2 học sinh nhận Huân chương Lao động, Bộ GD&ĐT và con số cắt giảm điều kiện kinh doanh ấn tượng

Chủ nhật - 21/10/2018 04:11 413 0
GD&TĐ - Bộ GD&ĐT tổ chức tuyên dương học sinh THPT đoạt giải Olympic và cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2018; đồng thời công bố kết quả cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh. Đây cũng là 2 sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua.
2 học sinh nhận Huân chương Lao động, Bộ GD&ĐT và con số cắt giảm điều kiện kinh doanh ấn tượng

2 HS nhận huân chương đều đến từ THPT chuyên Khoa học tự nhiên

Giành huy chương Olympic quốc tế trong hai năm liên tiếp, Phạm Đức Anh và Nguyễn Phương Thảo, hai học sinh đến từ Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên vinh dự được nhận huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.

Vinh dự này được trao tối 19/10, tại lễ tuyên dương học sinh THPT đoạt giải Olympic và cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Cùng với đó, 8 học sinh đoạt HCV quốc tế được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 26 em học sinh đoạt HCB và HCĐ quốc tế được trao tặng Bằng khen Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

33 học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và đoạt Giải cao trong kỳ thi Olympic, KHKT quốc tế năm 2018 được trao tặng Bằng khen của Bí thư Trung ương Đoàn. 15 thầy giáo, cô giáo có thành tích bồi dưỡng các đội tuyển cũng nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Năm 2018 là năm bội thu huy chương của học sinh Việt Nam trên đấu trường Olympic khu vực và quốc tế, khi có 38/38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển tham dự đã đạt tới 13 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng. Thành tích nổi bật năm 2018 là tiếp nối thành tích cao nhất năm 2017, tất cả các đội tham gia đều đạt Huy chương Vàng; 100% thí sinh tham gia đều đoạt huy chương.

Đánh giá của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Thành tích nổi bật ngày hôm nay phản ánh sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của thầy, trò các nhà trường trong cả nước. Trên cơ sở đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đại trà, tạo điều kiện để chú trọng phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu để phát triển năng lực nổi trội của các em.

Chia sẻ trên Lao động, Phương Thảo cho rằng, muốn học giỏi và đạt được thành tích cao trong học tập, sự thông minh thôi chưa đủ mà phải thật sự cần cù, không đầu hàng trước các thử thách. Còn với Phạm Đức Anh cho biết mình ước mơ trở thành một bác sĩ nên theo học tại Trường ĐH Y Hà Nội, đây cũng là truyền thống của gia đình.

Cũng tuần qua, 195 học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc khu vực miền Bắc đã được ban tổ chức vinh danh và trao giải thưởng Hoa Trạng Nguyên năm 2018. Đây là giải thưởng trực tiếp tham gia vào việc ươm mầm tài năng trẻ cho đất nước, biểu dương, động viên, khuyến khích những tấm gương học sinh giỏi có thành tích học tập xuất sắc, hỗ trợ các tài năng trẻ vươn lên trong cuộc sống.

2 học sinh nhận Huân chương Lao động, Bộ GD&ĐT và con số cắt giảm điều kiện kinh doanh ấn tượng - Ảnh minh hoạ 2
Nguyễn Phương Thảo và Phạm Đức Anh 

Trưởng khoa 9x, cô gái Ma Coong đầu tiên học đại học

Báo Hà Tĩnh chia sẻ câu chuyện về Trưởng khoa Du lịch - Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh sinh năm 1990 Nguyễn Xuân Sâm. Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật chế biến món ăn, hoàn thành chương trình thực tập sinh tại Singapore, năm 2012, thầy Nguyễn Xuân Sâm trúng tuyển vào vị trí giảng viên của khoa Du lịch - Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh.

Với rất nhiều thành tích trong quá trình giảng dạy, thầy Nguyễn Xuân Sâm đã nhận được sự tín nhiệm của ban giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp. Sau 4 năm công tác, thầy được bổ nhiệm làm phó trưởng khoa, rồi trưởng Khoa Du lịch.

Ngoài thời gian lên lớp, hướng dẫn thực hành cho sinh viên, thầy Sâm luôn tất bật với việc sắp xếp lịch giảng cho cán bộ, giảng viên của khoa với 10 giảng viên cơ hữu, 5 giáo viên thỉnh giảng và gần 800 học sinh, sinh viên. Thế nhưng thầy vẫn không ngừng học tập.

Bên cạnh tham gia các hội thi, hội giảng chuyên ngành, thầy Sâm còn nhận được những khóa học bổng học tập ngắn hạn tại nước ngoài.

Dưới sự điều hành, quản lý của thầy Sâm, những năm học qua, khoa Du lịch luôn đạt chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào, 85% học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

2 học sinh nhận Huân chương Lao động, Bộ GD&ĐT và con số cắt giảm điều kiện kinh doanh ấn tượng - Ảnh minh hoạ 3
Bằng tài năng, tâm huyết với nghề, thầy Sâm đã giành được nhiều giải thưởng, thành tích trong các cuộc thi chuyên ngành (Trong ảnh: Thầy Sâm nhận giải thưởng Người thợ giỏi toàn quốc năm 2016 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh). Ảnh: Báo Hà Tĩnh 

Chiều nào cũng thế, vào giờ tan học, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại bắt gặp hình ảnh cô giáo Trần Thị Thu Hiền ân cần nắm tay cậu học sinh Nguyễn Khắc Hoàng Anh, bị khuyết tật cả vận động và trí tuệ, cẩn thận dắt em xuống từng bậc cầu thang và đưa em ra tận nơi bố mẹ em đứng chờ.

Viết về cô Hiền, báo Tin tức chia sẻ ý kiến tư bà Nguyễn Thúy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Trì: Hiếm có giáo viên nào có được sự kiên nhẫn và tình yêu thương trẻ như cô Trần Thị Thu Hiền. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cô Hiền nhẫn nại giảng lại bài cho học sinh khuyết tật sau giờ học. Có những bài toán, cô Hiền phải nhẫn nại giảng vài lần, cho đến khi học sinh hiểu mới dừng lại.

Cô Hiền còn đặc biệt quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều lần tặng bộ sách giáo khoa và hỗ trợ tiền cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiếp tục đến trường, vươn lên trong học tập.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, đoạt giải tại Hội thi Giáo viên giỏi cấp quận, danh hiệu Sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố... cô Trần Thị Thu Hiền vẫn ngày đêm trăn trở, tìm tòi, xây dựng những sáng kiến mới, phù hợp với những học sinh khuyết tật, giúp các em tự tin hòa nhập, phát triển.

2 học sinh nhận Huân chương Lao động, Bộ GD&ĐT và con số cắt giảm điều kiện kinh doanh ấn tượng - Ảnh minh hoạ 4
Cô giáo Trần Thị Thu Hiền giúp đỡ học sinh Nguyễn Khắc Hoàng Anh (bị khuyết tật cả vận động và trí tuệ) sau giờ tan học. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN 

Thoát ra được suy nghĩ học xong ở nhà lấy chồng, đi làm rẫy, Y Hát khao khát trở thành hướng dẫn viên du lịch và muốn quê mình không còn nghèo đói, lạc hậu.

Y Hát, sinh năm 2000, tại bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, là nữ sinh dân tộc Ma Coong đầu tiên học đại học. Hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành Địa lý du lịch, khoa Khoa học – Xã hội, Trường đại học Quảng Bình.

Chia sẻ trên Giaoduc.net, Y Hát nói, ở bản, nhiều bạn cùng tuổi với em không đi học mà ở nhà lấy chồng, đẻ con.

Có bạn đã có hai đứa con, vừa nuôi con nhỏ vừa đi làm nương rẫy, vất vả lắm. Em muốn đi học để sau này làm được nhiều việc hơn, thay vì chỉ làm nương rẫy như ba mẹ và bạn bè.

Y Hát tận dụng mọi cơ hội để học tập. Trên lớp có gì không hiểu, Hát em hỏi thêm bạn bè, thầy cô. Em cũng thường xuyên đến thư viện của trường để tìm sách đọc, mở mang kiến thức.

“Học xong đại học, em muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Em muốn bản Cà Roòng cũng như nhiều bản khác ở Thượng Trạch sẽ trở thành những địa chỉ thu hút đông đảo khách du lịch.

Nếu du lịch ở quê em phát triển, em tin ngày sẽ càng có nhiều bạn đi học hơn để về làm du lịch. Để các bạn không lấy chồng quá sớm, người dân quê em thoát khỏi cảnh nghèo đói” - Y Hát chia sẻ ước mơ trên Giaoduc.net.

Bộ GD&ĐT cắt giảm, đơn giản hóa 121/212 điều kiện đầu tư kinh doanh,

Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa 121/212 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm 57,10% tổng số điều kiện kinh doanh (ĐKKD); vượt 7,10% so với yêu cầu của Chính phủ.

Ông Vũ Đình Giáp - Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT - nhận định:

Những ĐKKD được cắt giảm, đơn giản hóa có tác động lớn, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động của ngành, trong đó những ĐKKD được cắt giảm có tác động mạnh mẽ nhất là những điều kiện liên quan thành lập trường ĐH; cho phép trường ĐH hoạt động đào tạo; thành lập phân hiệu trường ĐH; cho phép phân hiệu trường ĐH hoạt động đào tạo; thành lập cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài; cho phép cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động; cho phép mở phân hiệu có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực GD, góp phần quan trọng tăng cường mạnh mẽ các nguồn lực dành cho GD, nâng cao chất lượng GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc cắt giảm ĐKKD cũng góp phần quan trọng mở rộng tự chủ của các cơ sở GD.

Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang được giao chủ trì soạn thảo Luật GD (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH. Thời gian tới, 2 Luật được thông qua, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các ĐKKD còn đang quy định tại các Luật trên để đề xuất thêm phương án cắt giảm (nếu cần thiết). Song song, Bộ sẽ tiến hành rà soát thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT với tinh thần quyết liệt.

Tác giả bài viết: Lập Phương (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập498
  • Hôm nay19,478
  • Tháng hiện tại297,608
  • Tổng lượt truy cập51,653,567
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944