Hội thảo được diễn ra tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An) và là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia, mã số KHQG/16-20.
Quản lý đóng vai trò quyết định chất lượng của quá trình GD
Tham dự hội thảo GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý GD và GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường đại học Vinh; lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, Hà Tĩnh.
Phát biểu tại hội thảo, GS Phạm Quang Trung cho biết: Học viện Quản lý GD được Bộ GD&ĐT giao triển khai thực hiện đề tài cấp nhà nước, liên quan đến chủ đề chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD.
Học viện đã triển khai được một số công việc có liên quan đến đề tài. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài, để có những phân tích, luận giải dựa vào những căn cứ khoa học từ đó đưa ra giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD.
GS Phạm Quang Trung phát biểu khai mạc hội thảo |
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia. Đặt vấn đề về tiêu chí chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý các trường đại học, GS.TS Nguyễn Đức Chính – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh:
Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với nội dung cốt lõi là “Chuyển một nền GD từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang chủ yếu rèn luyện phẩm chất năng lực người học” đang đặt ra cho nhà quản lý những vấn đề rất khó và rất mới trong quản lý nhà tường, trong đó quản lý quá trình đào tạo là khâu then chốt.
Theo GS Nguyễn Đức Chính, trong một cơ sở GD nói chung, cơ sở GD đại học nói riêng, quản lý luôn đóng vai trò quyết định tới chất lượng của quá trình GD. Hai lĩnh vực quan trọng đó là: Quản lý nhà trường theo bộ chuẩn chất lượng và quản lý quá trình đào tạo theo đúng học chế tín chỉ.
GS Nguyễn Đức Chính tham luận tại hội thảo |
Chất lượng là cái tạo nên phẩm chất
Ở một góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến đến từ Học viện Quản lý GD, cho rằng: quan niệm chung nhất về chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một người, một sự vật, sự việc. Nói đến chất lượng là nói tới hai vấn đề cơ bản:
Thứ nhất, đó là tổng hợp những phẩm chất, giá trị, những đặc tính tạo nên bản chất của một con người, một sự vật, sự việc.
Thứ hai, những phẩm chất, đặc tính, giá trị đó đáp ứng đến đâu với những yêu cầu đã được xác định về con người, sự vật, sự việc đó và ở một thời gian, không gian xác định. Tuy nhiên, những đặc tính này có tính chất ổn định tương đối, có thể thay đổi do tác động của những điều kiện chủ quan và khách quan.
PGS.TS Trần Hữu Hoan tham |
Còn theo PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý GD: Xu thế đổi mới GD trong thế kỷ XXI, cán bộ quản lý trường THPT phải là người coi trọng giá trị của sự tương tác giữa con người với nhau. Đồng thời xây dựng được mạng lưới quan hệ, có giao tiếp tốt, phản hồi nhanh.
Hiệu trưởng phải có khả năng xử lý thông tin tốt, biết thuyết phục hơn ra lệnh; phải quyết đoán trên cơ sở thu hút nhiều người; phải là người trực thực và liêm khiết.
Ngoài ra, hiệu trưởng phải biết tư duy sáng tạo và hành động hiệu quả. Hơn nữa, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, đòi hỏi hiệu trưởng cơ sở GD THPT phải có sự thay đổi trong lãnh đạo, quản lý nhà trường.
Các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ, giảng viên Học viện Quản lý GD tham gia hội thảo |
“Tiêu chí chất lượng cán bộ quản lý cơ sở GD phổ thông được xác định theo các tiếp cận trên sẽ là một trong những cơ sở để đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của người cán bộ quản lý nhà trường phổ thông” – PGS.TS Trần Hữu Hoan trao đổi.
Hội thảo nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa các cơ sở GD, giữa các nhà nghiên cứu GD, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý GD với đội ngũ nhà giáo. Qua đó, nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về quan điểm, nội dung của khung tiêu chí đánh giá chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GD trong bối cảnh đổi mới GD hiện nay.