Điều chỉnh tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục
Thứ nhất, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Đồng thời, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học được xác định thành 3 hạng, gồm hạng I, hạng II và hạng III (thay vì hạng II, hạng III, hạng IV như hiện hành để phù hợp với yêu cầu về trình độ đào tạo và mức độ phức tạp của công việc cũng như yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Mã số hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được cấp mới bởi Bộ Nội vụ.
Riêng cấp trung học phổ thông giữ ổn định về mã số, hạng chức danh nghề nghiệp do không có thay đổi về trình độ đào tạo.
Bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ ngoại ngữ thứ 2 đối với giáo viên dạy ngoại ngữ, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Yêu cầu về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, và năng lực sử dụng ngoại ngữ được đưa vào tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên các hạng để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên các hạng.
Nội dung sửa đổi này là một nút tháo gỡ quan trọng nhằm ngăn chặn việc mua bán văn bằng, chứng chỉ mà xã hội rất quan tâm trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, yêu cầu về ngoại ngữ, tin học được đặt ra trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ giúp nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học một cách hiệu quả và thực chất bởi vì các yêu cầu ấy sẽ gắn với những nhiệm vụ cụ thể của giáo viên và phù hợp với điều kiện từng vùng, miền.
Rà soát, cập nhật quy định về nhiệm vụ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên
Thứ ba, các quy định về nhiệm vụ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập được rà soát, cập nhật với những yêu cầu của thực tế hiện nay cũng như yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (đối với cấp học phổ thông).
Theo đó, các tiêu chuẩn cụ thể được quy định cũng chính là các năng lực cốt lõi giáo viên cần phải có để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Lương khởi điểm điều chỉnh tương ứng với yêu cầu trình độ đào tạo
Thứ tư, lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở mới được tuyển dụng được xếp tương ứng với yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Đồng thời, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở hạng cao hơn cũng có sự điều chỉnh tăng tuần tự theo quy định.
Các Thông tư đã quy định rõ việc bổ nhiệm và xếp lương đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo các địa phương có thể thực hiện được ngay khi các Thông tư có hiệu lực thi hành.
Triển khai thực hiện Luật Viên chức 2010, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGD&ĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên; tổ chức các Hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong triển khai thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đến thời điểm hiện nay, một số nội dung trong quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã không còn phù hợp do một số quy định mới được ban hành nên Bộ GD&ĐT đã ban hành chùm Thông tư thay thế các Thông tư liên tịch nêu trên.