Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Taliban “nhanh chóng đảo ngược những chính sách và hành động hạn chế nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái”. Quan trọng hơn, nhiều người trong hàng ngũ Taliban ủng hộ việc đảo ngược sắc lệnh về giáo dục.
Taliban cũng áp đặt chính sách được mô tả là “phân biệt giới tính”, cấm phụ nữ tham gia hầu hết các công việc và tới nơi công cộng. Tuy nhiên, theo bà Rangina Hamidi - cựu Bộ trưởng Giáo dục Afghanistan, lệnh cấm đi học đối với trẻ em gái ở nước này có thể sẽ được đảo ngược.
Những rạn nứt tồn tại trong Taliban về giáo dục trẻ em gái có thể được cộng đồng quốc tế tận dụng. Từ đó, nhằm vận động hành lang để mở lại các trường học dành cho nữ sinh.
“Có sự khác biệt về quan điểm trong nội bộ Taliban, cũng như với bất kỳ nhóm nào khác. Đặc biệt về vấn đề cấm giáo dục trẻ em gái, nhiều người ủng hộ việc đảo ngược sắc lệnh”, bà Hamidi nhận định.
Theo cựu Bộ trưởng Giáo dục, dù thế giới có công nhận Taliban hay không, đối với gần 40 triệu người Afghanistan, ít nhất một nửa trong số đó là phụ nữ và trẻ em gái, đây là một thực tế. “Điều khiến tôi đau lòng là sau hai năm, cộng đồng quốc tế vẫn chưa tìm ra cách đối phó với Taliban. Trong khi đó, những chính sách này gây thiệt hại cho người dân và trẻ em gái Afghanistan”, bà Hamidi chia sẻ.
Cách đây không lâu, Chính phủ Mỹ và các cơ quan quốc tế đã tham gia vào đàm phán chính trị với Taliban. Câu hỏi được bà Hamidi đặt ra là: “Tại sao cộng đồng toàn cầu ngày nay lại gặp vấn đề khi làm việc với Taliban?”.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục đã đề xuất hỗ trợ các giải pháp từ những người Afghanistan đang tìm cách đối phó với lệnh cấm của Taliban. Trong đó, bao gồm cả việc áp dụng giải pháp cho phép nữ sinh theo học tại “madrasa” – trường tôn giáo – như một con đường giáo dục thay thế.
Bà nói: “Madrasa ngày nay chỉ đồng nghĩa với việc học về tôn giáo, nhưng về mặt lịch sử, đây là không gian để học tập”. Bà Hamidi đồng thời kêu gọi mọi người “nhìn xa hơn để có cơ hội cho các bé gái tiếp tục việc học”.
Đất nước này thiếu vốn để đầu tư vào trường học. Trong khi đó, có những cộng đồng mà cả nam và nữ đều phải nghỉ học. Tuy nhiên, Afghanistan là một quốc gia Hồi giáo, cứ bán kính 2km lại có nhà thờ. Do đó, cựu Bộ trưởng Giáo dục cho rằng, tại sao không thể sử dụng không gian này để giúp con em mình học tập bằng một chương trình giảng dạy tiêu chuẩn?
Quan điểm của bà Hamidi đã nhận nhiều phản ứng trái chiều. Selma Acuner - một thành viên của Liên minh Phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, các trường tôn giáo có thể mang đến cho trẻ em gái cơ hội tiếp tục tham gia vào không gian học tập.
Song, bà cho rằng, không thể mong đợi các tổ chức tôn giáo bù đắp cho việc mất khả năng tiếp cận giáo dục trung học chính quy. Thay vào đó, điều quan trọng là phải lắng nghe và hiểu trải nghiệm của phụ nữ ở Afghanistan trước khi đồng ý với cách tiếp cận như vậy. “Nếu không, điều đó có nghĩa là đồng ý với sự suy thoái trầm trọng về quyền của phụ nữ trên toàn thế giới”, bà Acuner nhận định.
Dưới sự cai trị của Taliban, Afghanistan đã trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới cấm các bé gái trên 11 tuổi đi học. |
Hệ thống giáo dục của Afghanistan đã trải qua cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước vào tháng 8/2021. Từ đó, lệnh cấm giáo dục trung học và giáo dục đại học của Taliban đối với trẻ em gái và phụ nữ đã trở thành chủ đề chính. Song, thực tế, các hành vi vi phạm quyền còn vượt ra ngoài những hạn chế nghiêm khắc áp đặt đối với trẻ em gái và giáo dục.
Nam sinh theo học tại các trường ở những tỉnh khác nhau của Afghanistan cho biết, có một loạt rào cản mới hoặc ngày càng gia tăng đối với việc học tập. Trong đó, bao gồm việc thiếu giáo viên nữ, tăng cường sử dụng nhục hình, giảm tỷ lệ đi học, loại bỏ các môn học như Nghệ thuật, Thể thao, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, sự suy giảm chất lượng giáo dục, sự lo lắng gia tăng về việc đi học và mất hy vọng vào tương lai.
Vào tháng 9/2021, Taliban đã khôi phục phần lớn chính sách trong thời kỳ cai trị trước đó từ năm 1996 - 2001. Trong đó, bao gồm việc cấm các bé gái đi học trung học. Trước sự phản đối rộng rãi của người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế, Taliban không mở lại các trường trung học dành cho nữ sinh. Vào tháng 12/2022, Taliban mở rộng lệnh cấm đối với phụ nữ, ngăn cản họ theo học đại học.
Ngược lại, trẻ em trai dường như vẫn được tiếp cận với giáo dục, phản ánh tình hình dưới thời cai trị trước đây của Taliban. Song, những nỗ lực của Taliban nhằm mở rộng quyền kiểm soát xã hội thông qua việc tái thiết ở mọi cấp độ không chỉ giới hạn ở thống trị cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Taliban cũng đã thực hiện những thay đổi lớn, dù ít rõ ràng hơn, đối với hệ thống giáo dục dành cho trẻ em trai.
Nateq A – nam sinh học lớp 12 tại một trường công lập lớn ở Kabul cho biết: “90% giáo viên dạy lớp 10, 11, 12 ở trường tôi là nữ. Sau khi Taliban lên nắm quyền, họ được thay thế bằng các giáo viên nam.
Lớp tôi có 4 giáo viên mới. Họ dành nhiều thời gian để nói về tôn giáo, lối sống của Nhà tiên tri Muhammad và chiến thắng thánh chiến của Taliban trước Mỹ và phương Tây hơn là giảng dạy các môn học”.
Trong khi đó, Shafiq M - học sinh lớp 9 ở Mazar-e-Sharif, tỉnh Balkh cho biết: “Các giáo viên mới được tuyển có hành vi rất hung hăng đối với học sinh nên môi trường học đường đầy sợ hãi”. Thậm chí, theo nam sinh này, một số giáo viên mới còn mang rào cản ngôn ngữ vào lớp học. Cụ thể, nhiều giáo viên nam nói tiếng Pashto, trong khi hầu hết học sinh không hiểu.
Những hạn chế này đã buộc học sinh phải tự học. Muhammad K – nam sinh đang học lớp 12, tại một trường công lập lớn với 1.000 học sinh cho biết: “Trước đây, trường có nhiều giáo viên nữ hơn nam. Hiện nay, các giáo viên mới không giải thích bài học. Trong số 14 môn học, chúng tôi hiện chỉ có giáo viên dạy 7 môn, còn 7 môn không dạy. Những môn học này bao gồm Vật lý, Sinh học, Kỹ năng, Máy tính, Tiếng Anh và Nghệ thuật”. Mặc dù, những chủ đề này vẫn nằm trong chương trình, nhưng chúng không được dạy vì các giáo viên nữ đã bị sa thải.
Sau khi Taliban lên nắm quyền, giáo viên nữ được thay thế bằng nam giới. |
Muhammad K chia sẻ bản thân phải học thêm lớp riêng ngoài trường. Tuy nhiên, những lớp học này rất tốn kém và không phải ai cũng có đủ khả năng chi trả. Trong gia đình Muhammad A, bốn trong số năm anh em đang đi học.
Trong khi đó, gia đình cậu khó có thể trang trải đủ học phí. Anh cả của Muhammad A là trụ cột duy nhất trong gia đình. Do đó, việc tham gia các lớp học riêng ngoài trường là rất khó khăn: “Chúng tôi rất nhớ các giáo viên nữ của mình. Đó là một mất mát lớn”, nam sinh bày tỏ.
Tại tỉnh Daikundi miền Trung Afghanistan, Qasim R - một học sinh lớp 10 cho biết: “Một nhân viên xã hội được chỉ định dạy chúng tôi các môn khoa học. Giáo dục ngày nay đang trở thành một trò đùa”. Các sinh viên liên tục báo cáo rằng, chất lượng giáo dục đã giảm đáng kể.
Giáo viên mới được tuyển chủ yếu tập trung vào giảng dạy giá trị đạo đức, quy định về trang phục và kiểu tóc, tạo nên sự khác biệt giữa phong cách phương Tây và giá trị Hồi giáo. Họ nhấn mạnh quan điểm của Taliban về quyền Hồi giáo của phụ nữ thay vì tập trung vào các môn học ở trường.
Sadiq T - học sinh lớp 11 ở Kabul cho biết, nhiều bạn cùng lớp không còn đến trường và em mất động lực học tập. “Tôi không có hứng thú học hết cấp ba. Một người không có kiến thức, chuyên môn được đưa đến dạy Vật lý, Hóa học, trong khi đây là một năm quan trọng. Chúng tôi không thể chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học với những giáo viên như vậy”, nam sinh chia sẻ.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo đã ảnh hưởng đến toàn bộ người dân Afghanistan. Trong đó, Daikundi và Bamiyan bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Các tỉnh này chủ yếu là cộng đồng người dân tộc Hazara, phải chịu sự phân biệt đối xử trong việc phân phối viện trợ.
Các gia đình và học sinh cho biết, khủng hoảng kinh tế đã buộc nhiều nam sinh từ lớp 9 - 12 phải nghỉ học. Họ thậm chí liều mạng vượt biên trái phép sang Iran để tìm việc làm.
Nazar Y - học sinh lớp 8 ở Bamiyan, cho biết anh trai 16 tuổi của cậu, Jafar, đã gia nhập một nhóm gồm 20 nam sinh từ 14 - 19 tuổi. Nhóm này bỏ học và đến Iran để tìm kiếm cơ hội việc làm. “Ở đây không có việc làm và các gia đình đang gặp khó khăn. Con trai bỏ học vì phải gánh trách nhiệm gia đình”, nam sinh này cho biết.
Vừa qua, một báo cáo của ACAPS - tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ nhân viên cứu trợ phân tích các tình huống nhân đạo, cho biết, lời hứa của Taliban nhằm giảm bớt các hạn chế đối với phụ nữ và dỡ bỏ các hạn chế về tiếp cận giáo dục chỉ mang tính biểu tượng, được sử dụng trong các cuộc đàm phán với các đối tác quốc tế nhưng trên thực tế chưa được thực hiện.
Tác giả bài viết: Trọng Anh
Ý kiến bạn đọc