Liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT, báo cáo của Chính phủ đánh giá: Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung chỉ đạo.
Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tính đến tháng 6/2018, cả nước có 15.256 trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ (công lập 12.662, ngoài công lập 2.594); có 5.306.536 trẻ mầm non (trẻ nhà trẻ 707.990, trẻ mẫu giáo 4.598.546).
Cả nước hiện có 178.546 nhóm, lớp học 2 buổi/ngày, đạt 89,65% (còn 20.605 nhóm/lớp chưa học 2 buổi/ngày). Có 165.516 nhóm, lớp tổ chức bán trú, tỷ lệ 83,11%, trẻ nhà trẻ được ăn bán trú đạt 84,62%, trẻ mẫu giáo được ăn bán trú đạt 76,63%. Tính đến năm học 2018 - 2019, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ước đạt 92%.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh được chú trọng. Giáo dục đại học, đào tạo nghề có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến nay đã có 23 trường thực hiện tự chủ. Việt Nam có 05 trường đại học nằm trong tốp 400 trường hàng đầu châu Á, 02 trường đại học nằm trong tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới; nghiên cứu khoa học trong các trường đại học có bước tiến bộ, công bố quốc tế tăng.
Bên cạnh đó, quy mô đào tạo nghề tăng; kỹ năng nghề được cải thiện. Việt Nam đạt kết quả cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN. Chiến lược quốc gia, khung Chương trình khoa học công nghệ về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được tập trung xây dựng. Ban hành chính sách đặc thù phát triển một số khu công nghệ cao. Nhiều quỹ đầu tư được thành lập; nhiều nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gọi vốn thành công.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ tăng nhanh. Thị trường khoa học công nghệ tiếp tục phát triển. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2018 tăng 02 bậc, đứng thứ 45/126 quốc gia, vùng lãnh thổ...
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Nêu rõ những tồn tại, khuyết điểm liên quan đến GD&ĐT, báo cáo do Thủ tướng Chính phủ trình bày đưa ra các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như, có chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo, chú trọng quản lý chất lượng đầu ra, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin kết nối thị trường lao động. Có chính sách thu hút, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng cao và các nhà khoa học, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài.
Chấn chỉnh, khắc phục ngay các bất cập trong thi cử, sách giáo khoa phổ thông. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp công lập; tăng cường kiểm định chất lượng. Thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục đào tạo cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách...