Tại hội thảo, các thành viên Ban soạn thảo Luật Nhà giáo, chuyên gia đã cung cấp thông tin về tổng thể dự án Luật và một số nội dung cụ thể liên quan đến các nhóm chính sách được quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Đó là, nội dung định danh nhà giáo; nội dung về tuyển dụng, sử dụng, chế độ làm việc và chính sách tiền lương, đãi ngộ của nhà giáo; quy định giấy phép hành nghề nhà giáo trong dự thảo Luật; quản lý nhà nước về nhà giáo; mối quan hệ giữa Luật Nhà giáo và pháp luật hiện hành.
Các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo từ các Sở GD&ĐT với đánh giá chung, dự thảo Luật Nhà giáo đã có những quy định toàn diện và chi tiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo.
Dự thảo Luật định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trường dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác.
Đại biểu dự hội thảo. |
Cùng với định danh nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo cũng mô tả cụ thể hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, quy định chuẩn nhà giáo để sử dụng thống nhất, gắn với từng chức danh nhà giáo.
Nội dung dự thảo Luật Nhà giáo đã bao quát những vấn đề có liên quan đến nhà giáo, bố cục rõ ràng, logic và bám sát thực tiễn; đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh góp ý sửa đổi, bổ sung vào từng điều khoản để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật, ý kiến từ các Sở GD&ĐT cũng đề nghị bổ sung thêm một số nội dung chưa quy định trong dự thảo như: quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề, nhà giáo được điều động lên làm tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, quy định phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non công lập…
Các đại biểu dự hội thảo được chia thành 5 nhóm để thảo luận chi tiết từng quy định, nhóm chính sách của dự thảo Luật. |
Theo ý kiến từ Sở GD&ĐT, dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định chi tiết hơn về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, các biện pháp bảo vệ nhà giáo trước áp lực công việc, áp lực từ phía phụ huynh học sinh, nhà trường, xã hội,… và các công việc khác không liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, đặc biệt là đối với nhà giáo ở các vùng khó khăn.
Tiền lương của nhà giáo nên được xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp vì phải đảm bảo đời sống cho nhà giáo thì nhà giáo mới yên tâm công tác, cống hiến cho ngành Giáo dục; đúng với chủ trương của Đảng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Một số mong mỏi của nhà giáo như không nên cắt thâm niên của nhà giáo, không bỏ hạng giáo viên… cũng được Sở GD&ĐT góp ý để Ban soạn thảo xem xét phù hợp.
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cảm ơn các chuyên gia, thành viên Ban soạn thảo và đại diện 60 Sở GD&ĐT trong cả nước đã dành sự quan tâm, tâm huyết đóng góp cho việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.
Khẳng định quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo việc lắng nghe từ thực tiễn là rất quan trọng, ông Vũ Minh Đức cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và nghiên cứu các nội dung góp ý; những nội dung còn chưa rõ sẽ tiếp tục được trao đổi.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, Luật Nhà giáo được xây dựng nhằm tháo gỡ vướng mắc, kiến tạo sự phát triển của đội ngũ nhà giáo và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành, do đó, trong quá trình hoàn thiện, Ban soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến từ các Sở GD&ĐT.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc