Ngày đoàn viên của thầy cô giáo xa nhà

Thứ tư - 03/02/2021 20:07 323 0
GD&TĐ - Chấp nhận xa gia đình, con cái, người thân… nhiều giáo viên (GV) miền xuôi lên vùng cao công tác. Mỗi dịp Tết đến xuân về, trong họ là biết bao nỗi niềm của người “cõng chữ” lên non.
Ngày đoàn viên của thầy cô giáo xa nhà

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Y Tý, xã vùng cao còn khó khăn thuộc huyện Bát Xát (Lào Cai). Trong những năm gần đây, diện mạo của đời sống, xã hội đặc biệt là giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Để làm nên những chuyển động đó, một phần không nhỏ là công lao của những người thầy vùng xuôi không quản ngại gian khó lên công tác. Họ bám bản, bám trường lớp, học trò… tháng này qua năm khác miệt mài gieo tri thức và lan tỏa nhiệt huyết nghề giáo.

Thầy Từ Viết Bình – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Y Tý (huyện Bát Xát - Lào Cai) chia sẻ: Trường có duy nhất cô giáo người Hà Nhì là người địa phương, còn lại đa phần đều dưới xuôi hoặc các tỉnh thành khác về công tác. Gần chục thầy cô gia đình gần nhất (huyện Bát Xát, Bảo Thắng….) cũng cách  Y Tý trên dưới 100 km. Còn lại các thầy cô quê tận Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang mỗi lần về Tết phải vượt vài trăm cây số.

“Chúng tôi công tác xa nhà, 1 - 2 tuần thậm chí nhiều thầy cô 1 năm chỉ đôi lần về nhà. Tết đến xuân về ai cũng có tâm lý được về sớm để sửa sang, mua sắm, chuẩn bị cho những ngày đoàn tụ chu đáo. Tuy nhiên GV vẫn phải bảo đảm hoạt động dạy học, bám trường lớp. Kết thúc kỳ nghỉ, với đặc thù của giáo dục vùng khó, GV thường lên sớm ít nhất 1 ngày để đi tới từng thôn, bản vận động HS trở lại trường…” - thầy Bình cho biết.

Cũng theo thầy Bình, ở Y Tý dịp sau Tết Nguyên đán, người Hà Nhì có Tết cho thiếu nhi. Trước đây HS hay nghỉ học để tham dự các hoạt động truyền thống nhưng sau khi nhà trường tuyên truyền và linh hoạt dạy học theo hình thức nhẹ nhàng kết hợp trò chơi thể thao, văn hóa truyền thống, HS bị cuốn hút, và hứng thú trở lại trường lớp học tập.

Cô Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) tâm sự: Trên 50% GV của trường quê ở Thái Bình, Phú Thọ, Yên Bái. Các thầy cô đều về quê đón Tết. Cô Hường gắn bó với giáo dục vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai) 22 năm. Năm nào cô và chồng con cũng dành phần lớn những ngày nghỉ Tết cho 2 bên gia đình nội ngoại. Cô cũng trở lại trường sớm hơn để báo cáo chính quyền địa phương, đón thầy cô trả phép, chuẩn bị cơ sở vật chất đón HS.

Cô Nguyễn Thị Ánh Phương – Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà – Lào Cai) quê ở Đông Anh – Hà Nội lên công tác tại Bắc Hà từ năm 1995. Xây dựng gia đình và an cư lập nghiệp đã 26 năm nhưng năm nào cô cũng vượt hành trình 800km về đón Tết với bố mẹ.

“Bố mẹ tôi trên 80 tuổi, chỉ mong ngóng con cháu về đón Tết. Cách đây cả tuần mẹ đã gọi điện hỏi gia đình tôi khi nào về? và dặn: Cho cháu về sớm, bố mẹ không cần gì, cứ ông bà, cha con gặp nhau là mừng, vui, là có Tết…” - cô Phương chia sẻ. 

Cống hiến tận cùng

Có nhiều thầy cô giáo từ miền xuôi lên vùng cao công tác; cũng có thầy cô gia đình ở miền Bắc nhưng lập nghiệp ở miền Nam, hay miền Tây… Mỗi dịp Tết đến xuân về, để thực hiện được 2 chữ đoàn tụ họ phải vượt qua biết bao khó khăn, tốn kém. Thậm chí, nhiều thầy cô giáo trẻ phải tiết kiệm chi tiêu trong 2 - 4 năm mới về quê một lần.

Cô Bùi Thị Hường tâm sự: Vượt hơn 800 km/2 lượt đi về để được đoàn tụ cùng gia đình là quãng đường không hề gần, chưa kể chi phí đi lại... Nhưng quanh năm xa nhà, những ngày Tết bố mẹ mong ngóng con, cháu đoàn viên thì xa nữa cũng cố gắng trở về.

Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Thanh Vân, quê Nam Định lên Quản Bạ - Hà Giang công tác gần 20 năm. Có năm thu xếp về được với bố mẹ, anh chị em đón Tết nhưng có năm cô ở lại Quản Bạ.

“Lập nghiệp phương xa vất vả là đương nhiên. Nhưng trong tâm can mình và nhiều đồng nghiệp chưa từng nghĩ đến khó khăn, xa nhà mà thay đổi công việc hay bỏ nghề. Vùng cao, vùng khó khăn vẫn cần lắm những thầy cô giáo yêu nghề, giàu tri thức lên cống hiến. Hơn thế gắn bó lâu “đất lạ cũng thành quen” nên đón Tết phương xa cũng có nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn” – cô Giang bày tỏ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập686
  • Hôm nay40,159
  • Tháng hiện tại318,289
  • Tổng lượt truy cập51,674,248
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944