổ chức cho giáo viên tự soạn ma trận, đặc tả, đề kiểm tra phù hợp với trình độ học sinh các lớp mình dạy, bám sát yêu cầu cần đạt trong Chương trình GDPT 2018. Tiếp đó, phân công người tổ hợp đề để hình thành ma trận mới dựa trên các đề giáo viên đề xuất.

Đề chính thức được biên soạn từ ma trận này và nhân bản thành 3 - 4 đề tương đương; sau đó trộn thành 24 mã đề hoặc nhiều hơn. Công việc của người tổ hợp đề rất vất vả. Trong sinh hoạt chuyên môn, giáo viên cùng phân tích về ưu nhược điểm của đề kiểm tra xem có bám sát yêu cầu cần đạt hay không; tỷ lệ câu hỏi phù hợp với thời lượng chương trình hay không để rút kinh nghiệm.

Chia sẻ về khó khăn trong xây dựng đề kiểm tra, đề thi, thầy Đỗ Cao Long nhắc đến việc còn có giáo viên chưa nắm kỹ Chương trình GDPT 2018 khi soạn ma trận, đề kiểm tra, do đó có câu hỏi không bám sát hoặc vượt yêu cầu cần đạt của chương trình. Cũng có giáo viên làm chưa đúng quy trình, copy câu hỏi từ tài liệu tham khảo dẫn đến chất lượng câu hỏi không tốt. Việc tổ hợp và soạn 3 - 4 đề gốc và trộn thành nhiều mã đề đòi hỏi kỹ năng biên tập tốt, giáo viên làm chậm sẽ mất nhiều thời gian.

Về nội dung này, thầy Vũ Ngọc Hòa - giáo viên môn Toán, Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) cho biết: Nhà trường yêu cầu ra đề kiểm tra, đề thi cần bảo đảm đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng; điểm thi không được quá thấp. Tuy nhiên, khó khăn của giáo viên là không có ngân hàng đề thi đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng để tham khảo; thầy cô cũng không đủ khả năng đánh giá tính phân loại, hợp lý, phù hợp của một đề thi.

Là người trực tiếp tham gia biên soạn đề kiểm tra, cô Nguyễn Thị Ngân Hà - Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk) chia sẻ: Giáo viên ra đề được yêu cầu bám sát đề minh họa theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT. Các tổ chuyên môn họp để nhìn nhận, đánh giá đề do giáo viên biên soạn; so sánh với phần việc dạy học, kiểm tra, đánh giá đã thực hiện 3 học kỳ vừa qua để điều chỉnh phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo. Từ đó, giáo viên xây dựng ngân hàng đề sử dụng trong dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Nhấn mạnh đây là công việc khó khăn, cô Nguyễn Thị Ngân Hà lý giải: Chương trình GDPT 2018 sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa. Có những nội dung kiến thức mỗi bộ SGK trình bày, diễn đạt khác nhau nên giáo viên khó trong việc ra đề. Bên cạnh đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, có môn lần đầu trở thành môn thi tốt nghiệp nên nhiều thầy cô còn lúng túng.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nâng cao năng lực ra đề

Có được nguồn đề phong phú, chất lượng, trước hết phục vụ cho công tác kiểm tra, đánh giá của nhà trường và sau đó đóng góp vào ngân hàng đề của Bộ GD&ĐT, phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT là yêu cầu quan trọng.

Triển khai được việc này, cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho rằng, Bộ/sở GD&ĐT cần tiếp tục tập huấn việc xây dựng câu hỏi cho thư viện câu hỏi thi, nhất là môn mới như Tin học, Công nghệ. Tuy học sinh học Chương trình GDPT 2018 có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, nhưng việc dạy học, kiểm tra đánh giá, ra đề đều dựa vào yêu cầu cần đạt của môn học.

Việc xây dựng câu hỏi thi cũng dựa vào yêu cầu cần đạt cụ thể; từ đó sẽ có nguồn đề chất lượng. Ngoài ra, giáo viên phải đầu tư công sức, thiết kế các tình huống xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp học sinh bộc lộ năng lực của mình; dùng ngữ liệu mang tính mở cao. Trong đánh giá năng lực người học, có thể vận dụng các dạng thức câu hỏi mới như Bộ GD&ĐT đưa ra ở đề minh họa theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Trường THPT Đặng Trần Côn, thầy Đỗ Cao Long cho hay, để có được nguồn để chất lượng, tổ Toán đã triển khai cho giáo viên trong tổ soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan theo từng yêu cầu cần đạt trong Chương trình GDPT 2018 môn Toán.

Theo đó, mỗi chỉ báo trong các yêu cầu cần đạt soạn ít nhất 1 câu hỏi (có giải thích phương án nhiễu). Mỗi giáo viên được phân công soạn một nhóm các yêu cầu cần đạt theo từng nội dung/chủ đề. Sau đó, tổ chức báo cáo, phân tích, thảo luận trong sinh hoạt chuyên môn để chốt và chọn các câu hỏi đảm bảo yêu cầu, chất lượng.

“Tiêu chí đầu tiên và hết sức quan trọng là giáo viên phải nắm được yêu cầu cần đạt của bộ môn trong Chương trình GDPT 2018. Khi soạn câu hỏi, cần bám sát các chỉ báo trong từng yêu cầu cần đạt. Sau khi kiểm tra, dùng phần mềm để hỗ trợ thống kê xem mỗi câu hỏi đã đảm bảo mức độ đưa ra chưa, các phương án nhiễu có tốt không”, thầy Đỗ Cao Long lưu ý.

Còn theo thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), xây dựng nguồn đề phong phú, chất lượng từ cơ sở, nhà trường cần triển khai nghiên cứu, phân tích sâu đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Việc thực hiện nghiêm túc không chỉ trong tổ/nhóm chuyên môn mà phải có hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong toàn trường.

Đồng thời, phân công nhóm chuyên môn soạn các câu hỏi kiểm tra và thẩm định chéo để từng bước chuẩn hoá. Ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích, đánh giá và thống kê số liệu theo yêu cầu của đề kiểm tra. Khắc phục tính chủ quan và kiểm tra đánh giá theo thói quen của giáo viên.

Người trực tiếp tham gia xây dựng đề thi, cần nghiêm túc, nghiên cứu sâu cách đặt câu hỏi trong các bộ SGK được phê duyệt; có nguồn tài liệu tham khảo uy tín, chất lượng. Về phía Bộ GD&ĐT, có lộ trình và quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong đóng góp vào ngân hàng đề thi chung.

Để có nguồn đề chất lượng, việc đầu tiên phải tổ chức tập huấn ra đề cho giáo viên, ít nhất là đội ngũ tổ trưởng, tổ phó. Hiện hầu hết nhà trường, thông qua các đề ôn tập và kiểm tra giữa học kỳ II đều yêu cầu tổ bộ môn xây dựng đề kiểm tra dần hướng đến cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT.

Mỗi đề sau thi phải được tập thể giáo viên phân tích cặn kẽ dựa trên yêu cầu cần đạt, câu trả lời của học sinh, sau đó hiệu chỉnh để đưa vào ngân hàng đề của trường. Tuy nhiên việc này khó thực hiện vì thời gian và kinh phí. Tâm lý ngại thay đổi cũng là rào cản lớn, làm chậm quá trình đổi mới. - Thầy Vũ Ngọc Hòa (Trường THPT Ngô Quyền TP Biên Hòa, Đồng Nai)

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập613
  • Hôm nay45,910
  • Tháng hiện tại324,040
  • Tổng lượt truy cập51,679,999
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944