Ấn Độ trước "làn sóng" giáo dục Phần Lan

Thứ hai - 23/05/2022 01:01 365 0
GD&TĐ - Các trường học cung cấp “giáo dục Phần Lan” đang nổi lên khắp các thành phố của Ấn Độ.
Ấn Độ trước "làn sóng" giáo dục Phần Lan

Chương trình học tại các trường này chủ yếu dựa trên hoạt động, tương tác với thiên nhiên và kỹ năng sống hơn là dựa trên sách giáo khoa và theo định hướng các bài kiểm tra. 

Chương trình phá cách

Ở Trường Jain Heritage trong khu phố thượng lưu Whitefield ở thủ phủ công nghệ Ấn Độ Bengaluru, giáo viên tiểu học dùng bột nặn để làm cho những con số trở nên thú vị. Thay vì học vẹt, trẻ em được khuyến khích nặn bột thành các chữ số khác nhau. Các em học với que và những viên đá, học đếm cây khi ra thể dục ngoài trời và học các phép đo bằng cách pha nước chanh... Đây là những cách học được xem là phá cách đối với cách làm đã thống trị nền giáo dục Ấn Độ từ nhiều năm. Trong đó, chương trình giảng dạy được soạn thảo sẵn, giáo viên và trường học có ít sự linh hoạt để đổi mới và học sinh được xếp loại dựa trên những gì nhớ được hơn là hiểu được.

Trường The Academy (TAS) ở thành phố Pune của bang Maharashtra áp dụng chương trình giảng dạy của Phần Lan vào năm ngoái. Trường Quốc tế Phần Lan, cũng ở Pune, sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. FinlandWay, một nhà cung cấp trường mầm non có trụ sở tại Helsinki, đang thành lập 3 cơ sở giáo dục ở Mumbai của Ấn Độ. Tại Indore có Trường Quốc tế Trung học Bắc Âu và ở Noida có Trường Mầm non Ramagya Roots.

Tuy giáo dục Phần Lan được đánh giá cao ở Ấn Độ nhưng một số chuyên gia lo ngại các trường tư ở đây vốn chủ yếu dạy trẻ em giàu có, sẽ không thể bảo đảm khả năng tiếp cận bình đẳng với giáo dục và hoạt động giảng dạy có chất lượng theo nguyên tắc của các trường công lập ở Phần Lan.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn là có thật đối với các bậc phụ huynh như Pragya Sinha – một giám đốc điều hành tiếp thị có trụ sở tại Pune. Sinha lo cậu con trai 8 tuổi của cô trở lại trường với áp lực của lớp học sau thời gian học ở nhà vì đại dịch. Với cô, điều hấp dẫn ở các trường này là sự quan tâm tới từng trẻ mà họ đã hứa hẹn với học sinh. Cô đang tính cách nhập học cho con vào TAS hoặc Trường Quốc tế Phần Lan.

“Chúng ta đang sống ở trong một ngôi làng toàn cầu? Tại sao vị trí địa lý của tôi lại hạn chế việc học của con tôi?”, cô nói.

Ngôi làng toàn cầu

Đó cũng là lời “chào hàng” của Phần Lan với thế giới. Vào năm 2015, chính phủ nước này đã tạo ra một nền tảng có tên Giáo dục Phần Lan với nhiệm vụ xuất khẩu mô hình giáo dục của đất nước. Học sinh Phần Lan luôn đứng đầu trong các bài kiểm tra của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD và tự hào có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hơn 90%. Nền tảng trên kết hợp với các công ty Phần Lan trong việc xác định thị trường toàn cầu, tìm các trường đối tác và điều chỉnh phương pháp sư phạm cho từng quốc gia cụ thể.

Giám đốc chương trình Giáo dục Phần Lan Jouni Kangasniemi cho biết, không thể sao chép các hệ thống ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, nhiều hoạt động thực tế hiệu quả có thể được xuất khẩu và áp dụng được trong môi trường khác.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất muốn áp dụng giáo dục Phần Lan. Chính phủ Peru cũng đang xây dựng 75 trường học theo mô hình kinh nghiệm của Phần Lan, ông Kangasniemi cho hay.

Một công ty có trụ sở tại Helsinki của Phần Lan là New Nordic Schools đang giúp các trường mới hoạt động ở Brazil và Minnesota của Mỹ.

Tuy nhiên, quy mô của thị trường giáo dục Ấn Độ với ước tính chạm 225 tỷ USD vào năm 2025 sẽ khiến nó trở thành một nơi hấp dẫn. Theo người đồng sáng lập công ty trên là Jormanainen: New Nordic Schools và 1 công ty đối tác của Ấn Độ là Trung tâm Giáo dục Phần Lan chịu trách nhiệm về chương trình giảng dạy và đào tạo giáo viên tại Trường Jain Heritage và Trường Trung học Quốc tế Bắc Âu tại Ấn Độ.

Ấn Độ trước
Hệ thống trường học của Phần Lan đang đạt được sức hút ở Ấn Độ.

Khó khăn khi áp dụng hệ thống mới lạ

Theo bà Jormanainen, không phải lúc nào giáo viên và trường học Ấn Độ cũng dễ dàng áp dụng mô hình Phần Lan. Trong khi đó, Phần Lan có chương trình giảng dạy cốt lõi, giáo viên phải tự xây dựng kế hoạch giảng dạy và đánh giá. Điều này ngược với ở Ấn Độ, giáo viên được đào tạo để tuân theo giáo trình do chính phủ quyết định.

Các bậc phụ huynh cũng cần thời gian để chấp nhận một hệ thống giáo dục mới lạ. Tại Trường Quốc tế Phần Lan, mỗi lớp học sẽ có 2 giáo viên được đào tạo, 1 người Phần Lan, 1 người Ấn Độ và 1 trợ lý.

Giám đốc Ashish Srivastava của Trung tâm Giáo dục Phần Lan cho biết, cần có những sửa đổi đối với cách tiếp cận giáo dục của Phần Lan. Học sinh ở Bắc Âu không mang bài tập về nhà. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh Ấn Độ thấy việc không có bài tập về nhà là điều khó hiểu. “Vì vậy, các trường của chúng tôi thỉnh thoảng đưa ra các bài tập dựa trên hoạt động mà trẻ em và phụ huynh có thể làm ở nhà”, ông Srivastava nói.

Các chuyên gia cho biết, đào tạo giáo viên nghiêm ngặt là nền tảng cho sự thành công trong giáo dục Phần Lan. Nếu giáo viên Ấn Độ chưa được đào tạo mới, các trường học buộc phải thuê giáo viên từ Phần Lan. Điều đó rất tốn kém và được thể hiện trong học phí. Ví dụ, Trường Quốc tế Phần Lan thu phí 570 nghìn rupee (hơn 175 triệu đồng)/năm trong khi GDP bình quân của Ấn Độ dưới 46 triệu đồng/người.

Trong khi Ấn Độ có các trường tư thục đắt đỏ hơn nhiều, Giáo sư khoa học Jari Lavonen tại Khoa Giáo dục tại Đại học Helsinki cho biết, rất lo ngại việc thương mại hóa phương pháp giáo dục ở nước mình “có thể làm tổn hại đến hình ảnh của nền giáo dục Phần Lan”.

“Thật không công bằng khi thành lập các trường tư thục và xuất khẩu giáo dục Phần Lan. Tôi biết ở một số quốc gia, trẻ em được học trong môi trường tư thục kiểu Phần Lan khá hạnh phúc” - ông Jari Lavonen nói và thừa nhận, vì các trường tư thục đã tồn tại ở Ấn Độ và các quốc gia khác nên việc đưa các phương pháp của Phần Lan vào những nơi này có thể có ý nghĩa.

Trong khi đó, các trường công lập Ấn Độ cũng bắt đầu áp dụng các bài học từ Phần Lan. Người phụ trách giáo dục bang Kerala cho biết, bang sẽ hợp tác với Phần Lan về đào tạo giáo viên, cải cách chương trình giảng dạy và công nghệ lớp học.

Theo Al Jazeera

Tác giả bài viết: Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1143 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2930 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập389
  • Hôm nay68,910
  • Tháng hiện tại347,040
  • Tổng lượt truy cập51,702,999
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944